Thời sự 05/11/2013 07:32

Thách thức giải ngân 100.000 tỷ đồng

Theo báo cáo mới nhất của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Quốc hội, tín dụng tính đến cuối tháng 10 đã tăng 7,89% so với hồi đầu năm. Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 11% sau hai tháng nữa, ngành ngân hàng cần giải ngân vốn mới lên tới khoảng 100.000 tỷ đồng.

Thách thức…

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ tín dụng NHNN cho biết, cuối năm 2012, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 3.092.463 tỷ đồng, với mức tăng trưởng tín dụng là 8,91%. Tính đến 31/8/2013, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đã đạt 3.290.177 tỷ đồng, tăng 6,45% so với đầu năm 2013. Như vậy, so với năm ngoái, mức tăng trưởng của tín dụng đã khá hơn rất nhiều.

Số liệu mới nhất được Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trong phiên thảo luận tại Quốc hội cuối tuần qua cho biết, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 10 đã đạt 7,89%. Con số này tính cả phần dư nợ tín dụng được xử lý qua trích lập dự phòng rủi ro và phát hành trái phiếu đặc biệt của VAMC.

“Trong quá trình điều hành, chúng tôi đã điều hòa lượng tiền lưu thông hợp lý, ngoài ra cũng đã có số vốn tương ứng dự trữ để sẵn sàng cho tăng trưởng tín dụng cuối năm mà không ảnh hưởng tới kế hoạch cung tiền. Điều quan trọng là tín dụng cho nông thôn tăng trưởng gấp đôi so với giai đoạn trước và hàng loạt những gói cho vay ưu đãi trong lĩnh vực này”, Thống đốc chia sẻ.

Số liệu NHNN cho biết, tính đến 30/6/2013, dư nợ cho vay nông nghiệp - nông thôn của các tổ chức tín dụng (TCTD) (chưa bao gồm Ngân hàng Chính sách xã hội) đạt khoảng 621.584 tỷ đồng, tăng 10,69% so với 31/12/2012 (cao hơn mức tăng trưởng 4,5% của dư nợ cho vay toàn nền kinh tế tính cùng thời điểm). Dự kiến, đến tháng 9/2013, cho vay lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn tăng khoảng 15%, gấp 2 lần mức tăng chung cho vay nền kinh tế.

Đối với lĩnh vực xuất khẩu, đến 30/6/2013, dư nợ cho vay lĩnh vực này đạt 154.829 tỷ đồng, tăng 3,61% so với cuối năm 2012. Tuy nhiên, mức tăng trưởng có thấp hơn năm trước khi tín dụng với lĩnh vực này cả năm 2012 tăng 17,1% so với năm 2011.

 

Ông Nguyễn Viết Mạnh chia sẻ, thực sự là thử thách đối với ngành ngân hàng để đảm bảo tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, toàn hệ thống ngân hàng đã tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

 Thứ nhất, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn đáp ứng kịp thời cho 5 lĩnh vực ưu tiên; Thứ hai, các TCTD tiếp tục rà soát, đánh giá lại khách hàng và khả năng phục hồi của các ngành, lĩnh vực kinh tế để có chính sách cho vay, hỗ trợ theo chủ trương của Chính phủ và NHNN;

Thứ ba, các TCTD đẩy mạnh triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở; Thứ tư, NHNN tích cực xem xét xử lý đề nghị của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xin điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng khi có khả năng mở rộng tín dụng… Đây có lẽ cũng là những lý do để Thống đốc NHNN khẳng định: “Có cơ sở để tin tưởng cán đích tăng trưởng tín dụng ở con số 11 - 12%”

… không chỉ là con số

Một chuyên gia kinh tế phân tích, nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào tăng trưởng tín dụng nên muốn tăng trưởng phải bơm mạnh tiền.

Dư nợ trong toàn hệ thống hồi đầu năm 2013 vào khoảng 3 triệu tỷ đồng, để đạt mức tăng trưởng tín dụng 11% trong năm nay có nghĩa là phải cho vay thêm khoảng 330.000 tỷ đồng. Điều này có nghĩa, để tăng thêm hơn 3% tín dụng nhằm đạt mốc 11% cả năm thì trong 2 tháng tới, hệ thống tín dụng cần giải ngân thêm khoảng 100.000 tỷ đồng.

Cũng theo chuyên gia kinh tế trên, vấn đề ở đây không phải là nguồn tiền từ đâu, bởi các TCTD có thể huy động trong dân, thị trường mở, thậm chí là vay nước ngoài. Nhưng có nhiều tiền, liệu có tiêu nổi không? Bên cạnh đó, bơm mạnh vốn vào nền kinh tế thì nguy cơ nợ xấu lại tăng do để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng, các TCTD có thể lại “buông” về chất lượng tín dụng.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN thừa nhận, những yếu tố khiến tăng trưởng tín dụng chậm từ năm 2012 đến nay vẫn tồn tại: sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp khi tổng cầu còn yếu; phần lớn các DN cho rằng, mối lo lớn nhất hiện nay là tìm đầu ra cho sản phẩm, nhất là khi năng lực tiếp cận thị trường vẫn còn ở mức thấp; phía các TCTD có sự thận trọng hơn khi cho vay do nợ xấu còn cao…

“Những điểm phân tích trên cho thấy, những yếu kém tích tụ của nhiều năm trước và nền kinh tế đang gặp phải những ‘nút thắt’, nên để thực hiện tăng trưởng tín dụng như mục tiêu đề ra, ngành ngân hàng đã phải thực hiện rất nhiều giải pháp nhằm gỡ khó”, bà Hồng cho biết.

Ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) cho rằng, nhà đầu tư vẫn chưa thực sự tin rằng mọi thứ đã chuyển biến theo chiều hướng tích cực, thế nên, giờ đây, để đẩy vốn vào nền kinh tế, không chỉ cần giải quyết từ phía ngân hàng mà phải từ cả nền kinh tế.

“Ngoài nỗ lực của hệ thống ngân hàng, cần sự phối hợp giữa các bộ ngành. Có rất nhiều việc phải làm, như xây dựng hạ tầng cơ sở, cấp giấy phép, loại bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết…”, ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên ANZ (Việt Nam) nhận định.

Đẩy tiền ra nhưng phải “đúng cửa” để đảm bảo an toàn và tránh hậu họa cho những năm tiếp theo vẫn cần được xem là ưu tiên trước hết.     

      Theo Nhuệ Mẫn
ĐTCK
   
                 

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *