Thời sự 08/12/2013 07:39

Tản mạn chuyện vốn, lãi suất, nợ

Chúng ta không lắng nghe DN xem họ cần vay tiền để làm gì, kế hoạch kinh doanh ra sao mà chỉ nhắm vào tài sản thế chấp. Cách thức hoạt động của NH Việt Nam rất giống tiệm cầm đồ.

Một phần của nợ xấu trong hệ thống ngân hàng (NH) hiện nay là không nghiên cứu, không đặt vấn đề tính khả thi của dự án của doanh nghiệp (DN) lên trên mà chỉ lo giữ tài sản của DN.

 

NH không lắng nghe DN

 

Có rất nhiều điểm khác biệt giữa NH ở nước ngoài và NH ở Việt Nam. Chẳng hạn như khi DN đến NH Việt Nam vay vốn, câu đầu tiên được hỏi là có tài sản thế chấp không. Nếu không có rất khó vay và câu trả lời sau đó đa số là không. Trong khi ở các NH trên thế giới họ thường hỏi phương án kinh doanh, thời gian ngắn hạn, trung hạn… và hình thức vay của họ tín chấp nhiều hơn là thế chấp. Còn ở Việt Nam, chúng ta không lắng nghe DN, xem họ vay tiền để làm gì, kế hoạch kinh doanh ra sao mà chỉ nhắm vào việc tài sản thế chấp thế nào. Đáng ra phải xem đề án kinh doanh của DN trước. Vốn NH là mượn người dân rồi cho vay chứ đó không phải là tiền của NH. Cách thức hoạt động của NH Việt Nam rất giống tiệm cầm đồ. Bao nhiêu năm nay chúng ta đều hoạt động như vậy.

 

Chính vì phải có tài sản thế chấp nên khi DN không trả được nợ thì giá trị tài sản cũng sẽ được tính bằng tài sản thế chấp. Thông thường NH cho vay khoảng 50%-70% giá trị tài sản thế chấp. Tuy nhiên, vì giám định không đúng nên số tiền gấp 2,5 lần giá trị thực của tài sản. Cuối cùng tưởng rằng giá trị nợ xấu được bảo đảm bằng tài sản thế chấp nhưng thực ra giá trị tài sản đã bị định giá ảo.

 

Chính vì sự thiếu chặt chẽ này nên có tình trạng nhiều DN mượn dự án tới vay NH. Khi vay được vốn rồi họ lại lấy tiền để đầu tư các dự án khác. Vậy nên khi gặp khó khăn, không kịp trở tay thì DN làm sao có tiền trả nợ.

 



Giao dịch tại một ngân hàng. Ảnh: HTD.

 

Một vấn đề nữa là vốn của NH có là thực chất hay không? Khi anh có vốn một đồng, rồi anh dùng tiền đó đi thế chấp vay lung tung thêm một đồng, sau đó lại đem một đồng ấy về góp vốn… Như vậy thực chất anh chỉ có một đồng nhưng lại sở hữu cùng một lúc nhiều NH. Chúng ta có những NH là của một nhóm làm chủ sở hữu. Họ không phục vụ cho nhân dân mà chỉ phục vụ một nhóm cổ đông.

 

Lãi suất cao, không cạnh tranh nổi với DN ngoại

 

Từ lãi suất 7% những năm 2007, 2008 lãi suất đẩy lên 27%-28% năm 2010. Lãi suất cao như thế thử hỏi sao DN không chết. Chúng ta đã không kiểm soát được lãi suất ở mức mà DN có thể hoạt động được. Trong khi lãi suất chúng ta cao chót vót thì lãi suất của những DN có vốn nước ngoài chỉ 1%. Vậy làm sao DN trong nước có thể cạnh tranh được với những DN này.

 

Theo các báo cáo, xuất khẩu của chúng ta hiện nay vẫn tốt. Nhưng thực chất có tới 60%-70% số lượng xuất khẩu là của DN nước ngoài. Các DN nội đã tìm mọi cách để sống sót nhưng không trụ nổi đến mức phải phá sản. Chúng ta không tính được mức lãi suất phù hợp cho DN tồn tại là chúng ta bơm vào thị trường này liều thuốc độc, nó hủy diệt sinh lực đất nước. Với DN lãi suất cao chính là thuốc độc. Từ cuối năm 2010 Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh phải đưa lãi suất xuống nhưng không khả thi. DN chấp nhận vay tạm thời vì anh như người chết đuối tìm được cái phao, dù thế nào cũng phải bám lấy. Nhưng bám rồi cũng chết vì kiệt sức và cái chết này thành nợ xấu ở NH. Chừng nào vấn đề này chưa được giải quyết thì khó mong nền kinh tế khởi sắc.

 

Một câu hỏi khác đặt ra, tại sao vay tín chấp cao, lãi suất thế chấp thấp. Thực tế lãi suất thấp hay cao không quan trọng mà cái quan trọng là phục vụ gì cho nền kinh tế. Hoạt động của dự án có tốt không. Ở nước ngoài để tránh lãi suất cao thì họ có luật. Như ở Mỹ, 50 tiểu bang, bang nào cũng có luật riêng quy định cấm cho vay nặng lãi. Nghĩa là dù hình thức nào, tín chấp, thế chấp hay cầm đồ…

 

Còn ở Pháp nếu cho vay tới 20%/năm được quy vào cho vay nặng lãi. Dù cho vay với hình thức nào cũng bị truy tố hình sự.

 

Không còn vốn thì phải cho “chết”

 

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nói sẽ không để NH nào phá sản. Nhưng luật ở đâu lại không cho NH thương mại phá sản. NH thương mại hoạt động theo luật. Nếu anh không đủ điều kiện thì anh phải ngưng hoạt động. Anh cho vay, anh tạo nợ xấu thì anh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 

Vì nhiều lý do đó nên chúng ta đứng trước tình thế là không biết thực tế có bao nhiêu nợ xấu. Lúc thì 10%, rồi 8%, rồi bây giờ 6,8%/tổng dư nợ. NHNN đưa ra yêu cầu các NH thương mại phải khai báo đầy đủ nợ xấu trước 30-6-2013. Nhưng sau đó lại đẩy lùi sang 30-6-2014 (Thông tư số 02-2013 của NHNN quy định về phân loại tài sản có mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro…).

 

Theo quy định, nợ được chia thành năm nhóm, nợ nhóm một không phải trích lập dự phòng rủi ro, nợ nhóm hai trích lập 5% trên số nợ đó; nợ nhóm ba là 20%; nợ nhóm bốn là 50% và nhóm năm là 100%. Nhưng thực tế có bao nhiêu khoản nợ được khai đúng. Nên nhiều con số không được đưa ra ánh sáng, làm như thế có lợi nhuận cao trả cho cổ tức và không phải trích lập dự phòng rủi ro.

 

Vì thế chưa biết số thực của nợ xấu thế nào.

 

Không có cửa cho nước ngoài mua nợ xấu

 

Chúng ta đã thành lập một công ty mua bán nợ quốc gia (VAMC). Nhưng làm sao ta quét sạch một đống nợ đó được. VAMC mua nợ rồi tính thế nào. VAMC mua nợ rồi phát hành và trả bằng trái phiếu đó có thời hạn năm năm không lãi suất. Bên bán phải trích lập 20% dự phòng hằng năm trong vòng năm năm. Để sau năm năm sẽ trích đủ và sau năm năm VAMC không bán được sẽ trả lại toàn bộ cục nợ này. Vậy VAMC giữ đống nợ đó làm gì? Chúng ta kỳ vọng nhà đầu tư nước ngoài vào mua. Nếu nhà đầu tư nước ngoài vào mua thì mua thế nào khi hiện nay chưa có giá. Mà chúng ta mua theo giá sổ sách trong khi nước ngoài quen với việc mua bán trên thị trường rồi.

 

Giả sử nhà đầu tư nước ngoài mua nợ xấu và đa số hiện nay nợ xấu của chúng ta mua là có tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Nhưng pháp luật quy định người nước ngoài không được sở hữu tài sản là đất đai, nhà cửa. Vậy họ có bỏ ra một đống tiền làm chủ món nợ xấu trong khi anh không được làm chủ tài sản đó hay không? Thế nên làm sao có cánh cửa nào cho nhà đầu tư nước ngoài.

 

TS Richard Scott Frey, học giả chương trình Fulbright tại Việt Nam:

Những tập đoàn tài chính lớn thường dễ chi phối đến chính trị

Ở Mỹ có sáu NH lớn và những NH dường như nắm quyền chi phối thị trường. Tuy nhiên, hoạt động của những NH này được kiểm soát độc lập, minh bạch và công khai. Bởi họ cho rằng những người có quyền lực kinh tế thường ảnh hưởng đến chính trị. Vì thế giải pháp là phải kiểm soát chặt chẽ để kiểm soát được những liên quan đến quyền lực chính trị. Nên các hội đồng tài chính của NH Việt Nam để tránh tình trạng này phải độc lập, để giám sát hoạt động NH để xem có phù hợp với nền kinh tế hay không chứ không phải một nhóm cổ đông muốn làm giàu.

 

Theo TS. Bùi Kiến Thành
Pháp luật TPHCM

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *