Thời sự 15/11/2013 14:30

Nhiều ngân hàng lại nói không với... cổ tức

Nợ xấu tăng, trích lập dự phòng nhiều khiến lợi nhuận của ngân hàng giảm mạnh. Năm nay, không chỉ nhà băng nhỏ mà cả nhà băng lớn lại "suy tư" cho lý do hoãn... cổ tức.

Khó khăn, ngân hàng "hết" cổ tức.

Nhà băng nhỏ hết cổ tức

Navibank là một điển hình khi trong 2 năm qua, nhà băng này không có khả năng chi trả cổ tức cho các cổ đông và tình trạng này gần như chắc chắn sẽ lặp lại trong năm nay do lợi nhuận giảm mạnh. 9 tháng đầu năm 2013, lợi nhuận sau thuế của Navibank giảm đến 90% so với cùng kỳ, chỉ đạt 10 tỷ đồng, nợ xấu tăng lên 8,7%. Với kết quả này, cổ đông Navibank rất khó để kỳ vọng cổ tức năm nay.

Tương tự, với một số nhà băng khác đang trong quá trình tái cơ cấu như: PGBank, SCB, PVcomBank hay VNCB… cũng rất khó có thể chi trả cổ tức cho cổ đông, bởi nguồn lợi nhuận chủ yếu được dành phục vụ quá trình tái cơ cấu đang triển khai.

Không đến mức không có cổ tức, nhưng một số nhà băng cũng khó hoàn thành kế hoạch cổ tức, mặc dù chỉ tiêu đưa ra cũng không phải quá cao.

Năm 2013, Southern Bank dự kiến chi trả cổ tức ở mức 8%. Tuy nhiên, lợi nhuận trong quý III của nhà băng này giảm đến 71%, kéo lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 226 tỷ đồng, bằng 40% kế hoạch cả năm là 560 tỷ đồng. Lợi nhuận giảm sẽ là lý do để Southern Bank giảm tỷ lệ cổ tức. Thực tế, năm 2012, cổ đông của Southern Bank cũng chỉ nhận được cổ tức 2,1% thay vì 10% như kế hoạch, với lý do lợi nhuận giảm mạnh.

Một trong những nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng cắt giảm cổ tức là phải trích lập dự phòng, do nợ xấu tăng cao. Chủ tịch HĐQT một ngân hàng tại TP. HCM cho biết, với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng, nếu không trích lập dự phòng, ngân hàng có khả năng hoàn thành. Tuy nhiên, để hoạt động được an toàn, Ngân hàng buộc phải trích dự phòng nợ xấu.

“Tôi nghĩ rằng, trong bối cảnh hiện nay, các cổ đông cũng sẽ thông cảm, vì tính an toàn phải được đặt lên trên hết”, vị Chủ tịch HĐQT trên nói.

 

Cổ tức nhà băng lớn giảm

Với các nhà băng nhỏ đã vậy, nhưng đối với các ngân hàng có lợi nhuận tốt hơn, như: Eximbank, ACB hay Sacombank… tỷ lệ cổ tức cũng có chiều hướng giảm dần.

Eximbank vừa thông qua kế hoạch mua lại 62 triệu cổ phiếu quỹ bằng nguồn thặng dư và lợi nhuận sau thuế của năm 2013. Với kế hoạch mua cổ phiếu quỹ này, nhiều khả năng, tỷ lệ cổ tức của Eximbank sẽ thay đổi so với kế hoạch dự kiến ban đầu là 12%.

Chia sẻ với ĐTCK về kế hoạch này, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank cho rằng, thay vì chia hết lợi nhuận cho các cổ đông, HĐQT Ngân hàng quyết định mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, một mặt làm tăng giá trị cho cổ phiếu, mặt khác để kiếm thặng dư khi chứng khoán khởi sắc. Như vậy, cổ đông sẽ được lợi nhiều hơn.

Năm 2013, Eximbank đặt kế hoạch 3.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, song trước bối cảnh thị trường khó khăn chung ảnh hưởng đến tín dụng, Chủ tịch HĐQT Eximbank cho biết, khả năng chỉ có thể đạt 50% kế hoạch năm. Vì thế, tỷ lệ cổ tức năm nay cũng đang được HĐQT nhà băng này cân nhắc.

Hồi tháng 5, ACB chi trả cổ tức năm 2012 với tỷ lệ 6,85%, tương đương khoản chi trên 640 tỷ đồng. Năm 2013, với kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 1.800 tỷ đồng, song ACB lại để ngỏ chỉ tiêu cổ tức.

Tương tự, với Sacombank, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng đã thực hiện chi trả cổ tức của năm 2011 ở mức 14% bằng cổ phiếu và 6% cổ tức bằng tiền mặt của năm 2012 (thay vì mức kế hoạch năm 2012 là 12 - 14%, do phải trích lập dự phòng cho SBS lên tới hơn 1.000 tỷ đồng). Sacombank dự kiến chia cổ tức năm 2013 ở mức 9 - 10%.

9 tháng đầu năm, Sacombank đạt hơn 2.200 tỷ đồng lợi nhuận, so với chỉ tiêu 2.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu vẫn phải trích lập dự phòng cho SBS, theo ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch HĐQT Sacombank, khoản trích lập này vào khoảng 122 tỷ đồng, liệu kế hoạch cổ tức năm nay của Sacombank có thực hiện được hay không vẫn còn ở thì tương lai.

“Các cổ đông, nhất là với cổ đông ngành ngân hàng, cần có sự chia sẻ và đồng hành cùng DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay”, lãnh đạo Sacombank chia sẻ.

Tuy nhiên, theo một lãnh đạo ngành chứng khoán, cổ tức được coi như một nguồn thu nhập của nhà đầu tư bên cạnh thu nhập từ việc tăng giá cổ phiếu, nhất là khi TTCK chưa có dấu hiệu khởi sắc. Vì vậy, dù chính sách của các ngân hàng ưu tiên xử lý nợ xấu là hợp lý, nhưng việc không có cổ tức vẫn là thiệt hại lớn đối với cổ đông, nhất là các cổ đông nhỏ, lẻ.  

Theo Thùy Vinh
ĐTCK

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *