Thời sự 26/11/2013 11:15

Ngân hàng Trung ương "quên" quyền năng lớn nhất

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, ở các nước, nhiệm vụ quan trọng nhất của NHTW là điều tiết lưu lượng tiền và quyền hạn lớn nhất là định đoạt lãi suất hợp lý để nền kinh tế phát triển ổn định. Thế nhưng, ở nước ta, quyền hạn lớn nhất này lại chưa được NHTW thực hiện.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành.

 

Nếu nói, nhiệm vụ quan trọng nhất của NHTW là điều tiết lưu lượng tiền cho nền kinh tế, thì quyền hạn lớn nhất đi kèm của NHTW là gì, thưa ông ?

Quyền hạn lớn nhất của NHTW là được in, phát hành tiền và được định đoạt lãi suất thị trường thông qua xác lập lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn cho các NHTM.

NHTW các nước trên thế giới đều sử dụng công cụ lãi suất cơ bản để điều hành lãi suất thị trường.

Đơn cử, trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, khi hệ thống ngân hàng đóng băng, NHTW Nhật Bản muốn cho các DN vay với lãi suất 1-2%/năm, vì vậy đã áp dụng lãi suất tái cấp vốn cho các NHTM là 0,1% đến 0,5%/năm.

Các NHTM không cần huy động vốn trong dân mà có thể đến NHNN vay tái cấp vốn là có tiền cho DN vay. Còn người dân có tiền nhàn rỗi cũng chỉ được hưởng lãi suất tiết kiệm không quá 0,5%/năm.

Hay như tại Mỹ, để DN vay vốn với lãi suất 1% đến 2%, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0,0%-0,1%. Người dân gửi tiết kiệm cũng chỉ được hưởng lãi suất 0,3-0,5%/năm tùy theo thời hạn gửi tiền.

Dĩ nhiên, không phải lĩnh vực nào cũng được tái chiết khấu, nói cách khác, chỉ những lĩnh vực cho vay sản xuất - kinh doanh mới được tái chiết khấu, tái cấp vốn. Còn những lĩnh vực khác, ví dụ như vay tiêu dùng qua thẻ sẽ không được tái cấp vốn, người vay vẫn phải chịu lãi suất trên 10%/năm.

Với công cụ lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, bằng nguồn tiền vô hạn của mình, NHTW hoàn toàn có thể xác lập được mức lãi suất cho vay trên thị trường. Đáng tiếc, ở Việt Nam, NHTW chưa làm như vậy, dù Luật NHNN 2010 cho phép NHNN có quyền cho các NHTM vay tái cấp vốn, tái chiết khấu… và định đoạt các loại lãi suất.

Hiện các NHTM chủ yếu cho vay từ nguồn tiền huy động trong dân chứ không phải từ nguồn tiền chiết khấu hay tái cấp vốn của NHNN.

Nhưng nếu NHNN ồ ạt bơm vốn giá rẻ qua kênh tái chiết khấu, tái cấp vốn, liệu lạm phát có quay trở lại, thưa ông?

Đây cũng chính là lo ngại của NHNN và Chính phủ. Nhưng đây là lo lắng không có cơ sở. Không có ai bắt NHTW tái cấp vốn ồ ạt. Đầu tiên, NHTW phải xác định với mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm, liều lượng tiền cần bao nhiêu là đủ, trên cơ sở đó để bơm tiền ra.

Tiếp đó, phải quản lý được dòng tiền, đảm bảo tiền đi vào sản xuất, kinh doanh chứ không phải các lĩnh vực đầu cơ. Chỉ tín dụng sản xuất kinh doanh mới được tái cấp vốn. Nếu kiểm soát được luồng tiền, bơm tiền đúng lưu lượng, sẽ không có khả năng gây lạm phát.

Ngoài ra, mỗi năm, NHNH đã khống chế tốc độ tăng trưởng tín dụng, vậy làm sao có thể gây lạm phát được? Vấn đề là phải kiểm soát luồng tiền giải ngân cho tốt.

Vấn đề khó khăn hiện nay là hệ thống ngân hàng Việt Nam hoạt động không có quy củ. Nói cách khác, đó không phải là hệ thống ngân hàng mà là hệ thống cầm đồ, cho vay dựa vào tài sản thế chấp chứ không theo dự án. Nhiều ngân hàng giải ngân mà không biết dòng tiền được sử dụng vào mục đích gì. Trong khi đó, ở các nước tiên tiến, vốn giải ngân đến đâu ngân hàng giám sát đến đó, DN phải xuất trình hóa đơn, hợp đồng thì ngân hàng mới rót vốn. Chính vì hệ thống NHTM hoạt động không quy củ, không giám sát được dòng tiền nên NHNN cũng khó biết tiền đi đâu.

Chưa giám sát được dòng tiền có lẽ là lý do chính khiến NHNN chưa dám bơm tiền qua kênh tái cấp vốn?

Chưa dám làm nhưng rồi sẽ phải làm, vừa làm vừa chỉnh đốn hệ thống. Nhưng để làm được, trước hết, NHTW phải biết rõ quyền hạn, trách nhiệm của mình và phải xây dựng lộ trình triển khai.

Nếu không thực hiện được quyền hạn này, NHNN không phải là NHTW. Hơn nữa, trong Luật đã cho phép, nếu tôi là Thống đốc, tôi sẽ thực hiện ngày quyền hạn đó.

Nhưng thực tế, hình như quyền hạn này đã được NHNN thực hiện. Cụ thể, hai năm qua, NHNN đã liên tiếp hạ sâu trần lãi suất?

Nhớ lại thời kỳ năm 2008, lãi suất huy động được các NHTM đẩy lên 17-18%/năm, đẩy lãi suất cho vay lên trên 20%/năm, không DN nào chịu được. Ban đầu, NHNN phạt một số NHTM, sau đó yêu cầu NHTM cam kết đồng thuận nhưng vẫn không thể kiểm soát được. Vai trò của NHTW là xác lập lãi suất hợp lý cho nền kinh tế phát triển, nhưng vai trò của NHTW thời điểm đó ở đâu?

Từ năm 2012 đến nay, lãi suất huy động giảm mạnh, nhưng không hẳn do chính sách điều hành của NHNN, mà do lãi suất cao trước đây đã khiến nền kinh tế lụn bại, không ai còn dám vay nữa, khiến lãi suất tự nhiên phải giảm xuống.

Vậy trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, để thực hiện chức năng là NHTW, theo ông, NHNN phải làm gì đối với vấn đề lãi suất?

Hiện nay, mức lãi suất cho vay mà DN có thể chấp nhận là 9%/năm, vậy tại sao NHNN không « quyết » lãi suất cơ bản là 6%? Còn nếu muốn áp dụng mức lãi suất tối ưu cho nền kinh tế phát triển ổn định là 6% thì NHTW nên đưa lãi suất cơ bản xuống 4% và triệt để áp dụng Bộ luật Dân sự về xử phạt vi phạm trần lãi suất cho vay.

Nhưng nếu lãi suất huy động quá thấp, có xảy ra tình trạng người dân không gửi tiền, ngân hàng thiếu thanh khoản, không có tiền cho DN vay?

Đó là những lo lắng sách vở. Thứ nhất, như tôi đã nói, pháp luật cho phép NHTW quyền lực rất lớn là phát hành tiền, tức NHNN có trong tay nguồn tiền vô hạn, không sợ không huy động được vốn. Dĩ nhiên, không phải phát hành tiền bừa bãi mà NHTW phải điều tiết lưu lương tiền không để xảy ra tình trạng nền kinh tế bị "ngập vốn"; khi thị trường có dấu hiệu phát triển nóng, NHTW phải ngay lập tức sử dụng công cụ OMO để hút tiền về để chặn nguy cơ lạm phát.

Thứ hai, với người dân có tiền nhàn rỗi, không gửi tiền vào ngân hàng họ sẽ làm gì ? Nếu họ có thể đầu tư, sản xuất kinh doanh kiếm được lợi nhuận hơn 6%/năm thì ta nên khuyến khích. Còn nếu không, chẳng lẽ họ mang tiền về để cất trong hũ ? Hay mua vàng ? Nếu vậy thì người bán vàng làm gì với số tiền thu vào? Ho lại sẽ phải gửi vào ngân hàng. Thực tế ở nhiều nước, dù lãi suất huy động rất thấp, người dân vẫn mang tiền gửi vào ngân hàng.

Thứ ba, nếu nói rằng, áp dụng lãi suất huy động cao là để bảo vệ người gửi tiền, vậy nếu nền kinh tế « chết » vì lãi suất cao, DN phá sản, hàng triệu người lao động không có việc làm thì ai cứu?

Trên thực tế, việc bơm vốn rẻ ra cho thị trường chưa hẳn đã hiệu quả. Bài học về gói hỗ trợ lãi suất 4% năm 2009 là một ví dụ điển hình, thưa ông?

Đầu năm 2008, tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng là trên 30%, và tổng dư nợ (tương ứng với) gần 1,5 triệu nghìn tỷ đồng. Thế nhưng, hai gói hỗ trợ lãi suất 4% (Nhà nước trả giúp DN 4% lãi suất) đã đẩy ra thị trường gần 1 triệu nghìn tỷ đồng mà lại không quản được dòng tiền đi đâu.

Nhiều DN đủ điều kiện được vay hỗ trợ lãi suất đã cho DN khác vay lại để ăn chênh lệch lãi suất, những DN vay lại không đầu tư vào sản xuất kinh doanh mà « nướng » vào bất động sản, chứng khoán, khiến tín dụng tăng đột biến. Trong trường hợp này, chính sách tiền tệ đã tự dẫm vào chân mình.

Lẽ ra, trong trường hợp đó, nếu muốn DN được vay lãi suất 6%/năm, NHTW đưa ra lãi suất tái cấp vốn 3%- 4%, NHTM đến vay và cho DN vay lại (DN) với lãi suất 6%/năm. Với cách đó, ngân sách không những không phải trả 4% lãi suất cho các NHTM còn có thể thu được 3%-4%lãi suất từ các ngân NHTM. Tất nhiên, cùng với bơm vốn, phải giám sát được dòng tiền.

Thưa ông, trong điều kiện hiện nay, vấn đề lãi suất hiện không còn là nỗi bức xúc nữa, thay vào đó là nỗi lo tổng cầu đang sụt giảm nghiêm trọng. Giải pháp lãi suất thời điểm này liệu có phát huy hiệu quả?

Nói như vậy là không nhìn thấy bản chất vấn đề. Đúng, hiện nay tổng cầu sụt giảm, và giải pháp được nhà nước đề xuất hiện nay là tăng đầu tư công. Thế nhưng, hàng trăm ngàn tỷ đồng đầu tư công, sức lan tỏa sẽ được bao nhiêu?


Cái gốc của tăng tổng cầu là người lao động phải có việc làm, có thu nhập, tức DN phải hoạt động. Muốn vậy, phải tạo điều kiện tối đa về lãi suất, tín dụng để DN phục hồi và hoạt động hiệu quả.

Môi trường kinh doanh, chính sách tiền tệ tốt sẽ giúp DN sản xuất - kinh doanh tốt, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tăng tiêu dùng trên nhiều lĩnh vực, đưa đến tăng tổng cầu.

Theo Thùy Liên
Đầu tư

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *