Thời sự 04/01/2014 09:23

Thông điệp đầu năm của CEO ngân hàng

Nền kinh tế dù đã có những tín hiệu tích cực, nhưng vẫn tiềm ẩn không ít khó khăn và ngành ngân hàng cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tái cơ cấu, xử lý nợ xấu.

Đó là thông điệp chung của lãnh đạo các nhà băng trước thềm xuân mới 2014. 

“Nền kinh tế đang trên đà ổn định, nhưng vẫn chưa chắc chắn”

Ông Tay Han Chong, Tổng giám đốc MeKong Bank

Tình hình kinh doanh của Mekong Bank trong năm 2013 khá tốt, nhưng vẫn không thể đạt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 350 tỷ đồng. Bởi trước bối cảnh khó khăn chung của thị trường, không chỉ với Mekong Bank mà cả các ngân hàng khác cũng khó đạt được mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, theo tôi, không nên nhìn vào con số lợi nhuận để đánh giá hoạt động của một ngân hàng.

Bước sang năm 2014, tăng trưởng tín dụng sẽ được cải thiện so với năm qua, khi tình hình kinh tế có dấu hiệu hồi phục và sức khỏe của khối doanh nghiệp đang dần tốt lên.

Nền kinh tế đang trên đà ổn định, nhưng vẫn chưa chắc chắn. Tỷ lệ lạm phát đã được kiềm chế thành công ở một con số, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP vẫn còn chậm.

Ngành ngân hàng, bất động sản và các công ty nhà nước vẫn đang trong thời kỳ khó khăn. Triển vọng kinh tế thế giới vẫn chưa có gì nổi bật.

Vì vậy, tôi hy vọng, các doanh nghiệp sẽ có sự cải thiện dần dần, nhưng các doanh nghiệp thuộc các ngành khác nhau sẽ có mức độ hồi phục và cải thiện khác nhau. Nếu Việt Nam có thể thu hút FDI trong giai đoạn này nhiều hơn thì đó có thể là động lực để thúc đẩy nền kinh tế trong nước.

“Kỳ vọng hoạt động ngân hàng năm nay sẽ bớt khó khăn”

Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank

Theo tôi, các điều kiện hiện nay sẽ là tiền đề tích cực cho sự tăng trưởng của hoạt động tín dụng trong năm 2014. Chẳng hạn, mặt bằng lãi suất hiện không còn là áp lực đối với doanh nghiệp.

Lạm phát mục tiêu năm 2014 dự kiến cũng sẽ được kiểm soát ở mức thấp tương đương năm 2013, vì thế khả năng lãi suất cho vay sẽ còn giảm thêm để kích cầu tín dụng. Thanh khoản của ngân hàng cũng dồi dào hơn so với trước đây, nên điều kiện để cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng cũng sẽ tốt hơn.

Vài năm gần đây, tình hình kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp kinh doanh không thuận lợi, ngành ngân hàng đứng trước thực tế nợ xấu tăng cao, nên việc xử lý nợ đang là mối quan tâm chung của toàn ngành. Tuy nhiên, nợ xấu đã và đang từng bước được xử lý tích cực thông qua Công ty Quản lý tài sản các TCTD (VAMC).

Bản thân HDBank sau khi hoàn tất việc sáp nhập DaiA Bank cũng sẽ sàng lọc nợ xấu để bán cho VAMC. Các rào cản về tín dụng cũng phần nào được gỡ bỏ sẽ là điều kiện tốt cho hoạt động cho vay. Chúng tôi kỳ vọng, hoạt động của ngân hàng năm nay sẽ bớt khó khăn. Song bên cạnh thuận lợi, cũng còn có những khó khăn nhất định, nhất là khi sức khỏe của doanh nghiệp vẫn chưa hồi phục hoàn toàn và sức mua chưa được cải thiện nhiều.

Trong năm qua, HDBank đã nỗ lực để hoàn tất các mục tiêu đề ra. Trong đó, phải kể đến việc sáp nhập thành công DaiABank và mua lại SGVF, HDBank kết hợp được các thế mạnh để tăng tốc phát triển vượt bậc, mang lại nhiều hơn các dịch vụ tiện ích, sản phẩm đa dạng cho khách hàng và đối tác.

“Nợ xấu vẫn là mối đe dọa với tăng trưởng tín dụng”

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB

Nếu không phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, thì lợi nhuận trước thuế của OCB năm 2013 sẽ đạt khoảng trên 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, do phải trích dự phòng cao, khả năng cả năm OCB chỉ đạt hơn 320 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, bằng kế hoạch xây dựng ban đầu. Tăng trưởng tín dụng của OCB năm 2013 ở mức 9%; trong đó, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân chiếm 50%.

Hiện lãi suất cho vay không còn là vấn đề lo ngại đối với khách hàng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2014.

Nguyên nhân là sức mua thị trường vẫn chưa được cải thiện nhiều, nên tồn kho vẫn là điều khiến các DN lo lắng, vì thế nhu cầu vốn chưa cao.

Mặt khác, nợ xấu vẫn là mối đe dọa trong tăng trưởng tín dụng, do đó chất lượng khoản vay luôn phải kiểm soát chặt và Ngân hàng cũng sẽ sàng lọc khách hàng kỹ hơn.

“Khó khăn là môi trường để các ngân hàng quay về tăng trưởng cốt lõi”

Ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam)

Năm 2014, ngành ngân hàng dự báo sẽ tiếp tục khó khăn, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn chưa hoàn toàn hồi phục, các DN tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa do cầu nội địa yếu.

Tuy nhiên, đây cũng là một môi trường thuận lợi để ép các ngân hàng phải lành mạnh hóa sổ sách kế toán, quay về tăng trưởng cốt lõi và tăng cường chất lượng dịch vụ để thu hút được khách hàng.

Điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã rất thành công trong năm 2013, nếu NHNN vẫn tiếp tục duy trì việc điều hành các chính sách linh hoạt như vậy, tôi tin rằng các chính sách này sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong việc tạo niềm tin của người dân vào tiền đồng, cộng với chi phí vay vốn ở mức hợp lý hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Tiến trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã đạt được những thành công bước đầu. Tuy nhiên, nếu chúng ta không xử lý dứt điểm, nợ xấu sẽ tăng cao và sự đổ vỡ hệ thống là một rủi ro lớn.

Theo tôi, ngoài việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, cần sự chung tay giúp sức giữa Ngân hàng Nhà nước với các bộ ngành và Chính phủ.

Trong năm nay, HSBC Việt Nam vẫn tiếp tục chiến lược kinh doanh tận dụng lợi thế mạng lưới trên toàn cầu tại hơn 80 quốc gia để hỗ trợ các DN nước ngoài tham gia đầu tư vào Việt Nam và các DN Việt Nam mua/bán hoặc đầu tư ra thị trường nước ngoài.

Ngoài ra, HSBC sẽ chú trọng vào việc hỗ trợ các DN Việt Nam tiếp cận thị trường vốn quốc tế trong bối cảnh thị trường vốn quốc tế vẫn còn thuận lợi cho các DN từ các thị trường đang phát triển.

Đối với các khách hàng cá nhân, chúng tôi tiếp tục đưa ra các sản phẩm, tiện ích đa dạng với chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

“Chính phủ xem xét nới tỷ lệ sở hữu ngân hàng với NĐT nước ngoài là bước đi rất tích cực”

Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên Standard Chartered (Việt Nam)

Việt Nam đã rất ấn tượng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, khi ngày càng có nhiều NĐT tìm đến và hiểu rõ về môi trường đầu tư tại đây. Việc Chính phủ đang xem xét tăng sở hữu đầu tư nước ngoài tại một số công ty niêm yết lên 60%, cũng như tăng sở hữu đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam, theo tôi, sẽ mở ra triển vọng lớn cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Thực tế cho thấy, trở ngại lớn nhất của NĐT nước ngoài khi chỉ được nắm giữ 15 - 25% cổ phần trong một doanh nghiệp là không thể nắm quyền kiểm soát thực sự, mặc dù có thể gây ảnh hưởng. Quan trọng hơn, với tỷ lệ nắm giữ này, NĐT nước ngoài không thể áp dụng những kinh nghiệm về quản trị rủi ro tiên tiến hay những kinh nghiệm tốt nhất vào công ty đó…

Nếu NĐT có thể nắm quyền kiểm soát nhiều hơn, có thể đầu tư nhiều hơn thì có thể tạo nên sự khác biệt một cách nhanh chóng hơn cho DN. Việc Chính phủ đang xem xét mở rộng cơ hội đầu tư vào Việt Nam là một bước đi rất tích cực, do vậy, tôi rất lạc quan về tình hình kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh việc xử lý nợ xấu, ngành ngân hàng Việt Nam cần xây dựng được một hệ thống quản trị DN, quản lý rủi ro hiệu quả; cải tiến hệ thống hạ tầng công nghệ, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Standard Chartered hoạt động tại Việt Nam từ 1904 và có một tầm nhìn dài hạn cũng như chiến lược kinh doanh rất cụ thể tại Việt Nam. Với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, làm việc hiệu quả, chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược đó.

Cụ thể, Ngân hàng luôn đặt trọng tâm vào khách hàng, cung cấp cho khách hàng những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao nhất và đảm bảo đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng thông qua những việc làm có ý nghĩa. Standard Chartered sẽ làm điều đó một cách nhất quán và kiên định, qua đó, đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam.

“Lãi suất cho vay sẽ giảm thêm để kích cầu tín dụng”

Ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc NamA Bank

Mặt bằng lãi suất huy động khả năng sẽ tiếp tục ổn định trong năm nay, vì lạm phát kỳ vọng được kiểm soát ở mức 6 - 6,5% như năm 2013. Tuy nhiên, lãi suất cho vay dự báo sẽ còn giảm thêm để kích cầu tín dụng.

Trong năm 2013, tăng trưởng tín dụng và huy động vốn của NamA Bank đạt mức khả quan và nợ xấu được kiểm soát ở mức an toàn, dưới 3%. Tuy nhiên, do tình hình khó khăn chung của thị trường, để chia sẻ khó khăn với các khách hàng doanh nghiệp, NamA Bank đã giảm lãi suất cũng như các phí dịch vụ đi kèm, kết quả hoạt động của NamA Bank đã không đạt được kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước thuế năm qua của Ngân hàng dự kiến đạt khoảng 200 tỷ đồng.

Việc lợi nhuận không đạt chỉ tiêu đề ra cũng là vấn đề được các cổ đông của Ngân hàng chia sẻ. Do đó, chính sách cổ tức của NamA Bank trong năm 2014 là các cổ đông lớn sẽ phải chịu thiệt thòi hơn cổ đông nhỏ như năm 2013.

“SCB ưu tiên cho mục tiêu hoạt động an toàn và bền vững”

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, quyền Tổng giám đốc SCB

Trong quá trình tái cơ cấu, SCB không đặt chỉ tiêu lợi nhuận lên hàng đầu, mà ưu tiên cho mục tiêu hoạt động an toàn và bền vững. Vì vậy, Ngân hàng đã thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ cho các khoản nợ xấu.

Tổng số dự phòng đã trích của SCB đến thời điểm này ước tính vào khoảng 3.000 tỷ đồng. Nếu năm nay và các năm sau, nợ xấu được xử lý thì khoản dự phòng này sẽ được hoàn nhập.

Nợ xấu của SCB đã được kéo về dưới mức 3% trong quý IV/2013, khi Ngân hàng đẩy mạnh bán 5.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.

Năm 2013 là năm thứ hai SCB thực hiện Đề án Tái cơ cấu (3 năm) đã được NHNN phê duyệt, nhưng một số mục tiêu tái cơ cấu đã đạt được trước thời hạn. Chẳng hạn như xử lý nợ xấu, nợ liên ngân hàng và tái cơ cấu nguồn vốn.

Chúng tôi tin rằng, việc tái cơ cấu sẽ được SCB nỗ lực để hoàn tất đúng với kế hoạch đưa ra.

Trong quá trình tái cơ cấu, việc tăng trưởng tín dụng sẽ có những hạn chế nhất định. Nhưng để có thể tạo được nguồn thu, giúp cho quá trình tái cơ cấu, SCB sẽ xin phép NHNN có cơ chế tái hoạt động thương mại và tạo điều kiện tăng trưởng tín dụng trong năm 2014. Bởi chỉ khi hoạt động thương mại bình thường, mới có thể tạo được nguồn thu bổ sung cho quá trình tái cơ cấu, trích lập dự phòng, nâng cao bộ máy, đầu tư và tái đầu tư... Tất nhiên là SCB cũng hiểu rằng, để làm được điều này, phải có sự kiểm soát chặt chẽ từ NHNN.

Mục tiêu của SCB trong năm 2015 là nỗ lực để hoàn tất Đề án Tái cơ cấu và tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài, tăng vốn điều lệ thêm 2.000 – 3.000 tỷ đồng so với hiện nay (12.300 tỷ đồng), nhằm nâng cao năng lực tài chính và đẩy nhanh quá trình tài cơ cấu Ngân hàng.

“Không nên trì hoãn Thông tư 02 thêm nữa”

Ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên ANZ (Việt Nam)

Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng hiện nay đang tập trung vào xử lý nợ xấu, lành mạnh bảng cân đối kế toán của các ngân hàng thương mại.

Thông tư 02 hướng dẫn về phân loại và trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu của các TCTD, được hoãn thi hành đến tháng 6/2014, là một bước đi quan trọng để các ngân hàng phải định nghĩa nợ xấu theo một quy chuẩn chung, chứ không thể linh hoạt ở từng ngân hàng như trước.

Theo tôi, điều quan trọng là Thông tư 02 không nên trì hoãn thêm nữa. Phương thức xử lý nợ xấu qua VAMC mà NHNN đang chọn là đúng đắn. Tôi dự đoán, trong 5 năm tới, các NHTM sẽ trả hết nợ cho VAMC.

Chiến lược của ANZ tập trung ở 3 mảng chính: Thứ nhất, thị trường bán lẻ phục vụ khách hàng có thu nhập cao là một trong những đối tượng khách hàng mà chúng tôi tập trung mạnh. Chúng tôi vẫn tiếp tục dẫn đầu thị trường về quản lý tài sản và dịch vụ thẻ của chúng tôi cũng phát triển rất mạnh.

Một mảng quan trọng trong bán lẻ là cho vay mua nhà đang chịu ảnh hưởng của thị trường, nên tốc độ tăng trưởng có chậm hơn. Nhưng tôi tin tưởng là thị trường bất động sản sẽ sớm ấm trở lại, khi nhu cầu sở hữu nhà đang tăng lên.

Thứ hai, tài trợ thương mại, hỗ trợ các DN xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp. Gần đây, chúng tôi vừa mở thêm chi nhánh ở Bình Dương và sẽ cân nhắc mở thêm chi nhánh ở một số thành phố trọng điểm khác, để hỗ trợ DN trong ngành xuất nhập khẩu và chuỗi cung ứng.

Thứ ba, tiếp tục giữ vững vị trí hàng đầu ở mảng thị trường nợ và các sản phẩm ngoại hối cũng như trở thành ngân hàng giao dịch chính (cung cấp dịch vụ tài trợ thương mại và quản lý dòng tiền) cho các khách hàng.

Tôi tin ANZ sẽ đạt được các chiến lược đặt ra, bởi Ngân hàng có một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp.

“Xử lý nợ xấu quyết liệt hơn trong năm 2014”

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank

Năm qua, ngành ngân hàng phải dồn lực để xử lý nợ xấu và nhiệm vụ này càng phải thực hiện quyết liệt hơn trong năm 2014, để đảm bảo nợ xấu được kiểm soát, nhất là khi Thông tư 02/2013/TT-NHNN ngày 21/1/2013 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn phân loại nợ xấu và trích lập dự phòng nợ xấu có hiệu lực từ ngày 1/6/2014.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy, nền kinh tế đang dần phục hồi, hệ thống DN đang đi vào chu kỳ phát triển mới, năng lực sản xuất - kinh doanh và sức mua của nền kinh tế được cải thiện, hệ thống ngân hàng sẽ có nhiều cơ hội, nhưng áp lực cạnh tranh sẽ xuất hiện ở tất cả các phân khúc khách hàng cũng như các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.

Mặc dù hoạt động và tự tái cơ cấu trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng dự kiến năm 2013, TPBank sẽ đạt 358 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 13% so với chỉ tiêu đặt ra.

Vốn huy động dân cư tăng trên 160% so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng tín dụng tăng trên 190% so với 2012, nợ xấu giảm từ 3,66% xuống xấp xỉ 2%.

Số lượng khách hàng của TPBank tăng hơn 3 lần, 500 nhân sự chất lượng cao được tuyển mới, hệ thống mạng lưới ngân hàng khang trang chuyên nghiệp hơn, chất lượng dịch vụ được cải thiện và được khách hàng đánh giá cao.

Tháng 12/2013, TPBank vừa thay đổi nhận diện thương hiệu mới, hoàn tất quá trình tái cơ cấu. Năm 2014 ,chúng tôi sẽ tập trung bứt phá, phát huy thế mạnh sẵn có thực hiện chiến lược phát triển mở rộng.

Dựa trên lợi thế và nền tảng sẵn có cùng sự hỗ trợ về kinh nghiệm và tiềm lực tài chính từ cổ đông chiến lược, TPBank xác định kế hoạch kinh doanh mới tập trung vào 4 mũi nhọn: phục vụ các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh vàng nữ trang và trực tiếp tham gia kinh doanh vàng; phục vụ lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ thông tin; phục vụ lĩnh vực công nghiệp phụ trợ; cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử và ngân hàng ưu tiên.

Tất nhiên, bên cạnh các lĩnh vực mũi nhọn, TPBank sẽ vẫn hoạt động như một ngân hàng đô thị đa năng, cung cấp đầy đủ các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống cũng như hiện đại, đa tiện ích, phục vụ cho đa dạng đối tượng khách hàng.

Năm 2014, chúng tôi sẽ tập trung mạnh cho phân khúc bán lẻ, phát triển tín dụng tiêu dùng, cạnh tranh bằng giá và chất lượng dịch vụ. TPBank đã có kế hoạch nâng cao năng lực tiếp nhận và xử lý hồ sơ khách hàng. Dựa trên nền tảng công nghệ sẵn có, TPBank đưa các kênh trực tuyến phục vụ khách hàng.

Theo Hồng Dung - Thùy Vinh
ĐTCK

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *