Thời sự 17/06/2014 06:31

Thống đốc có đột phá gì hạn chế sở hữu chéo?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, tính đến cuối năm 2013, quy mô sở hữu chéo trực tiếp trong hệ thống tín dụng của Việt Nam là “chưa lớn”.

Qua tiếp xúc cử tri, có nhiều ý kiến phản ánh vấn đề sở hữu chéo và sở hữu có tính lũng đoạn trong hoạt động ngân hàng ngày càng nóng hơn, nhất là khi tiến hành tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, một đại biểu Quốc hội đặt vấn đề này tại chất vấn bằng văn bản, mới được gửi đến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.

Theo người chất vấn, có tình trạng trên là bởi, không ít nợ xấu ở một số ngân hàng thuộc về chính “các ông chủ” ngân hàng, hay nói cách khác chủ nợ và con nợ được tích hợp “trong một chủ thể”. Các ông chủ này có đủ quyền lực để biến nợ xấu ngắn hạn thành nợ xấu trung, dài hạn.

“Đề nghị Thống đốc cho biết phản ánh trên có đúng thực tế không? Nếu đúng thì việc kiểm tra, xử lý vấn đề trên như thế nào trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới để tạo tính minh bạch trong hoạt động của ngân hàng? Thống đốc có những quy định gì mang tính đột phá để hạn chế tình trạng sở hữu chéo và sở hữu có tính lũng đoạn trong hoạt động ngân hàng?”. Đại biểu này đặt ra hàng loạt câu hỏi.

Ở văn bản hồi âm, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, tính đến cuối năm 2013, quy mô sở hữu chéo trực tiếp trong hệ thống tín dụng của Việt Nam là “chưa lớn”.

“Nhưng sở hữu chéo dưới các hình thức khác nhau khá phức tạp, đã gây nên một số tác động tiêu cực đến hoạt động quản trị, điều hành, tính minh bạch trong hoạt động của một số tổ chức tín dụng và đang có xu hướng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của từng tổ chức tín dụng nói riêng cũng như toàn hệ thống nói riêng, gây ra những cản trở nhất định đến quá trình cơ cấu lại hệ thống”, Thống đốc viết.

Với đặc thù và thực trạng trên, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho rằng, vấn đề sở hữu chéo của các tổ chức tín dụng Việt Nam cần được “xử lý từng bước, thận trọng và bằng nhiều giải pháp đồng bộ”.

Không lần nào nhắc đến hai chữ “đột phá” như đại biểu chất vấn, song nhấn mạnh quan điểm xử lý sở hữu chéo là tất yếu, Thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng và thực hiện các quy định, nhóm giải pháp nhằm hạn chế sở hữu chéo, đầu tư chéo, vi phạm sở hữu cổ phần.

Trong các giải pháp về chính sách, Thống đốc cho hay, đã trình Thủ tướng cơ chế cho phép Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận, mua lại cổ phần vốn thoái của doanh nghiệp nhà nước tại tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cũng đang hoàn thiện thông tư hướng dẫn thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp việc cổ đông của tổ chức tín dụng sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.

Và, thông tư hướng dẫn đủ điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục góp vốn, mua cổ phần của các tổ chức tín dụng, trong đó có các quy định kiểm soát sở hữu chéo, đầu tư chéo, cho vay cổ đông và người có liên quan, hạn chế chi phối, thao túng tổ chức tín dụng… cũng đang được xây dựng.

Văn bản trả lời của Thống đốc còn nêu khá nhiều thông tin về xử lý sở hữu chéo khi thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

Như, đối với cổ đông, nhóm cổ đông mới nhận chuyển nhượng cổ phần, vốn góp từ các cổ đông cũ tại ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém phải chứng minh có đủ năng lực tài chính, không được sử dụng vốn vay, vốn huy động từ chính tổ chức tín dụng đó hoặc các tổ chức, cá nhân khác.

“Các phương án tái cơ cấu cũng như sự tham gia của các nhà đầu tư mới sẽ không làm gia tăng sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng”, Thống đốc chắc chắn.

Là số ít thành viên Chính phủ không phải là đại biểu Quốc hội đương nhiệm, Thống đốc Nguyễn Văn Bình có mặt tại các phiên chất vấn vừa qua, trong vai khách mời.

Không chọn Thống đốc để chất vấn trực tiếp, song một số vị đại biểu vẫn gửi chất vấn bằng văn bản đến ông Nguyễn Văn Bình và nhìn chung, họ đều hài lòng về tốc độ trả lời của Thống đốc, cho dù, mức độ hài lòng về chất lượng trả lời thì còn khác nhau.

 

Theo Nguyên Vũ
Vneconomy

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *