Thời sự 01/11/2013 14:00

Quỹ đầu tư rủi ro nước ngoài muốn mua nợ xấu từ VAMC

Ông Stephen D.Lackey, Chủ tịch Công ty BNY Mellon khu vực châu Á - Thái Bình Dương trả lời phóng viên TBNH như vậy, bên lề cuộc tiếp xúc giữa BNY Mellon với 12 ngân hàng lớn nhất Việt Nam được tổ chức mới đây tại TP. Hồ Chí Minh.

Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đã có những hoạt động mua bán đầu tiên. Ông nhìn nhận thế nào về những món nợ xấu này?

 

Tôi cho rằng, các Quỹ đầu tư rủi ro nước ngoài rất quan tâm đến các khoản nợ mà VAMC đã mua. Tuy rằng, thị trường còn hạn chế về khung pháp lý sở hữu đối với những nhà đầu tư nước ngoài và nhất là con số trong sổ sách kế toán. Nhưng, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không thể chờ thêm nữa. Nếu xác định được khoản mục đầu tư, họ sẽ tìm mọi cách vượt qua những rào cản của thị trường. Niềm tin và sự háo hức của các nhà đầu tư nước ngoài có cơ sở:

 

Thứ nhất, kinh tế thế giới đang phục hồi tạo điều kiện tốt cho kinh tế Việt Nam là yếu tố từ bên ngoài thúc đẩy nhà đầu tư vào Việt Nam.

 

Thứ hai, Chính phủ Việt Nam đã kiểm soát lạm phát tốt và đang trong quá trình dọn dẹp sạch sẽ các ngân hàng yếu kém và đa dạng hóa các hình thức sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài.

 

Tất cả những chính sách mới đây không thể phát huy trong ngày một ngày hai và bộc lộ tác dụng ngay được. Nhưng bản thân chúng ta phải chờ đợi kết quả tiệm tiến và tin rằng ảnh hưởng của các chính sách này là tích cực để tận dụng thu hút đầu tư nước ngoài. Thị trường mua bán nợ của Việt Nam còn rất mới và chắc chắn sẽ phải trải qua những bước tiến triển hơn trong thời gian tới.

 

Tôi có thể lấy ví dụ, vào cuối thập niên 1980, NHTW Trung Quốc đã phải bỏ ra một lượng tiền mua lại các tài sản xấu để sổ sách hệ thống NHTM đẹp hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc đã mất 20-25 năm mới “tiêu hóa” hết cục nợ ấy và khiến hoạt động ngân hàng lưu thông trở lại. Tôi tin rằng, NHNN Việt Nam đang làm mọi điều để tạo ra một hệ thống ngân hàng lành mạnh, để trở nên hấp dẫn hơn và sẽ thu hút được những ngân hàng lớn trên thế giới vào đầu tư và cả những nhà đầu tư khác.

 


Nhà đầu tư nước ngoài sẽ không thể chờ thêm được nữa để mua nợ xấu từ VAMC.

 

Vậy lĩnh vực tài chính ở Việt Nam có ý nghĩa gì với công ty của ông?

 

Chúng tôi là một công ty đầu tư toàn cầu, thực hiện nghiệp vụ kinh doanh với các NHTM Việt Nam cũng như những nghiệp vụ tài chính khác. Những hình thức chúng tôi tham gia đầu tư đối với thị trường vốn ở một nước khác thông thường qua các hoạt động như: huy động vốn chủ sở hữu từ bên ngoài phạm vi của một đất nước. Tức là, chúng tôi tìm kiếm số lượng thành viên của các cổ đông ngoài lãnh thổ một đất nước cho các tổ chức tài chính hoặc doanh nghiệp.

 

Thêm nữa, thông qua hình thức phát hành trái phiếu cho các doanh nghiệp, tổ chức tài chính trong nước ra quốc tế để huy động vốn cho những định chế này ở trong nước. Ngân hàng chúng tôi chiếm khoảng 60% thị phần các sản phẩm phát hành trái phiếu ra quốc tế cho các định chế tài chính các nước khác nhau trên thế giới. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức niêm yết trực tiếp cổ phiếu cho các ngân hàng và doanh nghiệp địa phương lên các thị trường chứng khoán quốc tế.

 

Ngoài ra, chúng tôi có thể tham gia hỗ trợ vào các hoạt động tạo ra thu nhập cố định tức là tham gia vào quá trình quản lý nợ bên ngoài lãnh thổ của một đất nước. Khi các ngân hàng hoặc doanh nghiệp có những khoản mua bán nợ ở nước ngoài sẽ cần có những quỹ ủy thác đầu tư. BNY Mellon còn thực hiện việc quản lý những khoản dự trữ của các NHTW và trở thành đối tác của phần lớn các khoản dự trữ cho các NHTW tại khu vực châu Á.

 

Khi thị trường vốn Việt Nam càng phát triển, các sản phẩm tài chính trong nước nhiều lên sẽ được nhà đầu tư nước ngoài săn đón. Ngược lại, những nhà đầu tư trong nước muốn mua các sản phẩm đầu tư ở nước ngoài thì chúng tôi trở thành cầu nối. Tôi cho rằng, khi thị trường vốn Việt Nam phát triển tới mức độ đó thì BNY Mellon sẽ mở văn phòng tại Việt Nam. Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện đầu tư vào Việt Nam thông qua một đầu mối tại Singapore.

 

Trong quá trình tái cơ cấu, nhiều NHTM Việt Nam đang chuyển thu nhập từ tín dụng sang dịch vụ. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm gì không?

 

Khi các ngân hàng cố gắng chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ một đơn vị cho vay đơn thuần sang cung ứng dịch vụ tài chính rộng lớn và đa dạng hơn có nghĩa ngân hàng đó đang trưởng thành. Tăng thu nhập từ dịch vụ sẽ giúp các ngân hàng ổn định về mặt tài chính hơn là chỉ dựa vào nguồn thu nhập duy nhất từ tín dụng. Khi lệ thuộc thu nhập vào hoạt động cho vay, ngân hàng sẽ mắc kẹt vào cục nợ xấu hoặc những tài sản không sinh lời.

 

Thế nhưng, trong quá trình chuyển đổi từ một mô hình ngân hàng truyền thống sang ngân hàng hiện đại, tập trung tạo nguồn thu từ các dịch vụ tài chính thì bản thân ngân hàng cũng phải lượng định những vấn đề tất yếu phát sinh. Đó là các cổ đông và khách hàng của ngân hàng trở nên phức tạp hơn, tinh vi hơn.

 

Thông thường, cổ đông sẽ đòi hỏi ngân hàng phải mở rộng các dịch vụ như môi giới, mở thêm các hình thức đầu tư khác, thực hiện chứng khoán hóa các sản phẩm dịch vụ tài chính của ngân hàng... Đó là những vấn đề các ngân hàng Việt Nam cần lưu ý bởi có những dịch vụ tài chính không phải ngân hàng nào cũng được nhà điều hành cho phép thực hiện.

 

Xin cảm ơn ông!

 

BNY Mellon là kết quả hợp nhất giữa Tập đoàn tài chính Mellon với The Bank of New York năm 2007. Tính đến 30/9/2013 đã bảo quản, quản lý tài sản trị giá 27.400 tỷ USD và quản lý 1.500 tỷ USD. Hoạt động kinh doanh tập trung chủ yếu cung cấp các dịch vụ tài chính cho các ngân hàng trên 100 thị trường, hàng năm 20% giao dịch tài sản toàn cầu được cho là chảy qua BNY Mellon.

Theo Phạm Hà Nguyên
TBNH

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *