Thời sự 11/01/2020 10:28

Thanh tra Bộ Giao thông thu hồi hàng chục tỷ đồng “chi sai” tại các dự án

Năm 2019, Thanh tra Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã yêu cầu xử lý, thu hồi, nộp ngân sách Nhà nước gần 25 tỷ đồng, giảm trừ giá trị khi thanh toán hơn 2,3 tỷ đồng và xử lý kinh tế khác trên 900 triệu đồng.

Số tiền sai phạm trên được phát hiện qua 18 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính trực tiếp của Thanh tra Bộ GTVT tại đơn vị và 23 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành.

Nội dung thanh, kiểm tra hành chính chủ yếu tập trung vào công tác quản lý và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý, sử dụng ngân sách, kinh phí ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu khác; công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tổ cáo, phòng chống tham nhũng.

Thanh kiểm tra chuyên ngành GTVT tại các lĩnh vực vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, hàng hải, hàng không, quản lý bảo trì hạ tầng giao thông, đào tạo sát hạch lái xe, đăng kiểm.

Thanh tra Bộ Giao thông thu hồi hàng chục tỷ đồng “chi sai” tại các dự án - 1

Số tiền hàng chục tỷ đồng bị thu hồi sau 18 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính trực tiếp của Thanh tra Bộ GTVT tại đơn vị và 23 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành

Đánh giá về công tác thanh tra của Bộ GTVT năm 2019, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, kế hoạch thanh tra giảm được sự chồng chéo và có trọng tâm, trọng điểm; đôn đốc tốt việc thực hiện công tác thanh tra trong ngành GTVT và làm tốt công tác tiếp, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu cơ quan Thanh tra trong năm 2020 cần tập trung hơn một số mặt công tác để nâng cao hiệu quả hoạt động, chủ động trong công tác phát hiện vi phạm, sai phạm, phòng chống tham nhũng; nâng cao chất lượng kết luận thanh tra...

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, Thanh tra là đầu mối phòng, chống tham nhũng nhưng một số vụ việc nghiêm trọng xảy ra trong năm 2019 vừa qua không phải do thanh tra phát hiện. Do đó cần nâng hiệu quả của công tác thanh tra. 

“Từ đội ngũ Thanh tra Bộ GTVT đến các Cục cần phát huy tốt vai trò của thanh tra chuyên ngành. Người đứng đầu phải nêu cao vai trò, hiệu quả của thanh tra để đáp ứng yêu cầu quản lý chung. Lực lượng thanh tra chuyên ngành GTVT phải có hệ thống kiểm soát nội bộ, thường xuyên cập nhật và nâng cao kiến thức chuyên ngành, xây dựng và tổ chức đội ngũ phù hợp nhất để phát huy hiệu quả” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay.

Năm 2020, Thanh tra Bộ GTVTsẽ thực hiện thanh tra hành chính tại một số đơn vị như Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam, Ban QLDA 5, Ban QLDA 6, Ban QLDA2, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, Bệnh viện GTVT Đà Nẵng, Trường Cao đẳng Hàng hải I, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam,....

Về thanh tra chuyên ngành, theo Kế hoạch, Thanh tra Bộ GTVT sẽ thực hiện thanh tra tại các Sở GTVT: Bắc Ninh, Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Nông, An Giang,  Lai Châu, Yên Bái, Tuyên Quang, Quảng Bình, Gia Lai, Kon Tum;

Các đơn vị kinh doanh lai dắt tàu biển thuộc vùng nước cảng biển quản lý của các Cảng vụ Hàng hải: Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Ngãi, Nha Trang, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai.

Sở GTVT, Trung tâm đăng kiểm tại các địa phương: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Hà Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Dương, Hậu Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau; Sở GTVT, cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe ô khách tại các địa phương: Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Gia Lai, Tây Ninh...

Thanh tra Bộ GTVT cũng sẽ thực hiện kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra của Bộ GTVT. Thanh tra các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành cũng sẽ tiến hành thanh tra Sở GTVT, cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe ô khách tại nhiều địa phương.

Châu Như Quỳnh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *