Thời sự 06/05/2015 09:40

Tái cấu trúc ngân hàng có thể thêm một nhiệm kỳ nữa, nếu…

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) nhận định, để công cuộc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng không phải kéo dài thêm một nhiệm kỳ Chính phủ nữa, cần tập trung nguồn lực (tài lực, quyền lực pháp lý), hạch toán đầy đủ hơn con số nợ xấu và công bố công khai để tạo ra sự đồng thuận, trách nhiệm chính trị chung một cách thực sự.

Xử lý nợ xấu với các điều kiện thiếu và yếu

Xử lý nợ xấu yêu cầu những điều kiện gì, thưa ông?

Nguyên tắc xử lý nợ xấu yêu cầu bắt buộc phải có những điều kiện sau: thứ nhất, nguồn lực tài chính đủ mạnh và nguồn lực tài chính càng lớn, xử lý nợ xấu càng nhanh; thứ hai, nền tảng pháp lý phải đủ mạnh bởi việc xử lý nợ xấu có tính đặc thù và đều diễn ra trong điều kiện đặc biệt, trong một giai đoạn nhất định; thứ ba, có định chế tài chính trung gian với tiềm lực tài chính lớn, định chế này phải có năng lực thể chế và kinh nghiệm giải quyết nợ và thị trường tài sản.

Tuy nhiên, cả 3 điều kiện này Việt Nam hiện đều thiếu. 

Vậy có nghĩa là chúng ta đang thiếu nguồn lực tài chính giải quyết nợ xấu một cách triệt để?

Việt Nam không có nguồn lực tài chính đủ mạnh để xử lý nợ xấu mà dựa chủ yếu vào một số nguồn. Một là, nguồn trích lập dự phòng rủi ro hàng năm của các ngân hàng. Vấn đề là nguồn lực này rất hạn chế bởi khối lượng nợ xấu lớn, trong khi chuẩn mực để trích lập dự phòng rủi ro thấp. Nợ xấu được tính thấp hơn so với chuẩn quốc tế và dự phòng rủi ro cũng tính thấp hơn.

Nhưng nếu bây giờ yêu cầu các ngân hàng tăng lượng trích lập dự phòng rủi ro thì sao? Rất khó, bởi yêu cầu này sẽ tạo ra vấn đề phức tạp hơn. Khi các ngân hàng trích đủ dự phòng rủi ro thì tiềm lực tài chính sẽ bị xói mòn nhanh, dẫn đến nguy cơ sụp đổ ngân hàng. Do vậy, các ngân hàng đang rất cẩn trọng trong việc xác định nợ xấu, nhất là nợ xấu để trích lập dự phòng rủi ro, nên nguồn trích lập khá hạn chế. Mỗi năm, các ngân hàng chỉ trích lập được trên dưới 40.000 tỷ đồng, con số này so với nợ xấu phát sinh là không đủ.

Hai là, nguồn tài trợ trực tiếp từ NHNN thông qua các kênh như tái cấp vốn có điều kiện ngặt nghèo. Trước đây, cách thức này được áp dụng phổ biến, nhưng thời gian vừa qua với tình hình lạm phát cao nên NHNN rất thận trọng trong việc sử dụng nguồn tái cấp vốn để xử lý nợ xấu.

TS. Lê Xuân Nghĩa 
 
Nguồn lực tiếp theo để các ngân hàng xử lý nợ xấu là phát mại tài sản đảm bảo trên thị trường nợ. Nhưng phát mại gặp phải hạn chế là khung pháp lý rất phức tạp để có thể xử lý nhanh việc mua - bán tài sản đảm bảo. Phần lớn các vụ kiện tụng dân sự liên quan đến nợ xấu kéo dài rất lâu, khiến các ngân hàng cảm thấy vô vọng khi dựa và khung pháp lý như vậy để xử lý một vấn đề rất cấp bách, bức xúc với nền tảng tài chính ngân hàng như nợ xấu.
 

Như vậy, NHNN chỉ còn một nguồn duy nhất, tài trợ vốn cho Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) bằng nguồn trái phiếu đặc biệt hoặc trái phiếu thông thường có những điều kiện ràng buộc về thanh khoản, điều kiện chiết khấu… Nhưng điều này lại khiến cho VAMC bị hạn chế về nguồn vốn, chất lượng nguồn không tốt, các ngân hàng cũng cảm thấy mình phải gánh một nghĩa vụ rất lớn nếu bán nợ cho VAMC với khoản trích lập dự phòng rủi ro 20%/năm hoặc 10%/năm.

Thế nên, dù NHNN đã đưa ra các quy định ngặt nghèo về việc ngân hàng bắt buộc phải bán nợ cho VAMC, nhưng các ngân hàng không phải lúc nào cũng mặn mà với nguồn lực này.

Để ổn định được kinh tế vĩ mô như hiện nay có thành tựu rất lớn của NHNN - Ảnh: Hoài Nam
 
Khi nguồn lực thiếu, người ta hay nói tới câu chuyện tạo cơ chế?

Trước đây, NHNN đã làm việc với nhiều bộ, ban, ngành và đã trình Chính phủ ban hành một số quy định đặc thù cho việc xử lý nợ xấu. Những quy định này có thể xung đột với một loạt quy định hiện hành, nhưng đây là quy định cần thiết để tạo lập thị trường mua bán nợ rộng lớn. Nếu huy động được cả nguồn lực trong và ngoài nước tham gia vào sẽ khiến thanh khoản tốt hơn và hỗ trợ cho việc xử lý nợ xấu nhanh hơn.

Nhưng tình hình hiện nay có thể nói là rất khó để tạo ra một khung pháp lý đầy đủ cho việc xử lý nợ xấu nhanh. Tất cả các khung pháp lý đều không phù hợp cho việc xử lý nợ xấu nhanh. Các chuyên gia và NHNN, cũng như nhiều bộ ngành đã có kiến nghị Chính phủ hoặc Quốc hội ban hành một văn bản pháp luật riêng về các vấn đề liên quan đến xử lý nợ xấu đang nằm rải rác trong các bộ luật.

Nếu làm được điều này sẽ tạo ra nền tảng hỗ trợ cho NHNN, cũng như VAMC và các ngân hàng thương mại kinh doanh nợ xấu, hỗ trợ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường mua bán nợ. Nhưng cho đến nay, đề xuất đó chưa thực hiện được và tôi có cảm giác sẽ không thực hiện được.

Như vậy có thể hiểu là chúng ta đang lúng túng về giải pháp?

Phải xây dựng một định chế tài chính trung gian chuyên về xử lý nợ xấu có một sức mạnh thể chế thích hợp. Chúng ta đã cố gắng tạo ra một công ty mua bán nợ tập trung là VAMC. Thế nhưng, VAMC ra đời trong bối cảnh không có đủ những thẩm quyền về mặt pháp lý để mua nợ từ các ngân hàng thương mại và bán nợ ra thị trường. VAMC cũng không có thẩm quyền cần thiết để tái cấu trúc lại nợ doanh nghiệp hoặc bảo lãnh, để doanh nghiệp (có khả năng tồn tại và phát triển) có khả năng vay nợ mới. Điều quan trọng là VAMC gặp rất nhiều trở ngại trong tạo sự đồng thuận xã hội, sự hợp tác của nhiều ngành cho dù chúng ta không xử lý được nhiều thì lẽ ra cũng xử lý phần cơ bản từ định chế này.

Điều này thật đáng tiếc, nhưng có lỗi chủ quan nào trong câu chuyện xử lý nợ xấu không, thưa ông?

Không thể nào chê trách VAMC. Đáng nhẽ ra, VAMC phải là định chế tài chính hùng mạnh nhất, nhưng lại không thể. Chưa kể, VAMC chưa có kinh nghiệm xử lý nợ xấu tập trung với quy mô lớn, bên cạnh đó còn tồn tại vô số vấn đề như những rủi ro pháp lý mà nếu không cẩn trọng có thể nguy hiểm cho cả cá nhân và tổ chức vì đó là tài sản công. Nên dễ hiểu cách ứng xử của VAMC là khung pháp lý đến đâu ứng xử đến đó, nguồn lực tới đâu làm tới đó, cố gắng không gây rủi ro pháp lý cho mình.

Nhà nước thành lập ra một tổ chức tài chính để giải quyết vấn đề căn bản nhất của cả một chương trình tái cấu trúc quan trọng nhất là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một quy chế hoạt động đầy đủ, thậm chí chưa có cả cơ chế tiền lương cho cán bộ dù qua hơn 2 năm. Ở một góc độ nào đó, có thể thấy, sự chưa quan tâm đúng mức đến việc xử lý nợ xấu, cũng như chưa quan tâm đúng mức đến hiệu quả xử lý nợ xấu của VAMC.

Kết quả cuối cùng là VAMC dựa vào quyền lực hiện nay của NHNN để tạo sức ép buộc các ngân hàng thương mại phải bán nợ xấu cho VAMC rồi “nhốt” nợ xấu ở đó. Việc xử lý tiếp theo, tôi chưa rõ sẽ thế nào. Rất có thể, sau 5 năm hoặc thậm chí 10 năm tới, các khoản nợ xấu không xử lý được lại trả về cho các ngân hàng thương mại. Và nếu có một sự may mắn là thị trường bất động sản phục hồi, thì các ngân hàng thương mại mới có thể tự xử lý nợ xấu của mình. Hầu hết các khoản nợ xấu hiện nay có tài sản thế chấp liên quan tới bất động sản.

Xử lý nợ xấu: như Tôn Tử nói “không công thành mà đoạt được thành”!

Với mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3% trong năm 2015, ông có nhận định gì?

Đưa con số nợ xấu về mức này hay mức khác, thực ra tôi không quan tâm lắm bởi không đơn giản để đưa ra được một con số đúng. Tôi biết hoạt động của các ngân hàng xung quanh việc hạch toán nợ xấu còn có nhiều vấn đề. Các con số thống kê, có thể nói là chưa phản ánh đúng bản chất cuộc sống. Chưa kể là vừa hạch toán nợ xấu, vừa cho phép tái cấu trúc, vừa cho hoãn, giãn nợ trong những trường hợp cần thiết theo quy định của Chính phủ.

Do vậy, để tính toán quy mô nợ xấu cả về số lượng và chất lượng là điều rất khó khăn. Chính vì vậy, chắc chắn nợ xấu ở Việt Nam là còn rất lớn, đã xử lý một phần nhưng nhiệm vụ phía trước rất nặng nề.

NHNN và hệ thống ngân hàng cố gắng đến mức đó, tôi cho rằng cũng rất tốt. Không thể nào làm việc “dời non, lấp biển” bằng hai bàn tay không. Ngành ngân hàng đã vận dụng tất cả nguồn lực có thể để xử lý nợ xấu và tôi tin chắc rằng sẽ sử dụng đến nguồn lực cuối cùng là sáp nhập. Tức là sử dụng nguồn lực tài chính của các ngân hàng lớn để có khả năng trích lập dự phòng rủi ro và cân đối nợ xấu của các ngân hàng nhỏ với mục tiêu là kéo dài, chờ thời cơ thị trường bất động sản phục hồi rồi bán nợ xấu.

Tôi cho rằng, NHNN không còn cách nào khác ngoài việc buộc phải sử dụng biện pháp sáp nhập như là một biện pháp xử lý nợ xấu, chứ không đơn giản chỉ là tái cấu trúc để có ngân hàng to hơn, lành mạnh hơn, đẹp hơn. Cho dù có ngân hàng to hơn, lành mạnh hơn, đẹp hơn cũng phải trên cơ sở xử lý nợ xấu.

Tôi ví dụ, có những ngân hàng nếu không gánh thêm một ngân hàng nhỏ, lợi nhuận một năm có thể là 3.000 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước khoảng 750 tỷ đồng. Nếu gánh một ngân hàng nhỏ, lợi nhuận sẽ chỉ còn có 300 tỷ đồng vì phần lớn số lợi nhuận phải để trích lập dự phòng rủi ro, gánh nợ xấu ngân hàng nhỏ.

Điều tôi cho là mới nhất và quyết định nhất, nợ xấu sẽ được xử lý bằng cách phối hợp giữa các nguồn lực như: dự phòng rủi ro, phát hành trái phiếu thị trường của VAMC và sáp nhập. Và trọng trách này thuộc về các ngân hàng lớn và thật may các ngân hàng này đồng thuận với giải pháp như vậy. May mắn hơn nữa là thị trường bất động sản phục hồi, kinh tế cũng phục hồi. Nếu không, có thể công cuộc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng sẽ kéo dài thêm nữa.

Giả sử nợ xấu đưa được xuống 3% cuối năm 2015, ông có cho rằng đây là bài học kinh nghiệm tốt các quốc gia khác nên học hỏi?

Với những phân tích trên, tôi cho rằng, bài học kinh nghiệm trong việc xử lý nợ xấu của chúng ta chưa đáng để các quốc gia khác học hỏi.

Ngay từ khi mới lên nhậm chức, Thống đốc đã buộc phải tập trung vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát, giảm lãi suất, ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại tệ và kiểm soát thị trường vàng… Để ổn định được kinh tế vĩ mô như hiện nay là thành tựu rất lớn của NHNN vì đây là nhiệm vụ chủ yếu của NHNN. Còn xử lý nợ xấu, nói công bằng là nhiệm vụ của ngân sách, doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại.

Theo đó, thành tựu đáng để học hỏi đó là chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong một thời gian tương đối ngắn, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính quốc tế mà lại không gây ra việc rút vốn ồ ạt như Indonesia, Thái Lan, Philippine đã gặp. Đặc biệt, không làm cho đồng tiền mất giá, không làm mất uy tín nghiêm trọng trong con mắt các nhà đầu tư quốc tế và cảm nhận được Việt Nam xử lý lạm phát nhanh, vững chắc. Đồng thời, xử lý dự trữ ngoại tệ kiên quyết và thành công, đảm bảo thanh khoản quốc tế cho quốc gia.

Từng có nhiều năm làm việc trong hệ thống ngân hàng, trong quá khứ, ông đã thấy có trường hợp nào NHNN được phép giải quyết nợ xấu bằng ngân sách nhà nước?

Cho đến giờ phút này, tôi chưa thấy có trường hợp nào như vậy. Trước đây, nợ xấu là của các doanh nghiệp nhà nước và nông dân tại những ngân hàng quốc doanh, nên thường dùng tiền NHNN để xóa nợ bên cạnh việc tái cấu trúc lại một phần. Làm như vậy rất nhanh, nhưng bây giờ rất khác, không thể áp dụng được cách cũ. Để tạo sự đồng thuận, giải quyết nhanh chóng, dứt điểm nợ xấu là khó. Ngoài ra, quy mô nợ xấu giờ lớn hơn ngày trước.

Khẩu hiệu không dùng ngân sách xử lý nợ xấu giống như châm ngôn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam “tay không bắt giặc” khiến cho tôi có suy nghĩ, cách giải quyết nợ xấu của Việt Nam không dùng ngân sách giống như binh pháp Tôn Tử “không công thành mà đoạt được thành”.

Nhìn lại quá trình tái cấu trúc hệ thống, ông có bình luận gì?

Chương trình tái cấu trúc theo kế hoạch đến hết năm 2015 sẽ kết thúc giai đoạn đầu, nhưng tôi cho rằng, giai đoạn quyết liệt nhất vẫn còn ở phía trước. Đó là xử lý nợ xấu, gắn với việc kiểm soát tín dụng, nhất là tín dụng sân sau của các chủ sở hữu ngân hàng lũng đoạn, sở hữu chéo.

Nếu hai vấn đề này không xử lý được sẽ không thể đưa chuẩn mực quản trị, chuẩn mực kế toán quốc tế và đưa quản trị rủi ro vào và theo đó cũng không thể đưa chuẩn mực an toàn hệ thống vào được.

3 mảng vấn đề rất lớn đó là: sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn và tín dụng sân sau; nợ xấu; áp dụng các chuẩn mực mới về an toàn đều nằm ở phía trước. Do vậy, giai đoạn 2 cần phải hành động quyết liệt hơn với 2 yếu tố quan trọng: nền tảng pháp lý phải hỗ trợ đắc lực cho chương trình tái cấu trúc, thậm chí phải có nền tảng pháp lý đặc thù, chuyên biệt cho việc xử lý nợ xấu trong vòng bao nhiêu năm. Đặc biệt, phải có nguồn lực thực tế đủ mạnh từ trong nước và đầu tư quốc tế.

Tôi cho rằng, Chính phủ và NHNN không tỏ ra lo ngại quá về nguồn lực, bởi không thể làm quá nhanh với quy mô quá lớn. Nếu có cơ sở pháp lý tốt, thậm chí có thể thêm nguồn lực từ bên ngoài vào mua tài sản đảm bảo, mua lại doanh nghiệp, nợ xấu… Mua xong rồi, hoàn tất được mọi thủ tục pháp lý về quyền sở hữu, sử dụng và khi hoàn tất, muốn bán cho ai cũng được.

Nếu là Thống đốc, ông sẽ làm gì với việc xử lý nợ xấu?

Tôi sẽ tập trung nguồn lực (tài lực, quyền lực pháp lý), hạch toán lại đầy đủ hơn con số nợ xấu và công bố công khai để Chính phủ, Quốc hội và cộng đồng xã hội thấy từ đó có thể trù liệu và tính toán. Có thể phát hành trái phiếu xử lý, vay nước ngoài, hay nhiều nguồn khác nhau tạo ra một đồng thuận, trách nhiệm chính trị chung một cách thực sự. Binh pháp Tôn Tử cũng phải trên nền tảng biết mình, biết người mới thành công.

 
Theo Nhuệ Mẫn
ĐTCK
 
Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *