Thời sự 15/12/2018 15:02

Thu hồi tài sản nhà nước đã bán: Nhiều vấn đề và rất phức tạp?

Liên quan tới câu chuyện tài sản nhà nước đã bán cho doanh nghiệp nhưng phát hiện sai phạm trong quá trình chuyển nhượng sẽ được thu hồi trên cơ sở pháp lý nào, nhiều chuyên gia cho rằng có thể còn nhiều vấn đề và rất phức tạp khi xử lý.

Khu phức hợp Sân vận động Chi Lăng. (Ảnh minh hoạ).

Khu phức hợp Sân vận động Chi Lăng. (Ảnh minh hoạ).

Như Dân trí đề cập, thời gian gần đây, nhiều thương vụ chuyển nhượng tài sản nhà nước đã được xác định là thiếu căn cứ pháp lý, trái thẩm quyền, không đúng quy trình, thủ tục, hoặc do có tham nhũng, tiêu cực, chẳng hạn như thương vụ bán đất của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (TPHCM), bán sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng), bán Cảng Quy Nhơn…

Câu hỏi đặt ra là, tài sản nhà nước đã bán cho doanh nghiệp nhưng phát hiện sai phạm trong quá trình chuyển nhượng sẽ được thu hồi trên cơ sở pháp lý nào?

Trong khi luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, việc thu hồi về cơ sở pháp lý "bế tắc hoàn toàn, không có cơ sở nào cả" thì một thẩm phán có nhiều kinh nghiệm xét xử đại án tham nhũng của TAND thành phố Hà Nội lại cho rằng câu chuyện không hẳn như vậy.

Dẫn trường hợp vụ Cảng Quy Nhơn, thẩm phán cho biết: "Thanh tra Chính phủ đã kết luận mua bán sai trình tự, thủ tục có nghĩa là hợp đồng vô hiệu mà vô hiệu thì hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Nên không thể kết luận Thanh tra Chính phủ sai bởi người ta đã chỉ ra rằng trình tự thủ tục mua bán, thẩm quyền mua bán ở đây là sai".

Đồng thời, ông cũng cho rằng, việc bán tài sản Nhà nước là "nguồn tham nhũng cực lớn và quan chức giàu lên nhanh chóng từ khi Nhà nước cho bán tài sản công".

Một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học Viện Tài chính) cho rằng, việc thu hồi tài sản nhà nước đã bán về mặt pháp lý có mấy vấn đề chính: "Cần phải xem việc mua bán đó có đúng luật pháp hay không? Đây là tài sản công nên khi mua bán phải theo những quy định của nhà nước và đầu tiên là phải có định giá tài sản của những cơ quan có thẩm quyền. Tiếp đó là phải mua bán qua đấu giá, đấu thầu công khai giữa các chủ thể. Thứ 3 người ra quyết định là người có đủ thẩm quyền mà nhà nước quy định hay không?".

Theo ông Thịnh, nếu tất cả các khâu trên thực hiện đúng và sau đó khâu liên quan tới thủ tục giấy tờ, thanh toán thuế và nghĩa vụ với nhà nước cũng thực hiện đúng thì tài sản đó được mua bán hợp pháp. "Nếu thiếu một trong những khâu đó thì là mua bán bất hợp pháp và hoàn toàn có cơ sở pháp lý để thu hồi", ông nói.

Tuy nhiên, ông Thịnh cũng thừa nhận, việc thu hồi cũng còn nhiều vấn đề phải xem xét và rất phức tạp.

"Nếu tài sản là mảnh đất chưa xây dựng thì đơn giản hơn nhưng nếu đã chuyển hoá rồi thì phức tạp lắm và phải đưa ra xem xét kĩ thì mới có thể thu hồi được nhằm đảm bảo việc mua bán sòng phẳng theo đúng quy định của Nhà nước. Một khi đã được xây dựng rồi thì phải xem xét để xử lý, từ đó có thể thu hồi giá trị phát sinh tăng thêm mà người mua bán mảnh đất được hưởng lợi", ông cho biết.

Nói rõ hơn về cơ chế thu hồi tài sản, ông Thịnh cho rằng: "Nói đúng ra về mặt luật pháp phải đưa ra toà, toà xử đúng sai thế nào thì sẽ có cái xử lý rõ ràng nhưng đây là đất công, người mua bán muốn khắc phục như vụ Quốc Cường Gia Lai hay một số vụ khác thì đơn giản thôi. Còn đưa ra toà thì xử lý theo quy định pháp luật thôi, lúc đó người mua và người bán chịu trách nhiệm trước pháp luật, có thể nó sẽ nặng nề hơn".

Trong một bài viết, Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam đề cập tới vụ chuyển nhượng khu đất tại xã Phước Kiển giữa Công ty Quốc Cường Gia Lai và Công ty Tân Thuận. Với giả thiết Quốc Cường Gia Lai không tự nguyện hoàn trả, công ty Tân Thuận yêu cầu tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu để hủy bỏ giao dịch, qua đó thu hồi khu đất đã bán được ông Lập cho rằng "sẽ rất phức tạp".

Theo ông Lập, toà án sẽ phải xác định hợp đồng hay giao dịch đó của hai bên có vi phạm “điều cấm của pháp luật” hay không hoặc xem xét hợp đồng đã ký nhưng đã hội đủ các điều kiện để có hiệu lực hay chưa.

"Chẳng hạn, nếu bên chuyển nhượng không có thẩm quyền bán tài sản theo luật định mà vẫn bán, thì hợp đồng đó sẽ không có hiệu lực và tài sản không thể được chuyển giao, hay nói một cách khác vẫn thuộc quyền sở hữu của bên bán. Rắc rối thực sự sẽ xảy ra khi căn cứ vào hợp đồng bán, việc chuyển giao quyền sở hữu, ít nhất về mặt hình thức và thủ tục, đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận qua thủ tục đăng ký, trước bạ. Bởi trong tình huống đó, sẽ cần có hai quy trình và thủ tục pháp lý khác nhau và độc lập để hủy bỏ cả bản hợp đồng đã thực hiện xong cũng như quyền sở hữu mới được xác lập", ông Lập cho biết.

Kiến nghị "cởi trói" cho dự án có sai phạm trong khâu giao đất

Trong văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ mới đây, Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ vẫn cho phép các chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thi công dự án với điều kiện chủ đầu tư dự án phải có văn bản cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) đối với dự án sau khi đã có kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền, để hoàn thành dự án đưa vào sử dụng, tránh lãng phí thời gian và của cải xã hội, và đảm bảo quyền lợi của người mua nhà trong dự án.

Hiệp hội kiến nghị đối với người mua nhà đã giao kết và thực hiện hợp đồng mua nhà tại các dự án này là bên ngay tình, không có lỗi, nên không phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính phát sinh của chủ đầu tư dự án (nếu có).

HoREA cho biết, Hiệp hội rất hoan nghênh và hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về nguyên tắc xử lý các dự án có sai phạm trong việc giao đất nhưng đã bàn giao nhà cho khách hàng hoặc dự án đang thực hiện dở dang, như sau: Những dự án mà doanh nghiệp triển khai đúng quyết định được giao, nếu thành phố giao đất với giá thấp quá, doanh nghiệp có thể đóng thêm tiền hoặc làm sao đảm bảo lợi ích nhà nước, nhưng dự án thì tiếp tục làm. Không dừng dự án nếu không vi phạm về quy hoạch, để tiền vốn của người dân góp vào đó không mất đi.

"Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo, giải quyết khó khăn của các loại dự án nói trên, tạo điều kiện cho các dự án phù hợp với quy hoạch hoàn thành đầu tư xây dựng, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, người dân và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ nộp bổ sung vào ngân sách nếu có. Trường hợp doanh nghiệp có những vi phạm khác thì đề nghị xem xét xử lý sau", công văn của HoREA nêu.

Phương Dung

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *