Thời sự 08/08/2016 08:00

NHNN: Lãi suất cho vay không còn là vướng mắc đối với doanh nghiệp

Theo khẳng định từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thực tế thời gian qua, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm mạnh và không còn là vướng mắc đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Kiến nghị tới Ngân hàng Nhà nước, cử tri TPHCM phản ánh, hiện nay các doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI. Bởi những doanh nghiệp này luôn vượt trội so với doanh nghiệp trong nước cả về năng lực quản trị, vốn lẫn những ưu đãi chính sách cho nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI luôn có lợi thế nhờ mức lãi vay ở các nước khá thấp (chỉ dao động 3-5%/năm).

Trong khi đó, lãi suất của ngân hàng trong nước cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vay luôn dao động ở mức cao, từ 7-10%; các doanh nghiệp xuất khẩu phải vay bằng Việt Nam đồng với mức lãi suất cao. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực hiện nay đầu tư không hiệu quả như nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi nên các ngân hàng rút dần vốn ra khỏi lĩnh vực này càng gây khó khăn cho doanh nghiệp và càng làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội.

Do đó, cử tri TPHCM “kiến nghị ngành ngân hàng quan tâm có các chính sách hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất phù hợp”.


Theo khẳng định từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thực tế thời gian qua, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm mạnh và không còn là vướng mắc đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Theo khẳng định từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thực tế thời gian qua, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm mạnh và không còn là vướng mắc đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Về vấn đề này, NHNN cho rằng: Mặt bằng lãi suất của một nước, bên cạnh việc chịu tác động trực tiếp của quan hệ cung, cầu vốn trên thị trường tiền tệ, còn chịu tác động của diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát của nước đó. Các nước trong khu vực có thể duy trì mức lãi suất cho vay thấp là vì: Lạm phát của các nước này được kiềm chế ở mức thấp, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; khả năng dự báo và hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư ở mức cao; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp không quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Việt Nam là nước đang phát triển, nhu cầu vốn đầu tư của nền kinh tế ở mức cao, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp lại phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay ngân hàng, kinh tế vĩ mô, lạm phát chưa có sự ổn định vững chắc như các nước phát triển... nên việc điều hành lãi suất cần đảm bảo hài hòa lợi ích của người gửi tiền - TCTD và khách hàng vay, phù hợp với diễn biến kinh tế và thị trường tiền tệ để đảm bảo kiểm soát lạm phát, duy trì sự ổn định của tỷ giá và hạn chế tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế.

Theo NHNN, thực tế thời gian qua, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm mạnh và không còn là vướng mắc đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. So sánh số liệu của các nước trong khu vực thì có thể thấy mặt bằng lãi suất cho vay của Việt nam tương đối hợp lý so với nhiều nước. Theo số liệu công bố của Ngân hàng Thế giới về lãi suất cho vay của một số nước trong khu vực những năm gần đây, lãi suất cho vay (lending interest rate) của Myanmar ở mức 13%/năm, Indonesia là 12,7%/năm, Ấn Độ là 10,3%/năm, Thái Lan là 6,6%/năm, Philipines là 5,5%/năm, Singapore là 5,4%/năm.

“Như vậy, mặt bằng lãi suất cho vay của Việt Nam khoảng 6-11%/năm vẫn ở mức tương đối hợp lý so với nhiều nước trong khu vực”, NHNN khẳng định.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ đối với một số ngành, lĩnh vực, từ tháng 5/2012, NHNN đã áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao); hiện nay, trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 7%/năm.

Đặc biệt đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, NHNN cũng đã thực hiện các giải pháp về tín dụng nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Theo đó, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là 5 lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tích cực quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tín dụng đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên: Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn đến cuối tháng 5/2016 ước tăng 3,56% so với cuối năm 2015; Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu cuối tháng 4/2016 tăng 5,53%; đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng cao tăng 1,45%; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 2,62%; lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển tăng 2,37%.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *