Thời sự 23/05/2019 08:28

Phạt tối đa 1 tỷ đồng nếu đánh bắt thủy sản trái phép trên biển

Vi phạm các quy định về khai thác thủy sản có thể bị phạt tối đa 1 tỷ đồng nếu đánh bắt trái phép ở vùng viển nước ngoài hoặc tàu đánh bắt không có giấy phép hoạt động.

Đây là một trong những quy định rất đáng chú ý tại Nghị định số 42/2019 vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực vào đầu tháng 7/2019.

Theo đó, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có thể lên tới 1 tỷ đồng. Nghị định số 42/2019/NĐ-CP đã quy định rõ mức phạt đối với vi phạm nghiêm trọng trong khai thác thủy sản.

Xử phạt tối đa 1 tỷ đồng nếu vi phạm nghiêm trọng về quy định đánh bắt thủy sản

Cụ thể, cá nhân, tổ chức sẽ bị xử phạt tiền từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với chủ tàu cá có một trong các hành vi vi phạm: Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam; Khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực mà không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn hoặc không có giấy chấp thuận hoặc giấy chấp thuận hết hạn; Tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn.

Các mức độ xử phạt nhẹ hơn bao gồm, phạt tiền từ 300-500 triệu đồng đối với chủ tàu cá có một trong các hành vi vi phạm sau: Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam; không trang bị thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m theo quy định.

Phạt tiền từ 500-700 triệu đồng đối với chủ tàu cá có một trong các hành vi vi phạm: Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24m khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần; Không ghi nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản đối với tàu có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần; che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khai thác thủy sản quá hạn mức do Tổ chức nghề cá khu vực cấp phép.

Bên cạnh đó, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: Tịch thu thủy sản khai thác, chuyển tải trái phép đối với hành vi vi phạm quy định; tịch thu tàu cá đối với hành vi vi phạm; tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản từ 6-12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chủ tàu cá phải chi trả toàn bộ kinh phí đưa ngư dân bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ về nước và các chi phí liên quan khác đối với hành vi vi phạm quy định.

Nghị định 42 của Chính phủ ra đời trong bối cảnh EC (Liên minh châu Âu) đang áp dụng lệnh hạn chế nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, thường được gọi là phạt thẻ vàng. Nguyên nhân là do thủy sản đánh bắt trên biển xuất khẩu có loại bị khai thác trái phép ở vùng biển không thuộc chủ quyền của Việt Nam, đánh bắt theo kiểu tận diệt, đánh bắt bằng điện hoặc các cách thức khác tận diệt tài nguyên biển cả.

Nếu thực hiện nghiêm các quy định của của Nghị định 42, thời gian tới EC và các cơ quan liên quan của EC sẽ tìm hiểu và gỡ thẻ vàng cho thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

An Linh

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *