Thời sự 23/12/2013 08:07

Tín dụng tại hai thành phố lớn vẫn bế tắc

FICA - Trong khi tăng trưởng huy động vốn đạt cao trên cả hai đầu cầu kinh tế thì tín dụng ra cung ứng cho nền kinh tế vẫn chậm chạp, một phần do sức hấp thụ yếu ớt.

 

Theo báo cáo của các Cục thống kê hai thành phố lớn nhất nước Hà Nội và TPHCM, trong năm 2013, tín dụng cung ứng cho nền kinh tế vẫn còn nhiều vấn đề. Dòng vốn ra nhỏ giọt trong khi vốn huy động vẫn tăng khá mạnh.

Theo đó, tại TPHCM, tổng vốn huy động trên địa bàn đến đầu tháng 12 đạt 1.127,9 ngàn tỷ đồng, tăng 2,3% so tháng trước, so với mức tăng 2,9% của tháng trước thì tốc độ tăng đã chậm lại. So với cuối năm 2012, tốc độ tăng đạt 10,2% và tăng 30,2% so cùng kỳ.

Cụ thể, vốn huy động của các Ngân hàng Thương mại cổ phần chiếm 56,4% tổng vốn huy động, tăng 26,6% so cùng kỳ. Vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm 16%, giảm 15,1% so cùng kỳ. Vốn huy động VNĐ chiếm 84,0% tổng vốn huy động, tăng 44,9% so cùng kỳ. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm chiếm 54,8%, tăng 65,7% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, tổng dư nợ tín dụng đến đầu tháng 12 mới chỉ đạt 931,1 ngàn tỷ đồng, mức tăng chỉ đạt 1,3% so tháng trước; thấp hơn chỉ số của tháng 11 là 2,8%. Với tốc độ dư nợ tăng 6,5% so cuối năm 2012, nhìn chung tình hình cho vay các ngân hàng trên địa bàn thành phố vẫn chưa có khởi sắc.

Dư nợ tín dụng của các Ngân hàng Thương mại cổ phần đạt 511,8 ngàn tỷ đồng, chiếm 55% tổng dư nợ, tăng 38,4% so cùng kỳ. Dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ đạt 148,6 ngàn tỷ đồng, chiếm 16% tổng dư nợ, giảm 30,5% so cùng kỳ. Dư nợ tín dụng bằng VNĐ đạt 782,4 ngàn tỷ đồng chiếm 84% tổng dư nợ, tăng 49,3% so cùng kỳ. Dư nợ tín dụng trung dài hạn chiếm 45,6%, tăng 20,1% so cùng kỳ. Dư nợ tín dụng ngắn hạn chiếm 54,4% tăng 31,7% so cùng kỳ.

Ở Hà Nội, đến hết tháng 12, tổng vốn huy động được đạt là 1.034,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15,39% so với năm trước, trong đó tiền gửi tiết kiệm tăng 22,54%, phát hành giấy tờ có giá tăng 19,43%. Nguồn vốn huy động đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh, nhu cầu đầu tư và nhu cầu vốn để thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế nên dư nợ cho vay thấp hơn huy động. Tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng Mười hai năm 2013 đạt 917.983 tỷ đồng và mới chỉ tăng 4,59% so với năm trước, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 1,08%, dư nợ trung và dài hạn tăng 12,76%.

Bích Diệp

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *