Thời sự 14/11/2013 17:07

Thanh khoản không đồng đều, chưa thể bỏ trần lãi suất

FICA – Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét bỏ cơ chế trần lãi suất theo lộ trình và vào thời điểm phù hợp”, khi kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ổn định ở mức thấp, thanh khoản của hệ thống TCTD cải thiện đồng bộ, thị trường tiền tệ ổn định.

Duy trì trần lãi suất để "ghìm cương" ngân hàng nhỏ và yếu kém.

Xem xét bỏ trần lãi suất vào thời điểm phù hợp

 

Trước yêu cầu của đại biểu Quốc hội về việc xóa bỏ trần lãi suất, chuyển sang cơ chế thị trường, báo cáo tổng hợp giải trình ý kiến của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Mặc dù cơ chế trần lãi suất hiện nay đã từng bước được nới lỏng và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức tín dụng (TCTD) áp dụng, nhưng trong điều kiện thanh khoản của các TCTD còn chưa đồng đều, một số ngân hàng nhỏ và yếu vẫn có nhu cầu huy động với lãi suất cao thì vẫn cần tiếp tục duy trì cơ chế trần lãi suất này.

“Trong thời gian tới, khi kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ổn định ở mức thấp, thanh khoản của hệ thống TCTD cải thiện đồng bộ, thị trường tiền tệ ổn định, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét bỏ cơ chế trần lãi suất theo lộ trình và vào thời điểm phù hợp”.

Đề cập tới việc vì sao phải áp trần lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cho hay, trong nền kinh tế thị trường, các tổ chức tín dụng được chủ động trong hoạt động kinh doanh, lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng thực hiện theo cơ chế lãi suất thỏa thuận phù hợp với cơ chế quản lý và pháp luật của Nhà nước.

Nhưng trong điều kiện kinh tế vĩ mô chưa ổn định, thị trường tiền tệ có nhiều biến động thì Nhà nước cần có biện pháp hành chính nhằm kiểm soát, định hướng mặt bằng lãi suất theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Thực tế cho thấy vào cuối năm 2010, do thanh khoản của các tổ chức tín dụng ở mức thấp, nhiều tổ chức tín dụng đua nhau tăng lãi suất huy động vốn để giải quyết khó khăn về thanh khoản, giành thị phần, gây xáo trộn thị trường tiền tệ và đẩy mặt bằng lãi suất cho vay cao. Trước tình hình đó, để ổn định thị trường tiền tệ, được sự chấp thuận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã áp dụng trần lãi suất huy động, trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên nhằm hỗ trợ phát triển lĩnh vực này. Việc thực hiện giải pháp điều hành lãi suất này có vai trò quan trọng trong việc ổn định mặt bằng lãi suất thị trường trong những thời điểm thanh khoản của các TCTD gặp khó khăn, từng bước giảm mặt bằng lãi suất thị trường theo mục tiêu đề ra.

Từ đầu năm 2012 đến nay, trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là diễn biến lạm phát và thị trường tiền tệ, NHNN đã điều chỉnh giảm mạnh đồng bộ các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất cho vay VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên. Với trần lãi suất huy động bằng VND, bên cạnh được điều chỉnh giảm phù hợp với diễn biến thị trường, còn từng bước được nới lỏng phạm vi áp dụng (tháng 6/2012 không áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, từ cuối tháng 6/2013 không áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên).

Đến nay, trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND là 9%/năm được áp dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên đã hỗ trợ tích cực hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực này. Lãi suất huy động tối đa bằng VND ở mức 7%/năm chỉ áp dụng cho tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, phù hợp để TCTD có thanh khoản tốt có thể ấn định lãi suất thấp so với mức trần, TCTD có nhu cầu huy động vốn lớn có thể ấn định lãi suất huy động trong phạm vi mức trần.

Đối với điều hành lãi suất, NHNN sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, đặc biệt là diễn biến của lạm phát, sự ổn định của thị trường ngoại hối, tỷ giá, những tác động của việc nới trần bội chi ngân sách nhà nước và tăng phát hành trái phiếu Chính phủ để xem xét kiểm soát lãi suất thị trường ở mức hợp lý.

Tin tưởng tăng trưởng tín dụng đạt 12%

 

Trả lời ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, NHNN cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đã giảm mạnh và ở mức thấp, chỉ bằng 50% lãi suất năm 2011, tương đương với mức lãi suất của giai đoạn 2005 - 2006 (trong đó, so với đầu năm đã giảm 3 - 5%/năm).

“Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát ở mức khoảng 7% như hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6,5-9%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến ở mức 10-13%/năm là tương đối phù hợp”,báo cáo nhấn mạnh.

Tại báo cáo mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa gửi tới Quốc hội, tính đến 31/10/2013, dư nợ tín dụng tăng 7,18% so với cuối năm 2012, tuy còn cách khá xa mục tiêu tăng trưởng 12% trong năm 2013 nhưng đây là mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2012 (3,54%). Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung tăng trưởng cao hơn đối với lĩnh vực ưu tiên.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, thực tế những năm gần đây, tín dụng thường tăng trưởng mạnh trong quý IV (Quý IV/2010 là 9,13%, Quý IV/2011 là 5,44%, Quý IV/2012 là 6,01%). Với các giải pháp đã và đang được hệ thống ngân hàng tích cực triển khai, “Ngân hàng Nhà nước tin tưởng rằng, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống của cả năm 2013 sẽ đạt khoảng 11-12% như mục tiêu đã đề ra từ đầu năm”.

 

 Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *