Thời sự 24/02/2014 07:33

Thanh tra ngàn cuộc, vốn "đen" vẫn nhảy nhót

Trong tổng dư nợ tín dụng hàng triệu tỷ đồng của nền kinh tế, cho vay sân sau phải lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng. Đáng tiếc, “vốn đen” bị bóc còn quá ít, dù cả ngàn cuộc thanh tra đã được tiến hành.

 

 Trong tổng dư nợ tín dụng hàng triệu tỷ đồng của nền kinh tế, cho vay
sân sau phải lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng.

Mới bóc được phần nổi của tảng băng chìm

Theo báo cáo của Cơ quan Thanh tra giám sát từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong năm 2013, đơn vị này đã tiến hành gần 1.000 lần thanh tra và trên 300 lần kiểm tra hoạt động của các tổ chức tín dụng trên khắp cả nước.

Thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra này, NHNN đã nghi ngờ một số nhóm khách hàng là sân sau của các ông chủ ngân hàng. Tuy nhiên, đến nay, dường như NHNN mới khoanh vùng và phát hiện, chứ chưa xử lý được nhiều (ngoại trừ trường hợp “bầu” Kiên). Cũng chưa có báo cáo cụ thể nào về cho vay sân sau được NHNN công bố.

Theo ước tính của một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực ngân hàng, dư nợ cho vay sân sau của các ngân hàng có thể lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng. Cho vay sân sau chính là căn nguyên của nợ xấu, song kể cả khi đã biến thành nợ xấu, thì các ông chủ ngân hàng vẫn không muốn bán đi.

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng nhận định, có tình trạng ngân hàng thương mại dành hàng ngàn tỷ đồng cho ông chủ ngân hàng và tập đoàn của ông chủ vay. Tuy nhiên, sức khỏe của các món nợ này đến nay ra sao thì vẫn chưa rõ. Hiện các món nợ mà Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua được hầu hết có giá trị nhỏ.

“Điều đó chứng tỏ, chưa có món nợ nào của ông chủ sở hữu chéo ở đó, bởi những ông chủ sở hữu chéo toàn vay cả trăm tỷ đến ngàn tỷ, chục ngàn tỷ đồng”, ông Nghĩa nói. Cũng theo ông Lê Xuân Nghĩa, các ngân hàng khi cho ông chủ và tập đoàn sân sau của ông chủ vay thường ghi dưới dạng trung và dài hạn. Sau đó, với chủ trương tái cơ cấu nợ, thời hạn trả các món nợ này lại được kéo dài ra, có nghĩa là vẫn chưa bị rơi vào nhóm nợ xấu. Vì vậy, mức độ “xấu” của các món nợ này chỉ có thể được xác định khi thanh tra NHNN vào cuộc.

Trong khi đó, việc NHNN đang sửa đổi nhiều quy định quan trọng trong Thông tư 02/2013/TT-NHNN về phân loại nợ và tiêu chuẩn trích lập dự phòng rủi ro càng làm cho một số khoản nợ xấu có thêm thời gian ẩn mình.

Nói như vậy không có nghĩa là thời gian qua, NHNN khoanh tay đứng nhìn sở hữu chéo làm mưa làm gió. Từ cuối năm 2011 đến nay, NHNN đã vào cuộc kiểm tra một số ngân hàng bị nghi tăng vốn điều lệ ảo. Trong số đó, có những ngân hàng đã buộc phải bổ sung vốn điều lệ cho đủ 3.000 tỷ đồng. Cũng trong 3 năm qua, thị trường ngân hàng đã chứng kiến nhiều đại gia ngân hàng phải cay đắng ra đi, nhường chỗ cho những cổ đông mới, như trường hợp KienLong Bank, Navibank, Trustbank…

Tuy nhiên, những việc làm của NHNN mới chỉ bóc được phần nổi của tảng băng chìm. Chưa kể, không phải với ngân hàng nào, Thanh tra NHNN cũng có thể dễ dàng nhảy vào để bóc từng khoản vay sân sau như ở Navibank, Western Bank.

Sở hữu chéo là “đại vấn đề”

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt lo ngại về tình trạng cho vay sân sau, sở hữu chéo. Lo ngại của Thủ tướng xuất phát từ thực tế tình trạng sở hữu chéo chằng chịt trong hệ thống ngân hàng hiện nay đang phá vỡ mọi tiêu chuẩn an toàn tín dụng, tiêu chuẩn quản trị rủi ro. Cũng vì thế, không chỉ vốn điều lệ, mà các số liệu khác, như tổng tài sản, nợ xấu, hệ số an toàn vốn… đều có nguy cơ ảo.

Hai năm qua, NHNN đã xử lý được một số ngân hàng yếu kém, dọn dẹp được một phần sở hữu chéo. Song đáng lo là, cách thức xử lý ngân hàng yếu kém của NHNN có thể dẫn tới sở hữu chéo phức tạp hơn (sử dụng ngân hàng để tái cơ cấu ngân hàng). Khi đó, việc phát hiện sân sau càng trở nên khó khăn hơn.

“Chống sở hữu chéo là cuộc chiến trường kỳ mà NHNN đang ở giai đoạn bắt đầu, vừa chiến đầu, vừa dè chừng. Chưa kể, sân sau của các đại gia thường được đứng tên bởi người khác, nên dù thanh tra hay cả công an vào cuộc, thì cũng rất khó phát hiện. Chưa kể, cơ chế pháp lý xử lý những vi phạm trong sở hữu chéo cũng chưa đầy đủ”, một chuyên gia nhận định.

ThS. Nguyễn Minh Phương (Học viện Ngân hàng) cho rằng, để tái cơ cấu ngân hàng thời gian tới, cần cấp bách giải quyết vấn đề tiêu cực trong sở hữu chéo đang hình thành một cách mạnh mẽ, khó kiểm soát. Muốn vậy, phải minh bạch hóa thông tin về tỷ lệ và đối tượng sở hữu, thậm chí cần phải cưỡng chế bằng những biện pháp hành chính, cũng như xử phạt nặng đối với các cá nhân và tổ chức tín dụng tìm cách lách luật, lạm dụng vấn đề sở hữu chéo để vi phạm pháp luật, tư lợi cá nhân, thao túng thị phần.

Đồng tình với ý kiến này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, giai đoạn đầu, NHNN có thể khuyến khích, vận động các ông chủ sở hữu chéo công khai thông tin và đưa ra lộ trình thoái vốn. Sau giai đoạn vận động, các trường hợp cố tình che giấu sẽ bị xử lý nghiêm.

Theo Thuỳ Liên
Đầu tư

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *