Thời sự 15/11/2013 20:16

Ngân hàng “chết đuối” với tài sản bảo đảm

Tài sản bảo đảm là “phao cứu sinh” của ngân hàng khi khách hàng mất khả năng trả nợ. Tuy nhiên, hiện nhiều nhà băng bị "chết đuối" bởi chiếc phao này.

Thực tế, khi khách hàng chây ỳ trả nợ, không chịu phối hợp xử lý tài sản bảo đảm, ngân hàng chỉ có cách kiện ra tòa. Phải trải qua vài ba năm, qua rất nhiều cấp xét xử như sơ thẩm, phúc thẩm, có khi lại giám đốc thẩm để xử lại từ sơ thẩm…, ngân hàng mới nhận được một bản án, quyết định có hiệu lực làm căn cứ yêu cầu thi hành án.

Thậm chí, những vụ án cá biệt có thể kéo dài 5 - 7 năm. Giai đoạn thi hành án để xử lý tài sản bảo đảm cũng phức tạp không kém. Chưa kể, việc xử lý còn phức tạp hơn khi các cơ quan tài phán còn có những nhận thức không nhất quán trong một số vấn đề liên quan.

Hiện ngành ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm chủ yếu dựa vào Nghị định 163/2006/NĐ-CP quy định về giao dịch bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm.

Theo đó, có 3 tình huống có thể xảy ra, thứ nhất là ngân hàng phối hợp với khách hàng để bán, tức là khách hàng tự nguyện bán tài sản; thứ hai khi khách hàng không phối hợp, ngân hàng có thể tự đứng ra bán tài sản và thứ ba là nhận tài sản đó để thay thế nghĩa vụ trả nợ của khách hàng.

Tuy nhiên, cả 3 tình huống trên đều phát sinh khó khăn cho ngân hàng.

Nguyên nhân dẫn đến nút thắt lớn trên chỉ đơn giản là do thiếu… một văn bản hướng dẫn thủ tục hành chính. Đã vài năm nay, các cơ quan quản lý như ngân hàng, tư pháp, công an, tài nguyên môi trường, xây dựng… vẫn chưa thể ban hành Thông tư liên tịch để hướng dẫn thủ tục hành chính nhằm đảm bảo ngân hàng có thể xử lý nhanh chóng tài sản bảo đảm.

Thiếu đi hướng dẫn này, ngân hàng không thể tự mình bán tài sản bảo đảm, ngay cả việc nhận tài sản bảo đảm đó để thay thế nghĩa vụ trả nợ cũng khó khăn, bởi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người bán phải là người có quyền sở hữu tài sản đó.

 

Ngân hàng bó tay bởi theo quy định của Bộ luật Dân sự,

người bán tài sản phải là người có quyền sở hữu tài sản đó.

 

“Ở đây phải thấy rằng, việc dùng bất động sản để bảo đảm cho nợ vay là có thật, tự nguyện, được công chứng ghi nhận. Do đó, khi không trả được nợ thì ngân hàng phải có quyền bán, nhận tài sản đó để thu hồi nợ, thay vì phải theo đuổi các vụ kiện đằng đẵng vài năm”, Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico nói.

Ở góc độ khác, tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 đang diễn ra, khi cho ý kiến về Dự án Luật Công chứng (sửa đổi), nhiều đại biểu đã nhấn mạnh việc đề cao giá trị pháp lý của văn bản đã công chứng.

Theo quy định tại Điều 6 Dự thảo Luật, hợp đồng, giao kết được công chứng có giá trị bắt buộc thực hiện với các bên, nếu một bên không thực hiện thì bên còn lại có quyền đề nghị Tòa án giải quyết. Đồng thời, Điều 6 cũng quy định, văn bản công chứng có giá trị chứng cứ và các tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh.

Được biết, khi nghiên cứu, xây dựng Dự thảo luật, cơ quan soạn thảo quy định theo hướng, khi đã thỏa thuận, giao kết có công chứng mà không thực hiện thì bên còn lại có quyền đề nghị cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành việc đã giao kết, trừ một số trường hợp tranh chấp mà Tòa án đã thụ lý. Tuy nhiên, sau đó, Dự thảo trình Quốc hội đã bỏ quy định này.

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc, xem xét và quy định theo hướng trên, bởi nó làm giảm gánh nặng cho tòa án các cấp trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng và phù hợp với thông lệ quốc tế. Chưa kể việc xử lý tài sản bảo đảm của các ngân hàng sẽ nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Có đại biểu đã nêu trường hợp thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng, người vay không có khả năng trả nợ và không có tranh chấp về nội dung hợp đồng tín dụng, mà chỉ là không hợp tác khi xử lý tài sản bảo đảm. Do đó, ngân hàng vẫn phải khởi kiện để giải quyết, do hiện nay không có cơ chế để giải quyết việc này.

Theo đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ), về cơ sở pháp lý, nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận đã được quy định trong Bộ luật Dân sự và văn bản liên quan, theo đó, cam kết thỏa thuận hợp pháp có hiệu lực với các bên và phải được tôn trọng.

Tuy nhiên, Luật sư Trần Minh Hải e ngại quy định như trên vô hình trung “thần thánh hóa” vai trò của cơ quan công chứng và có thể phát sinh nhiều bất cập, nhất là trong trường hợp công chứng viên mắc lỗi, làm sai quy định dẫn đến việc công chứng không đúng.

“Điều quan trọng nhất trong việc giúp các ngân hàng xử lý nhanh chóng, hiệu quả các tài sản bảo đảm là sớm có văn bản hướng dẫn thủ tục hành chính, đưa ra cơ sở pháp lý, thừa nhận hợp đồng tín dụng là căn cứ pháp lý xử lý tài sản bảo đảm”, ông Hải nói.     

Theo Hoàng Duy
ĐTCK

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *