Thời sự 20/10/2015 11:42

Thủ tướng: Đã “xóa sổ” 17 tổ chức tín dụng

Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, với việc tự xử lý nợ xấu tại các ngân hàng và bán nợ cho VAMC, sau 3 năm (từ 9/2012 đến tháng 9/2015) nợ xấu đã giảm mạnh từ 17,43% xuống còn 2,9%; giảm được 17 tổ chức tín dụng.

Báo cáo tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII về tình hình kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong thời gian vừa qua đã triển khai đồng bộ tái cơ cấu kinh tế trọng tâm là 3 khâu đột phá.


Khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII (ảnh: Việt Hưng)

Khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII (ảnh: Việt Hưng)

Cụ thể, về đầu tư công, hướng đầu tư đã chuyển sang kế hoạch trung hạn, khắc phục tình trạng đầu tư vốn dàn trải. Tỷ trọng đầu tư công giảm từ 35% năm 2010 còn khoảng 30% năm 2015, tỷ trọng đầu tư của dân cư và doanh nghiệp trong nước tăng từ 36,1% lên 42%.

Về tái cơ cấu thị trường tài chính trọng tâm là các ngân hàng thương mại, tập trung xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Các ngân hàng thương mại sử dụng các phương pháp chủ động tự xử lý nợ xấu là chủ yếu, đồng thời phát huy vai trò của Công ty xử lý nợ xấu (VAMC) tham gia xử lý nợ xấu, phát triển thị trường mua bán nợ.

Theo số liệu được người đứng đầu Chính phủ cung cấp cho Quốc hội, đến tháng 9/2015, nợ xấu còn 2,9%; (trong khi tháng 9/2012 là 17,43%), đã giảm được 17 tổ chức tín dụng. Thanh khoản và an toàn hệ thống được bảo đảm và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Quy mô thị trường chứng khoán đạt khoảng 33% GDP và thị trường trái phiếu đạt khoảng 23% vào cuối năm 2015.

Về cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tập trung vào cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Theo đó, trong thời gian qua, DNNN tập trung vào các lĩnh vực then chốt, thiết yếu, quản lý nhà nước và quản lý vốn chủ sở hữu được tăng cường. Kết quả, đã sắp xếp được 465 DNNN, trong đó cổ phần hóa 353 doanh nghiệp.

Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán bớt phần vốn tại các doanh nghiệp cổ phần hóa, thu về cao hơn giá trị sổ sách gấp 1,47 lần. Năng lực quản trị, tiềm lực tài chính và hiệu quả sản xuất của DNNN được tăng lên. Vốn nhà nước được bảo toàn và phát triển. DNNN cơ bản thực hiện được các nhiệm vụ được giao.


(Ảnh: Việt Hưng)

(Ảnh: Việt Hưng)

Nhìn chung trong 5 năm qua, dưới sự điều hành của Chính phủ, lạm phát đã được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo. Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) từ 18,43% năm 2011 xuống còn khoảng 2% năm 2015 - thấp nhất trong 15 năm qua. Mặt bằng lãi suất giảm, năm 2015 chỉ bằng 40% so với năm 2011; Dư nợ tín dụng tăng 17%, cao nhất kể từ năm 2011. Chất lượng tín dụng được cải thiện, tỷ giá cơ bản ổn định, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên, khắc phục tình trạng vàng hóa, đô la hóa trong nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 18%/năm, đặc biệt xuất khẩu các sản phẩm chế biến, chế tạo tăng; nhập khẩu tăng 15%; tỷ lệ nhập siêu giảm mạnh từ 10,2% năm 2011 xuống còn 3,6% năm 2015.

Dự trữ ngoại hối năm 2015 ước cao nhất từ trước tới nay. Quản lý ngân sách nhà nước được tăng cường, thu từ dầu thô giảm mạnh nhưng thu nội địa tăng nên tổng thu ngân sách năm 2015 vẫn tăng 7,4% và 5 tăng gấp khoảng 2 lần so với giai đoạn trước. Chi ngân sách gấp 2,17 lần, tăng chi cho con người, bảo đảm an sinh xã hội. Bội chi bình quân khoảng 5% GDP/năm. Nợ công tập trung cho đầu tư phát triển. Đến hết năm 2015, nợ công khoảng 61,3% GDP, nợ chính phủ 48,9%, nợ nước ngoài 44,5% trong giới hạn an toàn.

Vốn FDI thực hiện đạt 58,2 tỷ USD, tăng 31%; vốn ODA giải ngân đạt khoảng 24 tỷ USD tăng 70,5%. An ninh năng lượng và cân đối cung cầu năng lượng được đảm bảo, quản lý thị trường giá cả được tăng cường, thực hiện bình ổn giá với một số hàng hóa thiết yếu.

Bích Diệp

 
Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *