Thời sự 13/10/2014 13:31

Thoái khỏi 340 DNNN: Bất khả thi với SCIC?

FICA - Theo ông Lê Song Lai, số lượng 340 doanh nghiệp là quá nhiều. Đó thực sự là một nhiệm vụ khó khăn khi đang không có các quy định rõ ràng.

Ông Lê Song Lai

Theo thông tin được ông Lê Song Lai – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chia sẻ trên Bloomberg sáng nay (13/10/2014), SCIC đang đề nghị Chính phủ thu hẹp phạm vi và giới hạn số lượng các doanh nghiệp mà SCIC được yêu cầu phải mua lại cổ phần trong số 340 tập đoàn, TCT phải hoàn thành thoái vốn ngoài ngành trước khi kết thúc năm 2015.

Trao đổi với Bloomberg qua điện thoại, ông Lai nói, “Chúng tôi cần Chính phủ giới hạn lại, quy định những tiêu chí cụ thể hơn, có thể là theo lĩnh vực, hay quy mô, để mua lại cổ phần, vì số lượng 340 doanh nghiệp là quá nhiều. Đó thực sự là một nhiệm vụ khó khăn với chúng tôi khi mà không có các quy định rõ ràng”.

Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đang bị chậm và Chính phủ chỉ bán được tổng cộng 2,23 nghìn tỉ đồng từ các vụ IPO từ đầu năm đến nay, tương ứng 105 triệu USD cổ phần ra công chúng, hoàn thành chưa đến một nửa kế hoạch đặt ra cho các đợt IPO này.

Chính phủ Việt Nam hiện đang trong quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là năm thứ 7 liên tiếp Việt Nam tăng trưởng dưới 7%.

Ông Lai cho biết, hồi tháng 9, Chính phủ đã thông qua một quy định, trong đó, SCIC sẽ mua lại cổ phần của những doanh nghiệp Nhà nước không thực hiện thành công IPO theo kế hoạch.

Hiện SCIC đang nắm giữ cổ phần tại Vinamilk (doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ hai thị trường chứng khoán Việt Nam) và FPT, công ty viễn thông niêm yết lớn nhất hiện nay.

“Việc SCIC đóng vai trò như một nhà đầu tư chiến lược tại một số doanh nghiệp nhà nước sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu của doanh nghiệp đó”, ông Lai cho biết, “Tuy nhiên,, chúng tôi cần được sự giới hạn quy mô hoặc các tiêu chí cụ thể ngành nào đang cần để chúng tôi tập trung nguồn lực”.

Ngoài ra, ông Lai cho biết thêm SCIC cũng đang kiến nghị chính phủ cho phép cơ quan này tiếp quản vai trò sở hữu của nhà nước trong một số công ty. Như vậy SCIC sẽ không phải thực hiện mua cổ phần bằng nguồn tài chính của mình quá nhiều, ông Lai nói.

Việt Nam hiện đã thực hiện IPO có tổng cộng 33 doanh nghiệp nhà nước trong năm nay, tính đến 21/8/2014.

Theo ông Michel Tosto, trưởng bộ phận môi giới của Công ty chứng khoán Bản Việt: “Câu hỏi đặt ra là, tại sao những đợt IPO này lại thất bại? Việc yêu cầu SCIC vào cuộc không phải chỉ là để lấp chỗ trống. Điều đó không thực sự giải quyết được vấn đề. SCIC thuộc về Chính phủ. Và bạn chỉ đang chuyển tài sản từ Chính phủ sang SCIC”.

Bích Diệp
Theo Bloomberg

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *