Thời sự 13/07/2019 10:04

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo dư thừa điện mặt trời

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra thông tin về vấn đề dư thừa điện mặt trời được báo chí phản ánh.

Theo đó, người đứng đầu Chính phủ dẫn nguồn tin từ Vietnamnet ngày 4/7/2019 về dư thừa nguồn điện vô tận, điều chưa từng có và cái kết đau xót do bổ sung quy hoạch ồ ạt các dự án điện mặt trời để hưởng giá ưu đãi hơn 2.000 đồng/kWh khiến lưới truyền tải không theo kịp. Nhiều dự án ở Ninh Thuận, Bình Thuận sản xuất 10 nhưng chỉ bán được 7-8.

Thủ tướng yêu cầu báo cáo dư thừa điện mặt trời

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương chủ trì, cùng các cơ quan liên quan kiểm tra và báo cáo Chính phủ.

Trước đó, tại một hội nghị đầu tháng 7/2019 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức tại Hà Nội, EVN đã có báo cáo về hiện trạng quá tải điện mặt trời khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận.

EVN cho biết, dù việc quá tải lưới điện truyền tải khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận đã được dự báo từ trước, nhưng với mức giá ưu đãi, các nhà máy điện mặt trời vẫn được đầu tư “ồ ạt” trong thời gian ngắn. Hệ thống điện đang thiếu hụt nguồn cung, nhưng nhà máy lại không thể phát hết công suất. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho chủ đầu tư mà còn cho cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Tính cuối tháng 6/2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, với tổng công suất đặt 4.543,8 MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. 

Con số này đã vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850 MW điện mặt trời vào năm 2020). Trong đó, riêng 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện có 38 nhà máy điện gió, điện mặt trời, với tổng công suất đặt 2.027 MW. Dự kiến, đến tháng 12/2020, công suất điện gió và điện mặt trời ở 2 tỉnh này sẽ tăng lên 4.240 MW.

Trong khi nguồn công suất tại chỗ rất lớn thì nhu cầu phụ tải của Ninh Thuận và Bình Thuận lại rất nhỏ. Theo tính toán cân bằng công suất của Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện quốc gia, tại tỉnh Ninh Thuận từ nay đến tháng 12/2020 chỉ dao động từ 100-115 MW và Bình Thuận từ 250-280 MW. 

Chính vì vậy, công suất cần phải truyền tải từ 2 địa phương này cũng rất lớn, với Ninh Thuận là từ 1000-2000 MW và Bình Thuận là từ 5.700 – 6.800 MW (bao gồm cả các nguồn điện truyền thống).

Theo tính toán, sự phát triển nóng này đã dẫn tới thực trạng đa số các đường dây, TBA từ 110-500 kV trên địa bàn đều quá tải. Trong đó có đường dây quá tải lên đến 360%. Mức mang tải của các đường dây còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

An Linh

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *