Thời sự 26/01/2014 10:28

Ngân hàng nhỏ tìm lối thoát từ M&A

Với năng lực tài chính có hạn, trong năm nay, nhiều ngân hàng nhỏ sẽ lựa chọn giải pháp mua bán - sáp nhập (M&A) để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.

Năng lực tài chính được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Tuy nhiên, để tăng được năng lực tài chính trong bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay là điều không dễ, nhất là với những ngân hàng đang giai đoạn tái cơ cấu. Vì thế, nhiều ngân hàng nhỏ sẽ phải chọn giải pháp M&A.
   
Nhưng trước khi đi đến M&A, các nhà băng cần củng cố nội lực và làm “sạch” nợ xấu để có thể bán được giá, đảm bảo quyền lợi cho cổ đông, nhất là với các cổ đông nhỏ, lẻ.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, quyền Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho rằng, nếu bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài khi giá trị nội tại của SCB đã được nâng lên, thì quyền lợi thu về cho cổ đông sẽ cao hơn.

Do đó, SCB muốn nâng cao giá trị nội tại để nâng giá cổ phiếu trước khi bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Còn nếu bán trong lúc này thì chắc chắn cổ đông trong nước sẽ bị thiệt, vì giá cổ phiếu SCB đang giao dịch ở mức thấp.

Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank, vừa đổi tên thành Ngân hàng Quốc dân) hiện cũng trong giai đoạn tái cơ cấu và từng bước giảm dần tỷ lệ sở hữu cũng như các khoản nợ vay đối với cá nhân ông Đặng Thành Tâm cũng như các công ty do ông Tâm điều hành. Nhưng một trong những khó khăn lớn đối với Navibank trong giai đoạn tái cơ cấu hiện nay là năng lực tài chính hạn chế. Vốn điều lệ của Navibank mới đạt ngưỡng quy định 3.000 tỷ đồng và ngân hàng này đang kỳ vọng thu hút được nguồn vốn từ cổ đông chiến lược trong và ngoài nước.

Nghị định số 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại ngân hàng Việt Nam đã có hướng mở hơn, khi cho phép các ngân hàng cổ phần được bán tối đa 20% cổ phần mà không cần xin ý kiến của Chính phủ. Trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng, Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, với tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng vượt quá giới hạn quy định, tùy từng trường hợp cụ thể.

Như vậy, tỷ lệ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng cổ phần trong nước có thể vượt quá tỷ lệ tối đa cho phép (30%), tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư ngoại nâng tỷ lệ cổ phần sở hữu tại ngân hàng Việt Nam. Về phần mình, các ngân hàng trong nước sẽ thu hút được nguồn vốn lớn để nâng cao năng lực tài chính phục vụ quá trình tái cơ cấu.

GP.Bank được cho là sẽ mở đầu cho chủ trương này khi có kế hoạch bán 100% vốn cho Ngân hàng UOB (Singapore). Tương tự, HDBank đang đàm phán, tìm kiếm đối tác ngoại để bán 30% cổ phần.

Không những thế, một số ngân hàng nhỏ sẽ khó tránh việc sáp nhập, hợp nhất khi áp lực tái cấu trúc gia tăng, nhất là khi Đề án Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng đang gần vào giai đoạn cuối.

Một nguồn tin đáng tin cậy cho biết, khả năng một ngân hàng quy mô nhỏ tại TP.HCM sẽ phải sáp nhập vào một ngân hàng cổ phần lớn để tồn tại, phát triển. Đề án này đang được Ngân hàng Nhà nước xem xét. Dự kiến, thương vụ này sẽ được triển khai trong năm nay.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cũng cho rằng, việc nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phần tại ngân hàng trong nước được xem là động thái tích cực cho các ngân hàng, nhất là những đơn vị đang thực hiện tái cơ cấu. Theo ông Dũng, điều quan trọng hơn đối với các nhà băng đang trong giai đoạn tái cơ cấu là làm thế nào để nâng cao tiềm lực tài chính, vì không đủ tiềm lực tài chính, ngân hàng sẽ không thể tự tái cấu trúc.

Chính vì vậy, việc thu hút thêm nguồn vốn từ cổ đông nước ngoài là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào năng lực và giá trị cốt lõi của từng nhà băng.


Theo Thùy Vinh

Đầu tư

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *