Thời sự 06/05/2015 09:57

Ổn định tỷ giá đã phức tạp hơn thời điểm 2014!

FICA - Sự tập trung về diễn biến của USD là đáng kể hơn trong bối cảnh đa số các đồng tiền khác đều giảm giá so với USD, khiến USD nổi lên như là một trong những loại tiền tệ có lợi suất tốt nhất tại thời điểm này.

Tỷ giá nhiều khả năng vẫn neo giữ ở vùng cao

Theo nhận định của CTCK Ngân hàng BIDV (BSC) tại báo cáo vĩ mô mới phát hành, tỷ giá USD/VND trong các tháng tới nhiều khả năng tiếp tục neo giữ ở vùng cao.

BSC lưu ý rằng, thị trường đang tiến dần tới thời điểm tháng 6, thời điểm FED dự kiến có thể nâng lãi suất USD sớm nhất. Trong trường hợp đó, diễn biến tỷ giá không loại trừ khả năng được điều chỉnh.

Về cơ bản, NHNN vẫn kiên định với chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó bình ổn lạm phát và tỷ giá. Sự ổn định của đồng VND trong thời gian dài vừa qua đã giúp gia tăng niềm tin vào đồng nội tệ, giảm tình trạng đôla hóa cũng như hấp dẫn các dòng vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, trong bối cảnh tỷ giá biến động mạnh, tỷ giá nhiều khả năng vẫn được NHNN ưu tiên bình ổn.

Tuy nhiên, việc duy trì ổn định tỷ giá trong năm nay phức tạp hơn so với năm 2014. Thứ nhất, sự phục hồi kinh tế Hoa Kỳ sẽ tạo áp lực tăng giá đối với đồng USD mạnh mẽ hơn so với cùng kỳ năm 2014, và hiển nhiên điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của NHNN.

Thứ hai, bối cảnh kinh tế Việt Nam có sự thay đổi so với thời gian trước. Cụ thể, kinh tế tăng trưởng nhanh hơn làm gia tăng nhu cầu nhập khẩu máy móc, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Thay đổi dễ thấy nhất là sự dịch chuyển cán cân thương mại của Việt Nam từ thặng dư trong các năm trước sang xu hướng nhập siêu, tính từ thời điểm đầu năm tới nay.

Thứ ba, tác động tâm lý từ sự gia tăng tỷ giá tại Việt Nam có thể mạnh hơn bởi dư địa điều chỉnh tỷ giá trong năm 2015 tới thời điểm hiện tại chỉ còn 1%. Trong khi đó, sự tập trung về diễn biến của USD là đáng kể hơn trong bối cảnh đa số các đồng tiền khác đều giảm giá so với USD, khiến USD nổi lên như là một trong những loại tiền tệ có lợi suất tốt nhất tại thời điểm này.

Trong tháng 4, tỷ giá liên ngân hàng gia tăng và vẫn duy trì ở vùng cao trong biên độ tương đối hẹp sau khi tăng mạnh trong 2 tháng liền trước đó. Cụ thể, tỷ giá liên ngân hàng trung bình là 21.594 VND/USD, mức cao nhất/thấp nhất được ghi nhận trong tháng lần lượt là 21.610 và 21.565 VND/USD.

Tỷ giá tự do hạ nhiệt so với mức đỉnh tháng 3 trước đó, quay đầu và dao động trong biên độ tương đối hẹp giữa 21.625 - 21.680 VND/USD. Tỷ giá tự do trung bình trong tháng do đó giảm nhẹ xuống mức 21.649 VND/USD từ 21.660 VND/USD tháng trước đó.

Nói chung, diễn biến tỷ giá trong tháng 4 vừa qua dù tiếp tục tăng nhưng đã ổn định lại so với thời kỳ bật nhanh hai tháng trước. Nguyên nhân của sự hạ nhiệt tức thời này là số liệu kinh tế không mấy tích cực của Hoa Kỳ trong tháng 4/2015 khiến giá trị USD cân bằng trở lại trên thị trường ngoại hối quốc tế.

Trong bối cảnh đó, yếu tố tâm lý vốn là đặc trưng tại Việt Nam được xoa dịu, giúp giảm nhu cầu găm giữ USD đáng kể. Ngoài ra, dù chưa có thông tin chính thức, BSC cho biết, không loại trừ khả năng NHNN đã bán dự trữ USD ra thị trường để ổn định tỷ giá.

Thời điểm giảm lãi suất có thể rơi vào nửa cuối 2015

Về lãi suất, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trong tháng 4 hầu như không có thay đổi so với thời điểm cuối quý I. Cụ thể, lãi suất huy động của các ngân hàng đối với tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng nằm ở mức 6,4 - 7,2%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,4-6,5%/năm; kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 4,5-5,4%/năm; dưới 01 tháng hoặc không kỳ hạn vẫn ở mức 0,8-1%/năm. Lãi suất huy động USD không đổi vẫn ở mức 0,75%/năm đối với dân cư và 0,25% đối với tổ chức.

Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 7-9%/năm đối với ngắn hạn; 9 -10,5%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với các lĩnh vực ưu tiên, mặt bằng lãi suất phổ biến ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn và 9-10%/năm cho trung và dài hạn. Lãi suất cho vay USD không đổi, ở mức quanh 3 – 5,5% trong ngắn hạn và 5,5 – 7% trung và dài hạn.

So với thời điểm cuối năm 2014, lãi suất huy động giảm nhẹ từ 0,1% - 0,5% tùy từng kỳ hạn. Lãi suất cho vay chỉ giảm khoảng 0,5% và chủ yếu tại các ngân hàng thương mại nhà nước.

Theo BSC, khả năng giảm lãi suất ngay trước mắt vẫn khá khó khăn khi tỷ giá đang chịu sức ép đáng kể. Dù vậy, dư địa cho việc giảm thêm lãi suất vẫn còn trên cơ sở lạm phát năm nay nhiều khả năng ở mức thấp.

Thời điểm giảm có thể rơi vào nửa cuối năm 2015 khi tỷ giá đã bớt căng thẳng sau khi được điều chỉnh thêm khoảng 1% và quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cũng như xử lý nợ xấu bắt đầu phát huy hiệu quả. Mục tiêu tăng trưởng 6,2% trong năm nay là không hề dễ dàng và việc giảm thêm mặt bằng lãi suất để kích thích tăng trưởng là cần thiết.

Thanh Nga

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *