Thời sự 30/11/2014 13:19

Ngân hàng vào "cuộc đua" giải ngân cuối năm

Tăng trưởng tín dụng đang bước vào giai đoạn “nóng” nhất trong năm với đích đến của kế hoạch năm 2014 đang cận kề

Chính vì thế, nhiều ngân hàng thương mại đã liên tục đưa ra các gói tín dụng ưu đãi cũng như thực hiện giảm lãi suất cho vay. Dự báo, mức tăng tín dụng của toàn ngành năm nay ước đạt 13%.

 

Giá vốn của các ngân hàng thời điểm này được xem đã về mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, để nguồn vốn giá hợp lý đến được nhiều hơn nữa tới khách hàng, không ít ngân hàng đã tiếp tục hạ lãi suất huy động để làm tiền đề giảm lãi suất cho vay. Đơn cử như tại VietinBank, từ ngày 27/11/2014, trần lãi suất huy động VND kỳ hạn 12 đến 36 tháng đối với khách hàng cá nhân đã được giảm xuống mức cao nhất là 6%.

 

Theo lãnh đạo ngân hàng, động thái này nhằm thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế, tạo điều kiện hạ thấp lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp cũng như hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí vốn, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là những tháng cuối năm 2014 khi nhu cầu tín dụng của thị trường tăng cao.

 

Cùng với việc hạ lãi suất huy động, VietinBank còn đang triển khai nhiều gói tín dụng ngắn hạn ưu đãi lãi suất với doanh nghiệp. Từ đầu năm 2014 đến nay, VietinBank đã có 12 gói cho vay trị giá gần 230.000 tỷ đồng với số dư bình quân thời điểm lên đến trên 80.000 tỷ đồng, lãi suất các chương trình thấp nhất 5%, dành cho các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

 

Trước đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã  giảm trần lãi suất cho vay bằng VND từ 8%/năm xuống 7%/năm, áp dụng đối với các đối tượng: hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, DN phát triển sản xuất chăn nuôi, giết mổ để cấp đông, chế biến thịt lợn, thịt gia cầm, nuôi và chế biến cá tra, tôm xuất khẩu.

 

Tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK), một gói tín dụng với lãi suất thấp cũng đã được đưa ra dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Theo đó, SMEFPIII là chương trình cho vay được ABBANK phối hợp với Ban Quản lý các dự án tín dụng quốc tế –Ngân hàng Nhà nước và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nhằm hỗ trợ nguồn vốn trung dài hạn với lãi suất ưu đãi cho các SME để đầu tư mới hoặc mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 

ABBANK đã áp dụng mức lãi suất ưu đãi giảm tới 4%/năm so với lãi suất cho vay hiện hành, và thời hạn cho vay tối đa lên tới 10 năm, ân hạn tối đa 2 năm dành cho các SME. Một lãnh đạo ngân hàng cho biết: Doanh nghiệp SME là đối tượng khách hàng trọng tâm, hiện chiếm tỷ trọng  95% trong tổng số khách hàng doanh nghiệp tại ABBANK. Ngân hàng đang đẩy mạnh cung cấp thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ đặc biệt dành cho SME như : Tiền gửi, tiền vay, quản lý tiền tệ, thanh toán quốc tế, bảo lãnh…nhằm hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng.

 

Ngân hàng Phương Đông (OCB) thì thực hiện gói tín dụng cho khách hàng cá nhân từ nay đến hết năm 2014 với tiêu chí “vay nhanh và rẻ”. Cụ thể vay từ 12 tháng trở xuống lãi suất 10,5%/năm; từ trên 12 tháng đến 24 tháng, cố định lãi suất năm thứ nhất 9,5%/năm; Vay từ trên 24 tháng trở lên, cố định lãi suất năm thứ nhất 9%/năm và từ 48 tháng trở lên khách hàng có thêm một chọn lựa đó là lãi suất cố định 9,99% trong suốt ba năm (36 tháng) đầu.

 

Dự báo tình hình tăng trưởng tín dụng hai tháng cuối năm nay, ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc OCB cho rằng, tín dụng sẽ có mức tăng trưởng tốt. Ông Long phân tích, có nhiều yếu tố tích cực tác động đến việc tăng tín dụng như thị trường bất động sản ấm lên khi các chính sách thông thoáng và dần được nới lỏng.

 

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát tốt hoạt động của thị trường vàng và ngoại tệ nên sẽ khó có chuyện dòng tiền chảy qua các lĩnh vực khác của giới đầu cơ. Đặc biệt, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp đã có chiều hướng khởi sắc hơn, nhu cầu vốn những tháng cuối năm sẽ tăng mạnh trong khi giá vốn đang khá rẻ.

 

Đồng quan điểm này, ông Rahn Wood - Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ, Ngân hàng Quốc tế  (VIB) chia sẻ: Nền kinh tế đang có dấu hiệu tích cực và tín dụng của các ngân hàng đang tăng. Cụ thể như tại VIB, gói tín dụng trị giá 2.000 tỷ đồng với lãi suất 0,68%/tháng và được giữ nguyên trong 30 tháng dành cho khách hàng vay mua nhà và tiêu dùng cá nhân đang giải ngân rất tốt. Chỉ sau hơn nửa tháng triển khai, doanh số giải ngân đã lên tới 400 tỷ đồng. Đây là một minh chứng cho tính thực tiễn và hiệu quả của gói vốn này và phản ánh được nhu cầu thị trường hiện nay.

 

Theo Duy Minh

Báo Công Thương

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *