Thời sự 01/12/2013 07:40

Tiếp tục sắp xếp lại các tổ chức tín dụng yếu kém

FICA - Năm 2014, NHNN sẽ tiếp tục chấn chỉnh, sắp xếp lại các NHTM, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính của Việt Nam, trước hết là các TCTD yếu kém, TCTD vi phạm nghiêm trọng quy định để đảm bảo hoạt động của hệ thống an toàn, lành mạnh, hiệu quả.

8/9 ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần yếu kém cần cơ cấu lại.

Nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Đến nay, 8/9 ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần yếu kém cần cơ cấu lại đã hoàn thành bước đầu lộ trình cơ cấu lại theo phương án được phê quyệt. Theo đó, tình hình hoạt động của các ngân hàng này đã được cải thiện, các sai phạm tồn tại, hạn chế đang được tích cực khắc phục và nguy cơ đổ vỡ đã được ngăn chặn.

Ngoài ra, các NHTM nhà nước, NHTM cổ phần khác, Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tín dụng (TCTD) phi ngân hàng và nhóm ngân hàng nước ngoài đều đang triển khai tích cực lộ trình cơ cấu lại dưới sự hướng dẫn và chỉ đạo sát sao của NHNN.

“Nhìn chung, hoạt động của hệ thống các TCTD đảm bảo an toàn, khả năng chi trả toàn hệ thống được cải thiện, tổng vốn điều lệ toàn hệ thống trong 8 tháng đầu năm 2013 tăng 4,02%; các TCTD đã bước đầu cơ cấu lại hoạt động kinh doanh và danh mục tài sản, nâng cao khả năng cạnh tranh; từng bước chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng và tăng nguồn thu từ các hoạt động phi tín dụng trên cơ sở đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, chuyển tiền…”, Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Tuy nhiên, theo nhận định từ Ngân hàng Nhà nước, việc cơ cấu lại các TCTD hiện nay còn một số khó khăn, vướng mắc, như: Khuôn khổ pháp lý cho việc cơ cấu lại các TCTD nói chung chưa hoàn thiện; việc xử lý các TCTD yếu kém đòi hỏi phải nhanh để hạn chế tổn thất và ảnh hưởng đến an toàn hệ thống trong khi đây là vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của nhiều bên và mất nhiều thời gian với nhiều thủ tục, quy định liên quan.

Đặc biệt, việc huy động các nguồn vốn và tìm kiếm các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, quản trị để tham gia tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các TCTD không thuận lợi do điều kiện kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn.

Trên cơ sở các mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6% và kiềm chế lạm phát khoảng 7%, NHNN dự báo một số chỉ tiêu tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong năm 2014: Tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 12-14% so với cuối năm 2013 và căn cứ vào diễn biến, tình hình thực tế để điều chỉnh phù hợp; Lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý, phù hợp với các cân đối kinh tế vĩ mô, đảm bảo khả năng thanh toán và an toàn hệ thống.

Bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng chỉ tiêu tiền tệ trong năm 2014, NHNN tập trung thực hiện các giải pháp điều hành trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục chỉ đạo, nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, gắn kết chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Điều hành chủ động, linh hoạt các mức lãi suất của NHNN để kiểm soát và điều tiết lãi suất thị trường phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là diễn biến lạm phát, góp phần ổn định thị trường tiền tệ.

Thứ hai, theo dõi sát tình hình hoạt động tín dụng của các TCTD, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho hệ thống TCTD mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hoạt động, tập trung vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai có hiệu quả cơ chế cho vay hỗ trợ nhà ở.

Thứ ba, thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý ngoại hối, vàng và ổn định tỷ giá theo hướng chống đô la và vàng hóa trong nền kinh tế. Điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến cung cầu ngoại tệ; triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ hơn thị trường ngoại hối nhằm chuyển dần quan hệ huy động - cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua - bán ngoại tệ, đảm bảo an toàn hệ thống TCTD, giảm tình trạng đô la hóa và nâng cao lòng tin vào đồng Việt Nam. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao về quản lý thị trường vàng theo quy định.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả và hiệu lực công tác thanh tra, giám sát. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; nội dung chủ yếu là thanh tra việc chấp hành pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, việc thực hiện các quy định trong giấy phép do NHNN cấp; xem xét, đánh giá mức độ rủi ro, năng lực quản trị rủi ro và tình hình tài chính của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Từng bước áp dụng phương pháp giám sát ngân hàng dựa trên cơ sở rủi ro, áp dụng các chuẩn mực về quản trị rủi ro, nâng cao năng lực quản trị điều hành của các TCTD.

Thứ năm, tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015. Chấn chỉnh, sắp xếp lại các NHTM, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính của Việt Nam, trước hết là các TCTD yếu kém, TCTD vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật để đảm bảo hoạt động của các TCTD an toàn, lành mạnh, hiệu quả, đúng pháp luật. Trên cơ sở phân loại các TCTD để tiếp tục có biện pháp phù hợp triển khai tái cơ cấu các TCTD, chú trọng các TCTD yếu kém, vi phạm các quy định an toàn và tiềm ẩn rủi ro phát hiện qua công tác thanh tra, giám sát. Thực hiện tốt các giải pháp xử lý nợ xấu theo Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đưa Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam đi vào hoạt động hiệu quả.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *