Thời sự 26/09/2018 06:04

Thứ trưởng Bộ Công Thương: Đừng nghĩ Petrolimex hưởng đặc quyền mới có lãi lớn

"Hiện không có tình trạng độc quyền, đặc quyền và càng không nên nghĩ rằng Petrolimex nhờ được hưởng đặc quyền này mà có lãi lớn. Nếu để Petrolimex hoạt động theo cơ chế thị trường tôi tin rằng hiệu quả kinh doanh còn tốt hơn nữa, lãi còn lớn hơn nữa".

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ngày 25/9.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh.

Theo ông Khánh, khi nhìn vào Petrolimex cần nhìn vào cả bề dày lịch sử, không nên nói đến Tập đoàn được hưởng đặc quyền, độc quyền trong kinh doanh xăng dầu..., từ đó đưa ra những nhận xét không đúng.

Rất nhiều ý kiến cho rằng chúng ta nên tự do hoá ngành xăng dầu nhưng cũng đồng thời, những người đưa ra ý kiến đó lại yêu cầu chúng ta cần kiểm soát chặt thị trường xăng dầu.

"Đăng ký kinh doanh cho phép tất cả các doanh nghiệp được tham gia kinh doanh, nhập khẩu, phân phối xăng dầu, nhưng giá lại phải kiểm soát, giá phải rẻ, nhà nước bao cấp về giá... Riêng hai mục tiêu đó, cá nhân tôi cho rằng có sự khác nhau. Muốn cạnh tranh sòng phẳng thì phải có nhiều người tham gia, song lại muốn có sự ổn định về giá bằng biện pháp hành chính", ông Khánh nói.

"Ngành xăng dầu, chúng ta nói là độc quyền, nhưng thực tế ít nhất chúng ta có hai DN lớn phân phối xăng dầu là Petrolimex và PVOil, ít nhất có hai doanh nghiệp đó cạnh tranh với nhau trên thị trường. Hay ít nhất chúng ta có hai nhà máy lọc dầu có thể bảo đảm 70% nguồn cung xăng dầu cho đất nước (Dung Quất và Nghi Sơn); chưa kể đến 29 đầu mối nhập khẩu xăng dầu và 155 DN phân phối xăng dầu.

Vậy lo lắng của chúng ta về an ninh năng lượng có còn như trước đây nữa không? Vậy chúng ta có còn thị trường độc quyền nữa không?", ông Khánh đặt câu hỏi.

Theo ông Khánh, hiện nay có hiểu nhầm về việc Petrolimex chiếm 48% thị phần bán lẻ xăng dầu. Chúng ta cho rằng, Petrolimex là doanh nghiệp rất lớn, độc quyền chiếm một vị thế thống lĩnh. Ở đây phải làm rõ có các tổng đại lý và các đại lý.

48% thị phần bán lẻ này của Petrolimex không phải là sở hữu 100% Petrolimex, các đại lý đó là sở hữu của các thành phần kinh tế khác, họ tham gia vào hệ thống phân phối do Petrolimex lập ra.

"Các đại lý có thể rời khỏi hệ thống này bất cứ lúc nào, nếu Petrolimex không có các biện pháp để bảo đảm hệ thống phân phối, nếu họ không thích họ có thể ra đi. Thị phần ngày nay có thể là 48%, nhưng ngày mai, nếu ban lãnh đạo Petrolimex làm không tốt thì sau một đêm chỉ còn 10%, 38% kia chuyển sang làm đại lý cho PVOil. 48% này không phải là sở hữu của Petrolimex, từ đó gắn cho Petrolimex “danh hiệu” là chiếm thị phần thống lĩnh", ông Khánh nói.

48% này là Petrolimex xây dựng hệ thống phân phối, họ sẽ phải tiếp tục nỗ lực để giữ vững hệ thống phân phối này. Nếu họ không nỗ lực, họ sẽ đánh mất thị phần.

Theo ông Khánh, hiện Petrolimex không được hưởng đặc quyền gì cả. Nhập khẩu hiện nay là 29 doanh nghiệp và bất cứ DN nào đáp ứng được điều kiện kinh doanh do Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đưa ra đều có thể tham gia nhập khẩu xăng dầu cũng như phân phối xăng dầu trong nước.

"Hiện nay tình trạng độc quyền, đặc quyền không có. Càng không nên nghĩ rằng Petrolimex nhờ được hưởng đặc quyền này mà có lãi lớn trong thời gian qua", Thứ trưởng Khánh nói.

Ông Khánh cho rằng: Hiện nay Petrolimex đang phải chịu nhiều quy định vì được giao nhiệm vụ bình ổn thị trường, được giao nhiệm vụ chính trị... nên giá bán ra bị khống chế. Nếu để Petrolimex được kinh doanh theo cơ chế thị trường, không phải chịu hạn chế về hành chính, tôi tin rằng hiệu quả kinh doanh còn tốt hơn nữa, lãi còn lớn hơn nữa.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *