Thời sự 25/03/2015 07:32

Thiếu biện pháp phòng ngừa tỷ giá biến động

Sự biến động của tỷ giá luôn ảnh hưởng trực tiếp đến các DN XNK trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn. Việc ứng phó với các kịch bản thay đổi của tỷ giá sẽ giúp các DN hạn chế được các thiệt hại. Song đây lại là điều nhiều DN Việt vẫn còn tỏ ra yếu kém.

Một số DN gỗ đang bị thiệt hại vì tỷ giá biến động. Ảnh: Trần Việt

Lúng túng ứng phó

Thời gian gần đây, tỷ giá có nhiều biến động đã tạo nên tâm lý trái chiều trong cộng đồng DN. Trong khi một số DN XK ở các thị trường thanh toán bằng đồng USD tỏ ra hào hứng vì được lợi, thì các DN NK lại tỏ ra lo ngại. Song tỷ giá không chỉ là USD mà còn là các đồng tiền khác như EURO, đồng Yên... Sự biến động của những đồng tiền này cũng khiến nhiều DN, kể cả DN XK phải "dè chừng". Câu chuyện của các DN thuộc Hiệp hội Gỗ & Lâm sản Việt Nam là ví dụ.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ & Lâm sản Việt Nam chia sẻ: Tỷ giá đang là vấn đề khiến chúng tôi đau đầu, nhất là những DN sản xuất hai dòng sản phẩm chính là bàn ghế ngoài trời và nội thất. Mặt hàng bàn ghế ngoài trời 80% bán sang các nước EU và được thanh toán bằng đồng EURO. Các hợp đồng XK chúng tôi đã ký với đối tác từ quý IV-2014 và giá bán hiện nay vẫn giữ nguyên như cũ. Trong khi đó, thời gian gần đây, đồng EURO đã giảm giá rất mạnh, mất giá tới hơn 20% so với thời điểm các hợp đồng XK được ký kết. Cho nên mặt hàng này hiện đang rất lao đao, rơi vào khó khăn thực sự. Trong khi đó, các chi phí đầu vào như giá điện, xăng dầu lại đang tiếp tục tăng.

"Đây là vấn đề chúng tôi đang rất đau đầu. Khó khăn này có thể còn kéo dài. Hiện nay chúng tôi mới có một cuộc họp với khoảng 100 DN làm bàn ghế ngoài trời ở Bình Định để tìm giải pháp khắc phục và dự định sẽ tiếp tục có cuộc họp khác để bàn sâu thêm" - ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Mai, đại diện Công ty TNHH Nippo Mechatronics Việt Nam (DN 100% vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp các sản phẩm nhựa) cho biết: DN vẫn thường xuyên NK nhựa và bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự biến động tỷ giá. Tuy nhiên, cách mà DN lựa chọn để ứng phó khi tỷ giá có những biến động theo chiều bất lợi cho DN thường chỉ là thương thảo, chia sẻ lại khó khăn với phía đối tác, yêu cầu DN NK hàng điều chỉnh giá mua sản phẩm. Tuy nhiên, công cuộc đàm phán không hề đơn giản. Nhiều trường hợp, đối tác không chấp nhận thông cảm để điều chỉnh giá cả thì DN chỉ đành chấp nhận thua thiệt.

Chưa mặn mà với bảo hiểm tỷ giá

Một trong nhiều công cụ để DN ứng phó với biến động tỷ giá là loại hình "bảo hiểm tỷ giá". Hiện nay, các ngân hàng đang cung cấp một số công cụ bảo hiểm rủi ro tỷ giá như: Giao dịch kỳ hạn, giao dịch quyền chọn hay hợp đồng tương lai. Ví dụ, với dịch vụ “giao dịch quyền chọn”, DN có thể mua quyền chọn bán ngoại tệ với tỷ giá xác định, trong khoảng thời gian nhất định để bảo vệ nguồn vốn và các khoản phải thu của mình. Hoặc, DN mua quyền chọn mua ngoại tệ với tỷ giá xác định, trong khoảng thời gian nhất định để phòng ngừa rủi ro từ những biến động mạnh về tỷ giá đối với các khoản phải trả trong tương lai. Về lý thuyết, khi DN được bảo hiểm rủi ro tỷ giá, DN có thể "tự bảo vệ", không phải lo chạy vạy mua ngoại tệ khi tỷ giá tăng.

Đề cập đến hình thức bảo hiểm tỷ giá, ông Nguyễn Tôn Quyền cho rằng: Đã có một số DN trong Hiệp hội sử dụng công cụ này nhưng hiệu quả chưa đáng kể. Đại diện một số DN cũng cho rằng, DN đã biết đến dịch vụ bảo hiểm tỷ giá tại các ngân hàng nhưng do kinh phí eo hẹp, không đủ khả năng nên đành chấp nhận cảnh “phập phồng” cùng tỷ giá mà chưa có phương án đối phó phù hợp.

Chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo một DN chuyên về XK cà phê ở Đắc Lắk chia sẻ: Chúng tôi thường XK cà phê sang Mỹ và một số nước châu Âu, châu Á. Việc tỷ giá biến động thời gian qua không ảnh hưởng nhiều lắm đến hoạt động của DN. Thực sự chúng tôi cũng không có nhiều biện pháp ứng phó với việc biến động tỷ giá. Chúng tôi cũng nghe nói đến hình thức bảo hiểm tỷ giá, song thời gian gần đây tỷ giá thường khá ổn định, mức biến động không lớn nên DN cũng chưa để ý đến hình thức này.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, trong bối cảnh kinh tế hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, DN nào giữ tâm thế “mặc kệ”, chấp nhận may rủi khi tỷ giá có biến động chứng tỏ năng lực quản trị của DN yếu kém, khó có sức cạnh tranh. Điều quan trọng là DN cần nghiêm túc xem xét, đánh giá tình hình cụ thể của DN để lựa chọn hình thức ứng phó phù hợp. Đơn cử như khi XK hàng hóa với những đơn hàng giao xa, DN có thể chốt giá trước và ghi rõ trong hợp đồng mua bán để ở thời điểm giao hàng, tỷ giá có biến động theo hướng bất lợi, DN cũng vẫn yên tâm.

Theo Lương Bằng
Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *