Thời sự 12/12/2013 10:29

Né thuế bán vốn, doanh nghiệp sẽ bị "khai tử"

Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế khẳng định, sẽ mạnh tay xử lý hành vi né thuế chuyển nhượng vốn đang diễn ra khá nhức nhối.

Chế tài tăng nặng

Liên quan đến việc UBND TP. HCM vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị cần có quy định chặt hơn về cách tính thuế đối với các thương vụ chuyển nhượng vốn giữa DN và NĐT, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, với một loạt quy định pháp lý sắp có hiệu lực vào cuối năm nay và đầu năm 2014, đã đủ sức răn đe đối với các hành vi gian lận thuế, trong đó có tình trạng né thuế chuyển nhượng vốn.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, cho hay, với 4 chế tài quan trọng được sửa đổi, bổ sung tại Luật Quản lý thuế sửa đổi và được quy định chi tiết tại Nghị định 129/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, sẽ có hiệu lực từ ngày 15/12 tới, cũng như Thông tư 166/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, thì cơ quan quan thuế có đủ công cụ trong đấu tranh với hành vi né thuế chuyển nhượng vốn.

 

Khi phát hiện các trường hợp vi phạm, quan điểm của cơ quan thuế là sẽ vận dụng tối da khung xử phạt

Thứ nhất, trường hợp DN chuyển nhượng vốn có hành vi bỏ trốn, tẩu tán tài sản, thì cơ quan quản lý thuế được lựa chọn áp dụng các biện pháp cưỡng chế như: trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng; kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký DN…, để đảm bảo tính răn đe đối với hành vi gian lận thuế.

Thứ hai, qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, nếu cơ quan thuế phát hiện DN chuyển nhượng vốn cố tình không kê khai thuế, hoặc khai sai số thuế phải nộp, thì ngoài bị truy thu số tiền thuế phải nộp, còn bị phạt chậm nộp theo mức lũy tiến 0,05%/ngày tính trên số thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp không quá 90 ngày, 0,07%/ngày trên số thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp vượt quá 90 ngày.

Thứ ba, ngoài các chế tài trên, nếu DN chuyển nhượng vốn khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp, thì còn phải chịu mức phạt vi phạm hành chính tăng từ 10% trước đây lên 20% tính trên số tiền thuế khai thiếu.

Thứ tư, thời hiệu xử lý vi phạm pháp luật về thuế thay vì 2 - 5 năm như trước đây, thì nay là 10 năm kể từ ngay kiểm tra phát hiện. Trường hợp DN chuyển nhượng vốn bị phát hiện không đăng ký thuế, thì phải nộp đủ số thuế thiếu, số tiền thuế trốn, tiền phạt chậm nộp cho toàn bộ thời gian trở về trước kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm…

Cũng theo quy định mới sắp có hiệu lực, không chỉ các DN, mà những tổ chức, cá nhân nếu bị phát hiện có hành vi thông đồng, bao che cho DN chuyển nhượng vốn né thuế, không thực hiện quyết định cưỡng chế hành chính thuế, tùy mức độ vi phạm mà bị phạt từ 2,5 - 5 triệu đồng đối với cá nhân, từ 5 - 10 triệu đồng đối với tổ chức. Trường hợp vi phạm có dấu hiệu phạm tội, bị truy cứu trách nhiệm hình sự…

Ông Phụng cũng cho rằng, tuy hệ thống pháp lý mới đã đảm bảo đồng bộ và tăng tính răn đe đối với các hành vi vi phạm, nhưng qua thực tiễn quản lý thuế, nếu cơ quan thuế các địa phương xét thấy các quy định pháp lý vẫn còn thiếu, chưa chặt chẽ,  cần đưa ra những đề xuất cụ thể để Bộ Tài chính có phương án điều chỉnh phù hợp, nhằm ngăn chặn hiệu quả hành vi gian lận thuế chuyển nhượng vốn.

Tăng cường kiểm tra

Để vận dụng có hiệu quả các chế tài mới theo hướng tăng nặng trên trong quá trình đấu tranh ngăn chặn hành vi gian lận thuế chuyển nhượng vốn, cơ quan thuế đang có những động thái mới.

Trao đổi với ĐTCK, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho biết, ngoài yêu cầu các cục thuế địa phương tăng cường nắm bắt thông tin về các chiêu lách, trốn thuế, trong đó có thuế chuyển nhượng vốn, trong quá trình xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm tới, Tổng cục Thuế sẽ chú trọng chỉ đạo cục thuế các địa phương tăng cường kiểm tra các trường hợp DN chuyển nhượng vốn cho NĐT có dấu hiệu nghi vấn như: chuyển nhượng với giá bằng hoặc thấp hơn giá vốn đầu tư ban đầu; chuyển nhượng lòng vòng giữa các đối tượng có mối liên hệ với nhau…

Cơ quan thuế cũng sẽ tăng cường phối hợp với cơ quan đăng ký kinh doanh, công an…, để kịp thời phát hiện các hành vi chuyển nhượng vốn, nhưng không kê khai thuế. Khi phát hiện các trường hợp vi phạm, quan điểm của cơ quan thuế là sẽ vận dụng tối đa khung xử phạt, để xử nặng DN chuyển nhượng vốn nhưng có hành vi gian lận thuế, nhằm tăng sức răn đe, chống thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Theo Hữu Hòe
ĐTCK

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *