Thời sự 21/05/2014 15:14

Ngân hàng tăng vốn điều lệ: Trống giong, cờ chưa mở

Đều công bố kế hoạch tăng vốn nhưng hàng loạt ngân hàng (NH) hoặc từ bỏ hoặc phải gia hạn cho kế hoạch đầy khó khăn này.

Hàng loạt NH đều cho biết sẽ tăng vốn điều lệ. Đơn cử, VietA Bank, NamA Bank, SaigonBank và OCB... có kế hoạch nâng vốn điều lên 4.000 tỷ đồng trong năm nay. Không những thế, với các NH lớn có vốn trên 10.000 tỷ đồng như Sacombank cũng vẫn muốn tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng trước khi sáp nhập thêm ngân hàng Southern Bank.

 

Vốn điều lệ Sacombank dự kiến tăng lên 13.483 tỷ đồng vào cuối 2014. Sacombank lý giải, sở dĩ phải tăng thêm vốn trong năm nay là do kế hoạch tăng vốn năm 2013 chưa được thực hiện đầy đủ. Với những NH quy mô vốn còn kiêm tốn thì yêu cầu tăng thêm vốn điều lệ càng bức thiết để tránh sáp nhập. Còn với NH lớn muốn tăng vốn để nâng cao năng lực cạnh tranh...

 

Tuy nhiên, đến thời điểm này, lãnh đạo nhiều NH lớn nhỏ đều nói rằng rất khó để thực hiện mục tiêu tăng vốn. Chẳng hạn, HĐQT DongA Bank đã lập hồ sơ xin tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng theo đúng quy định gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và đã thông báo để các cổ đông đăng ký và nộp tiền mua cổ phần.

Tuy nhiên, đến ngày 17/12/2013 (ngày văn bản cho tăng vốn của NHNN hết hiệu lực), tổng số tiền cổ đông đã nộp và cam kết sẽ nộp chưa đủ. Do chuẩn bị nguồn tiền chưa kịp nên cổ đông đã đề nghị HĐQT Dong A Bank cho gia hạn thời gian nộp tiền mua cổ phiếu, với khoảng 700 tỷ đồng.

 

Trong đó, tổng số đã nộp đạt gần 90 tỷ đồng và cam kết sẽ nộp khoảng 610 tỷ đồng. Theo lý giải của HĐQT DongA Bank "năm 2013, nền kinh tế nói chung và ngành tài chính nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy, việc mời gọi cổ đông tham gia góp vốn mua cổ phần gặp rất nhiều khó khăn nên chưa thể hoàn thành".

 

Trường hợp khác là Eximbank cũng không thể hoàn tất kế hoạch tăng vốn điều lệ, cho dù là nguồn vốn để phát hành từ việc chia cổ phiếu thưởng và chi trả cổ tức. Cụ thể, theo nghị quyết ĐHCĐ năm 2013, Eximbank sẽ phát hành trên 756 tỷ đồng để tăng vốn lên trên 13.111 tỷ đồng vào cuối năm 2013.

 

Kế hoạch tăng vốn điều lệ của các NH

 

 

Tỷ lệ cổ phiếu phát hành tăng thêm trên số cổ phần hiện hữu là 6,12%. Nguồn phát hành cổ phiếu từ việc chia cổ tức từ lợi nhuận trong năm 2013. Theo kế hoạch kinh doanh 2013, Eximbank dự kiến chia cổ tức 12% cho cổ đông. Trong đó, 6,12% sẽ chia bằng cổ phiếu để tăng vốn theo kế hoạch trên, 5,88% sẽ được chi trả bằng tiền mặt. Nhưng đến nay, khi năm tài chính 2013 đã đi qua, Eximbank vẫn chưa triển khai được kế hoạch tăng thêm vốn.

 

Theo đánh giá của chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để nâng cao năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để thực thi được kế hoạch này là hoàn toàn không dễ.

 

Vì giá cổ phiếu giảm, việc phát hành khó có thể mang lại hiệu quả cao, trong khi áp lực sáp nhập, hợp nhất giữa các NH nhỏ ngày càng nóng nên không dễ thu hút nhà đầu tư tham gia. Song ông Nghĩa cho rằng, tăng vốn cũng sẽ kéo theo áp lực.

 

Đó là chưa kể giá cổ phiếu của các NH chưa niêm yết đang thấp dưới mệnh giá, nên phát hành cổ phiếu để huy động vốn xem ra không nhiều triển vọng. Đồng thời, việc tăng vốn từ nguồn thặng dư, phát hành cổ phiếu thưởng, chi trả cổ tức cho cổ đông... cũng không thể thực hiện.

 

Việc có nhiều NH phải sáp nhập hiện nay cũng xuất phát từ lý do trước đây NHNN đã cấp phép thành lập quá nhiều. Cộng với áp lực tăng vốn tại Nghị định 141 của Chính phủ đã tạo ra sở hữu chéo giữa các NH bằng vốn ảo. Thực tế, trước đây nếu không có quy định tăng vốn pháp định và không chuyển đổi NH nông thôn lên thành thị thì có thể sẽ không có nhiều NH phải sáp nhập như ngày hôm nay.

 

Bởi nếu với mô hình NH nông thôn, hoạt động nhỏ lẻ thì không cần phải tăng vốn điều lệ cao, trên mức 3.000 tỷ đồng. Vì thế, một NH chỉ cần vốn khoảng 1.000 tỷ đồng như NH Mỹ Xuyên trước đây khi chưa chuyển đổi thành NH MeKong Bank thì sẽ không phải sáp nhập như ngày hôm nay.

 

Tuy nhiên, sau khi Nghị định 141 ra đời, không phải NH nào cũng đáp ứng được nhu cầu tăng vốn pháp định theo quy định nên đã gia hạn một thời gian. Nhưng cũng chính việc gia hạn này đã làm gia tăng sở hữu chéo trong hệ thống NH và không loại trừ một số cổ đông đã góp vốn ảo để đáp ứng được nhu cầu trên. Hệ lụy là kéo theo khó khăn cho cả hệ thống NH hôm nay.

 
 
Theo Linh Chi
Doanh nhân Sài Gòn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *