Thời sự 15/10/2019 13:56

Nhiều "xung đột" về chính sách pháp luật đang làm khó doanh nghiệp

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) rất nhiều xung đột pháp luật, đặc biệt nếu đi đến các địa phương sẽ gặp rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư đất đai, xây dựng bất động sản gặp những vấn đề rất phức tạp mà khó xử lý triệt để thời gian qua.

Tại Hội thảo "Góp ý Dự luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)" được tổ chức tại Hà Nội sáng 15/10, các chuyên gia, học giả đều đưa ra những vấn đề cần tháo gỡ tại 2 dự thảo quan trọng, có tác động lớn đến đời sống kinh tế, sức khỏe của doanh nghiệp.

Xung đột giữa Luật và Nghị định

Ông Tuấn cho rằng thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị VCCI rà soát, đánh giá thực trạng chồng chéo giữ các luật và nghị định ở Việt Nam hiện nay. 

Ông này lấy 20 ví dụ điển hình về xung đột về các bộ luật, thông tư như: Luật Nhà ở tại Điều 171.2: yêu cầu thêm các loại tài liệu ngoài các tài liệu quy định tại Luật Đầu tư trong Hồ sơ để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Nhưng Luật Đầu tư tại Điều 33: quy định các tài liệu trong hồ sơ dự án đầu tư để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và không có quy định về việc các văn bản pháp luật khác được quyền yêu cầu thêm tài liệu trong hồ sơ này…

“Ngoài 20 ví dụ điển hình, tôi tin rằng có thể tìm được rất nhiều trường hợp chồng chéo khác”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Ông Đậu Anh Tuấn, đại diện VCCI

Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, việc chồng chéo luật sẽ dẫn đến nhiều hệ quả, khiến doanh nghiệp và nhà đầu tư phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp; đi lại mất thời gian, nộp nhiều hồ sơ; chi phí giao dịch tốn kém; tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra; đình trệ hoạt động; rủi ro nguy cơ vi phạm pháp luật…

Theo ông Tuấn, giải pháp cần làm hiện nay là rà soát, đánh giá toàn diện vấn đề, phối hợp và thống nhất làm việc giữa các ban soạn thảo các luật: như Luật Đầu tư, Đất đai, Xây dựng, Bảo vệ Môi trường, PPP... hay dùng một luật sửa nhiều luật. 

Đồng thời, ông này cho rằng cần có thiết chế, cơ quan độc lập giúp Chính phủ rà, soạn luật cần chuyên nghiệp và độc lập, tách xây dựng pháp luật ra khỏi cơ quan cấp phép.

“Tôi tin rằng, riêng Luật Đầu tư lần này nếu khắc phục được tình trạng chồng chéo sẽ tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian tới”, ông Tuấn khẳng định.
Địa phương vẫn nên được quyền chấp thuận đầu tư

Cũng tại Hội thảo, ông Phan Lê Hoàng, PTGĐ Tập đoàn Thái Bình Dương (Pacific Corpration) đề nghị giữ nguyên quy định dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, dự án thực hiện trên địa bàn của địa phương nào thì chủ đầu tư sẽ thực hiện thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư tại địa phương đó.

Về Quyền của cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu cổ phần, ông Hoàng cho rằng, việc bỏ điều kiện sở hữu cổ phần trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng là phù hợp, vì đã là cổ đông của công ty thì đương nhiên cổ đông phải được thực hiện ngay các quyền của mình mà không phân biệt cổ đông cũ hay cổ đông mới. 

Tuy nhiên, quy định về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% xuống còn 1% thì không phù hợp, không đảm bảo được môi trường cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Ông Hoàng cũng đề nghị: "Quy định thống nhất về thủ tục thay đổi thông tin cổ đông trong Luật Doanh nghiệp theo hướng: Các trường hợp bắt buộc thực hiện thủ tục thay đổi thông tin cổ đông thì thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư".

Doanh nghiệp Việt vất vả vì hóa đơn, các loại giấy tờ

Ông Nguyễn Thanh Việt - Chủ tịch Intracom, việc minh bạch tài chính và báo cáo cổ đông rất quan trọng. Tuy nhiên, trong quản trị doanh nghiệp, việc quản lý chuyên nghiệp và bảo vệ bí mật kinh doanh rất quan trọng. Nếu không suy nghĩ cẩn thận thì đối thủ cạnh tranh sẽ mua 1% và gây khó dễ cho doanh nghiệp.

Ông Việt cho biết, hiện nay, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý DN vẫn chưa thực hiện được, các DN vẫn mắc bệnh báo cáo và giấy tờ rất nhiều.

Ông Nguyễn Thanh Việt - Chủ tịch Intracom

“Tôi có đầu tư 1 DN đặt tại Singapore, họ nói với tôi rằng chỉ cần giải thích cho cổ đông chứ không cần quan tâm đến hóa đơn tài chính. Tôi thấy rằng, DN Việt Nam đang rất vất vả với hóa đơn và các loại giấy tờ”, ông Việt nói.

Giáo sư, TSKH Nguyễn Mại nhận định Dự thảo Luật Đầu tư tuy có danh mục các ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư nhưng chưa quy định rõ ràng mức độ ưu đãi cần thiết.

Ông Mại đề xuất Bộ Kế hoạch lưu hai vấn đề quan trọng: Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang bắt đầu thực hiện ở nước ta, có nhiều vấn đề mới nảy sinh mà chưa có pháp luật điều chỉnh, điển hình là Grab và Uber, Fintech, AI, một số ngành nghề của không tồn tại, một số ngành nghề mới xuất hiện.

Do đó cần có cách tiếp cận thích hợp để không lấy luật pháp hiện hành điều chỉnh hành vi mới và không căn cứ vào luật pháp hiện hành để xử lý theo hướng “ vi phạm luật pháp” vì cả hai đều cản trở việc thực hiện theo hướng đổi mới, sáng tạo.

Ngành mới cần có Nghị định đi trước Luật

Cách tiếp cận khoa học là “cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo”.

Theo ông Mại, với những ngành nghề kinh doanh mới khi chưa có luật thì Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ ban hành Nghị định để điều chỉnh các hành vi mới vừa du nhập vào nước ta nhằm không tạo ra khoảng trống pháp lý, đồng thời từ thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế để xây dựng luật pháp.

GS, TS Nguyễn Mại, chuyên gia kinh tế

Giáo sư Nguyễn Mại cho rằng cần có các biện pháp bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, bởi đây là yếu tố quan trọng trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài.

"Điều khoản về bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật đã được quy định tại Điều 13 của Luật Đầu tư, tuy nhiên, quy định này mới chỉ dừng lại ở sự thay đổi văn bản pháp luật về ưu đãi đầu tư; trong khi nhà đầu tư đòi hỏi nhiều hơn thế, bao gồm: bảo đảm quyền sở hữu tài sản, bảo đảm chuyển tài sản và lợi nhuận hợp pháp của nhà đầu tư ra nước ngoài, bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật, bảo đảm đầu tư đối với hợạt động đầu tư kinh doanh", Giáo sư Nguyễn Mại nói.

Ông cũng nhấn mạnh cần có một chương trình "Bảo đảm đầu tư" để quy định đầy đủ các nội dung có liên quan đến quyền lợi nhàn đầu tư, gồm Bảo đảm quyền sở hữu tài sản; Bảo đảm chuyển tài sản, lợi nhuận hợp pháp của nhà đầu tư ra nước ngoài; Bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật và Bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư trong hoạt động đầu tư kinh doanh.

An Linh

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *