Thời sự 12/04/2014 06:44

Ngân hàng sẽ không được cho cổ đông lớn vay nhiều như vụ bầu Kiên

FICA - Các ngân hàng sẽ không được cho cổ đông lớn, cổ đông sáng lập vay quá 5% vốn điều lệ và không được cho vay để đầu tư cổ phiếu.

Ông Kiên và các bên liên quan đã vay trực tiếp và gián tiếp khoảng 8.625 tỷ đồng từ ACB

Bản tin của Công ty cổ phần chứng khoán TPHCM (HSC) cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện đang soạn thảo một thông tư mới thay thế Thông tư 13, theo đó thắt chặt các yêu cầu về hệ số an toàn tài chính, bao gồm có yêu cầu chặt chẽ hơn về hệ số an toàn vốn, giới hạn cấp tín dụng, hệ số khả năng thanh toán và hệ số cho vay/tổng tiền gửi.

Những quy định mới khắt khe hơn nhiều so với thông tư cũ và có vẻ như văn bản được soạn thảo nhằm tạo điều kiện cho giai đoạn 2 của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của NHNN với mục tiêu tái cơ cấu thêm 6-7 ngân hàng nữa. Tất nhiên là những điều này vẫn có thể thay đổi trong phiên bản cuối cùng, tuy nhiên NHNN đã thể hiện được sự quyết tâm trong dự thảo này sau khi cho phép trì hoãn một số điều khoản trong Thông tư 02.

Về giới hạn và hạn chế cấp tín dụng với một số đối tượng, thông tư mới sẽ quy định khắt khe hơn. Cụ thể, tất cả các tổ chức tín dụng (TCTD) phải báo cáo cho Đại hội cổ đông những khoản tín dụng cấp cho tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên, thanh tra viên, kế toán trưởng, người sáng lập, cổ đông lớn nắm giữ 5% trở lên, người thẩm định/ phê duyệt tín dụng.

Tổng dư nợ dụng cấp cho thành viên sáng lập/ cổ đông lớn từ 5% trở lên và các bên liên quan không được quá 5% vốn điều lệ của TCTD và không đươc quá phần góp vốn của thành viên sáng lập/ cổ đông lớn (mệnh giá) đầu tư vào TCTD.

Đồng thời, NHNN sẽ định nghĩa rộng hơn đối với người vay và các bên liên quan. Trong một số trường hợp, NHNN có thể quyết định thêm các cá nhân/ tổ chức vào danh sách khách hàng liên quan dựa vào giả định hợp lý.


Các ngân hàng sẽ phải thông báo bất kỳ thay đổi nào trong danh sách thành viên sáng lập hoặc cổ đông lớn sở hữu trên 5%, thành viên HĐQT, thành viên ban kiểm soát và các bên liên quan.

Báo cáo của HSC cho rằng, đây là bài học rút ra từ một vài trường hợp, trong đó có trường hợp của ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) và ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Vào năm 2012, ông Kiên và vợ sở hữu trực tiếp 8% của ACB (tương đương mệnh giá 750 tỷ đồng và giá trị sổ sách 1.009 tỷ đồng). Tuy nhiên, ông Kiên và các bên liên quan đã vay trực tiếp và gián tiếp khoảng 8.625 tỷ đồng.

Ngoài giới hạn cấp tín dụng, thì cổ đông sáng lập, cổ đông lớn (nắm giữ từ 5% trở lên) không được vay vốn đầu tư cổ phiếu. Các thành viên HĐQT, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc và những người liên quan cũng không được vay vốn để mua cổ phiếu.

Các TCTD không được cho vay với các biện pháp đảm bảo nợ vay bằng bất cứ hình thức đảm bảo nào của TCTD khác, đảm bảo bằng cổ phiếu của ngân hàng khác. TCTD cũng không được cho vay mua cổ phiếu của ngân hàng khác và dùng cổ phiếu này làm tài sản đảm bảo nợ vay. Báo cáo của HSC nhận định, quy định này sẽ ảnh hưởng tới cổ phiếu của ngân hàng.

Nếu các tổ chức tín dụng không đáp ứng quy định này, TCTD không được tiếp tục cho vay mua cổ phiếu với các đối tượng nêu trên và gia hạn các khoản nợ vay này. Trong vòng 60 ngày, TCTD phải báo cáo về NHNN giải pháp xử lý để TCTD phải tuân thủ trong vòng 24 tháng.

Tuy nhiên, các khoản cho vay chứng khoán và bất động sản có hệ số rủi ro 150%, giảm so với mức 250% trong Thông tư 13.

Báo cáo nhận định, các quy định mới là nỗ lực để giải quyết việc vay vốn của các cổ đông lớn để đầu tư cổ phiếu mà khá là phổ biến hiện tại. Thời gian để xử lý là tương đối dài để trách gây sốc cho hệ thống. Tuy nhiên, lộ trình thời gian này có thể là thử thách đối với một số trường hợp nhất định tùy thuộc vào quy mô vay vốn đầu tư cổ phiếu.



Lam Thanh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *