Thời sự 12/01/2014 19:48

Siêu lừa Huyền Như tiếp tục hầu tòa

FICA - Sáng 13/1, “siêu lừa” Huyền Như cùng đồng phạm tiếp tục được áp giải đến TAND TPHCM để xét xử. Đây là “đại án” được dư luận đặc biệt quan tâm về số tiền chiếm đoạt được xếp vào loại “khủng” nhất từ trước đến nay.

"Siêu lừa" Huyền Như cùng đồng phạm sẽ tiếp tục được đưa ra xét xử vào sáng 13/1

Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1972, quê Tiền Giang) – Nguyên phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), song song với công việc tại ngân hàng, Như cũng là thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông (ORS). Huyền Như thường trú tại quận Bình Thạnh nhưng thời điểm bị bắt Huyền Như đang ở trong căn nhà mặt tiền của mình đường Tôn Đản, Q.4, TP.HCM.

Phiên toà xét xử Huyền Như cùng đồng phạm bắt đầu “mở màn” từ ngày 6/1, tuy nhiên, trong 5 phiên xét xử đã diễn ra mọi việc đều chưa được làm rõ.

Ngoài việc xác định được hành vi lừa đảo, đưa cả người thân vào vòng lao lý của “siêu lừa” Huyền Như thì hầu như tất cả các vấn đề mấu chốt về trách nhiệm liên quan mà các luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn đều không được giải đáp thoả đáng. Điệp khúc “không nhớ, không trả lời” được Huyền Như nhắc đi nhắc lại nhiều lần khiến một số luật sư nản chí phải xin lại câu hỏi.

Dù 36 câu hỏi của các luật sư đưa ra trong 2 ngày nhằm làm rõ trách nhiệm của ngân hàng Vietinbank trong vụ án thì chỉ nhận được câu trả lời chung chung, với tư cách cá nhân của đại diện ngân hàng Vietinbank trong khoảng 10 phút.

Nhiều câu hỏi được các luật sư đưa trong các phiên xét xử trước đó

Suốt 5 ngày hầu toà liên tiếp nhưng “siêu lừa” Huyền Như thể hiện khuôn mặt không biểu lộ cảm xúc. Chỉ những giờ rời toà vào cuối buổi chiều, Huyền Như thường đưa mắt nhìn người thân và có lúc nở nụ cười bí hiểm.

Trước vành móng ngựa, Huỳnh Thị Huyền Như đã thừa nhận các hành vi lừa đảo, làm 8 con dấu giả, giả hàng trăm chữ ký của khách hàng với mục đích duy nhất là lấy được tiền từ tài khoản của họ để trả lãi tín dụng “đen”, có lúc “siêu lừa” này phải chịu mức lãi phạt do trễ hạn cao hơn từ 5-8%/ngày. Tại toà, Huyền Như đã khai báo, do sợ các “trùm” cho vay nặng lãi cho người “đập vỡ mặt” hoặc lên ngân hàng của Như để quậy nên phải lao vào “cơn lốc” lừa đảo, phạm tội.

Gương mặt "siêu lừa" Huyền Như khá bình thản trước vành móng ngựa

Điển hình là việc đưa Huỳnh Mỹ Hạnh (chị gái Như) từ một người đang bán trứng vịt lộn, mới học hết lớp 9 lên làm Phó Giám đốc Công ty Hoàng Khải do Huyền Như lập ra với mức lương 3 – 8 triệu đồng/tháng. Trước vành móng ngựa, Huỳnh Mỹ Hạnh đã bật khóc khai nhận về việc em gái đưa mình vào vòng lao lý.

Quá trình làm việc, chỉ vì tin em gái mà Hạnh đã ký nhiều hợp đồng thế chấp sổ tiết kiệm giả theo hướng dẫn của Huyền Như mà không chút nghi ngờ. “Thật không ngờ Huyền Như lại lừa cả chị mình”, nghe lời trách cứ của chị ruột trước tòa, Huyền Như đã bật khóc.

Tại phiên tòa, dù Huyền Như cho rằng mình không hề có ý định bỏ trốn nhưng chủ tọa chất vấn “siêu lừa” về phương án trả tiền cho nạn nhân thì Huyền Như không trả lời được. Huyền Như xác nhận đã nhờ một bà chị thân thiết tên Triệu Thị Hương Giang lo dịch vụ làm “thẻ xanh” tại Mỹ. Để làm thẻ xanh này, Như đã bỏ ra hơn 1,1 triệu USD nhưng chưa kịp nhận thẻ thì đã bị bắt.

Dự kiến trong các phiên toà diễn ra từ ngày 13/1 của TAND TP.HCM, công tố viên sẽ kết luận vụ án và đề nghị mức án đối với Huyền Như.

Với các tội danh hiện tại, mức án cáo nhất dành cho "siêu lừa" Huyền Như là án chung thân

Theo Bộ luật hình sự, hình phạt cao nhất của tội “lừa đảo” mà Huyền Như đang bị xét xử là mức án tù chung thân. Việc người phạm tội là phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ (hiện con gái Huyền Như chưa đủ 36 tháng tuổi) được xem là một trong những tình tiết giảm nhẹ theo quy định.

PV Dân trí sẽ bám sát các thông tin từ phiên toà xét xử vụ án chấn động giới tài chính Việt Nam để cung cấp thông tin nhanh nhất đến bạn đọc.

Trung Kiên – Công Quang

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *