Thời sự 20/03/2014 18:51

Sửa Thông tư 02: Ngân hàng đã có thể thở phào?

FICA - Việc gia hạn một phần Thông tư 02 sẽ cho phép các ngân hàng có thêm thời gian để giải quyết vấn đề nợ xấu, cũng sẽ giúp hệ thống tránh được hiệu ứng domino do dự phòng tăng đột biến, thanh khoản thiếu hụt và vốn giảm mạnh.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 09/2014-TT-NHNN, sửa đổi và bổ sung Thông tư 02. Thông tư 09 sẽ có hiệu lực từ ngày 20/03/2014.

Thời điểm áp dụng Thông tư 02 vẫn là 01/06/2014. Tuy nhiên, có một số điều khoản đáng chú ý của Thông tư 02 sẽ được sửa đổi theo Thông tư 09. Thông tư 09 bổ sung một điều khoản mới về trích lập dự phòng dành cho các trái phiếu do VAMC phát hành vào Thông tư 02, theo đó việc trích lập dự phòng sẽ thực hiện theo quy định tại Thông tư 19/2013/TT-NHNN về hoạt động của VAMC. Đây không phải là hướng dẫn mới.

Trong báo cáo mới phát hành, công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) dẫn các thông tin trên thị trường cho biết, VAMC có thể sẽ giảm tỷ lệ dự phòng (VD: xuống dưới 20%/năm) mà các ngân hàng phải trích lập liên quan đến các trái phiếu do VAMC phát hành. Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh rằng vẫn chưa có điều chỉnh chính thức nào đối với các quy định liên quan đến hoạt động của VAMC và quyền lợi và nghĩa vụ của các ngân hàng đối với trái phiếu VAMC phát hành – đây chỉ là tin đồn thị trường.

Trở lại với quy định tại Thông tư 09, ngân hàng phải cung cấp phân loại tín dụng cho trung tâm tín dụng của NHNN (CIC) nhằm tập trung, phân loại và kiểm soát số liệu tín dụng cho toàn hệ thống. Tuy nhiên, các ngân hàng sẽ không phải điều chỉnh phân loại các khoản nợ theo số liệu của CIC cho đến ngày 31/12/2014.

Trong khi đó, quyết định 780 quy định việc phân loại nợ đối với nợ đã cơ cấu thời hạn trả nợ sẽ hết hiệu lực ngày 20/03/2014. Tuy nhiên, một điều khoản mới thay thế quyết định này sẽ được bổ sung vào Thông tư 02. Thời gian áp dụng điều khoản này là từ 20/03/2014 đến ngày 01/04/2015.

Cụ thể, các ngân hàng được phép cơ cấu lại các khoản nợ mà khách hàng có khả năng thanh toán và triển vọng kinh doanh tốt; ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ của các khoản nợ này sau khi cơ cấu lại, và các khoản nợ chỉ được phép thực hiện cơ cấu lại một lần. Nếu sau khi cơ cấu lại khoản nợ, khách hàng không thanh toán được thì ngân hàng không được phép cơ cấu lại lần nữa mà phải chuyển sang nhóm có rủi ro cao hơn. Hiện tại, ngân hàng có thể tái cơ cấu các khoản nợ quá hạn hai lần.

Theo VCSC, bên cạnh các điều chỉnh trên, các điều khoản quan trọng khác của Thông tư 02 có thể giúp ngân hàng cải thiện giá trị tài sản nhưng sẽ làm tăng dự phòng, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6/2014. Các điều khoản này bao gồm việc bổ sung các tài sản phân loại là tín dụng như trái phiếu doanh nghiệp, huy động liên ngân hàng, ủy thác đầu tư...; giảm tỷ lệ chiết khấu áp dụng đối với tài sản thế chấp khi tính dự phòng; quy định chặt chẽ hơn về cho vay các nhóm khách hàng bị hạn chế, gồm quản lý, các bên liên quan, công ty liên kết, công ty liên doanh, công ty môi giới, các doanh nghiệp mà ngân hàng kiểm soát hoặc nắm cổ phần...

VCSC cho rằng giống như việc thành lập VAMC, việc gia hạn một phần Thông tư 02 sẽ cho phép các ngân hàng có thêm thời gian để giải quyết vấn đề nợ xấu, định hình lại hoạt động và kích thích tăng trưởng tín dụng. Điều này cũng sẽ giúp hệ thống tránh được hiệu ứng domino do dự phòng tăng đột biến, thanh khoản thiếu hụt và vốn giảm mạnh.

 

Phương Dung

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *