Thời sự 09/01/2020 07:53

“Sẽ đình chỉ doanh nghiệp XKLĐ nào vẫn tiếp tục đưa lao động sang Trung Đông”

“Tạm thời dừng đưa lao động đi làm việc tại thị trường Trung Đông cho tới khi có thông báo mới. Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi tình hình, lên phương án sơ tán người lao động Việt Nam đến các khu vực an toàn và đưa về nước trong trường hợp khẩn cấp”.

“Sẽ đình chỉ doanh nghiệp XKLĐ nào vẫn tiếp tục đưa lao động sang Trung Đông” - 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tối 8/1, liên quan tới tình hình căng thẳng tại khu vực Trung Đông những ngày qua.

Xác định đây là nhiệm vụ trọng điểm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo: “Bộ hiện không khuyến khích đưa lao động Việt Nam sang thị trường lao động khu vực Trung Đông. Thậm chí thời điểm này, thị trường lao động tạm thời “đóng cửa". Nếu doanh nghiệp nào không chấp hành sẽ đình chỉ".

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Cục Quản lý lao động yêu cầu các doanh nghiệp đã đưa lao động đi làm việc ở khu vực Trung Đông cần thiết lập đường dây nóng và cập nhật thư điện tử cùng nhân sự thường trực để theo dõi diễn biến tình hình, có biện pháp ứng phó khi xảy ra phát sinh.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần rà soát tình hình lao động, việc làm và sinh hoạt của lao động Việt Nam tại các nước trong khu vực, gồm: Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Quata, Ả rập Xê út, Ô man, Cô oét, Bahrain, Israel.

Thực hiện gấp việc lập danh sách thông tin của lao động đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, công trình, như: Số điện thoại, email, đầu mối liên hệ của các nhóm lao động và cán bộ đại diện doanh nghiệp tại thị trường gửi Ban Quản lý lao động tại địa bàn và Cục Quản lý lao động ngoài nước để theo dõi, hỗ trợ khi cần thiết.

Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp XKLĐ phối hợp chặt chẽ với đối tác sử dụng lao động và các bên liên quan xây dựng phương án bảo vệ an toàn, an ninh cho người lao động và sơ tán khi có diễn biến xấu xảy ra.

Được biết, thị trường lao động Trung Đông hiện thu hút khoảng 10.000 lao động Việt Nam. Năm 2019, số lượng lao động Việt Nam sang làm việc tại đây chỉ hơn 1.000 người.

Thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, số lao động trên tập trung chủ yếu tại Ả rập Xê út: 7.000 người, UAE: 3.000 người, Cô oét: Gần 1.000 người, Quata: Gần 600 người, Ô man: 90 người và Bahrain: 70 người...

 Hoàng Mạnh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *