Thời sự 03/05/2015 09:11

Nợ xấu đang “ngáng đường” hạ lãi suất cho vay

FICA - Lãi suất cho vay chịu ràng buộc bởi khả năng thu hồi và xử lý nợ xấu của từng ngân hàng. Nợ xấu có xu hướng giảm nhưng tỉ lệ nợ xấu toàn hệ thống vẫn ở trên mức an toàn.

Theo nhận định của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ lãi suất điều hành không đổi trong quý I cho thấy chưa có sức ép buộc phải điều chỉnh các lãi suất quan trọng.

Tính đến ngày 20/3, gần 69 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP) và TPCP bảo lãnh được phát hành. Trong đó có 55 nghìn tỷ đồng trái phiếu Kho bạc Nhà nước, 5 nghìn tỷ đồng trái phiếu của Ngân hàng Chính sách và 9 nghìn tỷ đồng trái phiếu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).

Trước đó, vào cuối năm 2014, Fitch đã nâng hạng tín nhiệm trái phiếu nội tệ một bậc lên BB- với triển vọng ổn định. Phí bảo hiểm CDS (rủi ro vỡ nợ) cho TPCP kỳ hạn 5 năm giảm xuống dưới 2 điểm phần trăm, cho thấy sự cải thiện trong đánh giá của giới tài chính quốc tế với rủi ro trái phiếu của Việt Nam so với 1 năm trước khi con số này vào khoảng 2,4 điểm phần trăm.

Cũng theo VEPR, khu vực tư nhân đang phải cạnh tranh về tín dụng với khu vực công. Mặt bằng lãi suất TPCP kỳ hạn 5 năm là 5,3%/năm; kỳ hạn 10 năm là 6,4%/năm và kỳ hạn 15 năm 7,2%/năm, với xu hướng giảm đang chậm lại. Như vậy, lãi suất dài hạn cho doanh nghiệp tư nhân – đối tượng có rủi ro cao hơn – sẽ phải cao hơn mức này và lãi suất vẫn là một ràng buộc với khu vực tư nhân khi dư địa giảm thêm lãi suất tín dụng không có nhiều khi hệ thống ngân hàng vẫn đang tự xử lý nợ xấu và tái cấu trúc.

Lãi suất cho vay chịu ràng buộc bởi khả năng thu hồi và xử lý nợ xấu của từng ngân hàng. Nợ xấu có xu hướng giảm nhưng tỉ lệ nợ xấu toàn hệ thống vẫn ở trên mức an toàn. Quá trình tái cơ cấu ngân hàng được tăng cường và giám sát tương đối chặt, song vế thứ hai là tái cơ cấu doanh nghiệp không có nhiều đột phá trong quản trị và phối hợp giữa ngân hàng, người mắc nợ và Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC). Xử lý nợ xấu có nhiều vướng mắc trong xác định quyền tài sản gắn với đất đai gây chậm trễ.

Theo VEPR, thời gian tới, NHNN và Chính phủ cần sửa chữa các vướng mắc pháp lý liên quan đến xác định quyền tài sản, thể chế trao đổi kinh doanh công cụ nợ, và tái cấu trúc doanh nghiệp. Cần bổ sung việc nâng cao quản trị và tái cấu trúc doanh nghiệp vào trong những nội dung trung tâm của tái cơ cấu kinh tế.

VEPR nhận định, hệ thống ngân hàng sẽ chứng kiến nhiều thay đổi sau những vụ sát nhập các ngân hàng nhỏ mất an toàn tài chính vào các ngân hàng quốc doanh. Cho dù khả năng xử lý nợ xấu và khôi phục an toàn tài chính có thể tiến bộ nhờ tiềm lực của khối quốc doanh, sát nhập thường tích tụ rủi ro và đòi hỏi tăng cường năng lực giám sát và cơ chế xử lý nợ xấu tương thích.

Bích Diệp

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *