Thời sự 29/12/2013 09:35

Năm 2013: Thắng đậm về tỉ giá và thị trường vàng

Năm 2014 về cơ bản sẽ giữ ổn định lãi suất như năm 2013, nếu có tín hiệu tích cực từ thị trường ở giá cả thấp hơn, NHNN sẽ tính toán điều chỉnh phù hợp.

Còn nhớ vào năm 2011, lãi suất quá cao mà hệ thống thanh khoản ngân hàng thì eo hẹp. Dường như lúc đó chúng ta tiêu nhiều hơn những gì mình có. Tuy nhiên, đến bây giờ thanh khoản hệ thống ngân hàng không còn căng thẳng và nhờ thế chúng ta giữ được lãi suất như hiện nay, tín dụng của ngân hàng thương mại (NHTM) hai năm nay tích cực. Đặc biệt, chúng ta đã giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, giảm lãi suất, ổn định thị trường tiền tệ, tỉ giá ổn định, tăng dự trữ ngoại hối của Nhà nước, từng bước tái cấu trúc hệ thống thanh khoản ngân hàng… Tuy nhiên, tất cả vấn đề này được nói nhiều rồi, điều vui mừng hơn cả trong năm 2013 là NHNN đã về đúng với vị trí, với vai trò chỉ đạo, dẫn dắt thị trường. Và NHTM đã đi vào trật tự, nề nếp hơn.

 

NHNN đã trở thành người dẫn dắt thị trường

 

Vào năm 2011, khi mới nhận chức thống đốc, sau khi kết thúc phiên họp của NHNN, đại diện một số ngân hàng dự họp nói rằng: “NHNN mời đi họp thì tất cả đi thôi, ra khỏi phòng thì việc ai người đó làm”. Tiếp thu sự chỉ đạo đầy đủ nhưng ra đến cửa thì việc ai người đấy làm. Lãi suất NHNN đưa ra một đằng, NHTM làm một nẻo. NHNN tăng hay giảm lãi suất cũng không ảnh hưởng gì đến “chúng em”. Nói chung với mặt bằng lãi suất của NHNN không có tác dụng gì với NHTM cả. “Chúng em” là người trực tiếp sống với thị trường nên vẫn phải tăng, giảm theo thị trường thôi. Còn “anh” làm cho thị trường xuống hay lên “anh” làm đi. Khi “anh” nói không điều chỉnh, hôm sau lại điều chỉnh bằng chết, “chúng em” chả biết đâu mà tin nên thôi mạnh ai nấy làm.

 



Theo Thống đốc ngân hàng Nguyễn Văn Bình, tín dụng của NHTM hai năm nay tích cực và đã đi vào trật tự, nề nếp hơn. Ảnh: HTD.

 

Chuyện là vậy. Nhưng đến nay chúng ta có thể nói với nhau khác hơn. Ví dụ như vấn đề về tỉ giá, đã có lúc thị trường xuất hiện những tin đồn thất thiệt, các NHTM cũng có xu hướng mua USD vào vì tiền đồng đang làm tỉ giá có chiều hướng tăng. Nhưng NHNN bảo không tăng, sau đó theo dõi thị trường ngay buổi chiều tỉ giá lập tức dừng lại không tăng nữa.

 

Trước đây, chúng tôi cũng nói NHTM phải trích lập dự phòng rủi ro, kiểm soát tín dụng, nâng cao chất lượng tín dụng… Tinh thần này cũng được quán triệt nhanh lắm, rằng sẽ trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ… nhưng khi ra về có mấy ai trích lập. Đáng ra khoản đó phải trích lập thì cơ bản đưa hết vào lợi nhuận làm lợi nhuận quá hoành tráng như mấy năm về trước, làm xã hội bức xúc. Thời đó khi tôi đang làm ở NHNN cũng bức xúc. Mình là trung gian tài chính nếu có lợi nhuận cũng chỉ ở mức trung bình ở xã hội thôi, cuối cùng mình là cái anh ngất ngưởng. Lợi nhuận cao ngất ngưởng trong khi chất lượng tài sản yếu kém như thế nào.

 

Nhưng đến nay các NHTM cũng đã trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu, kiểm soát chất lượng tín dụng… đang được nhiều ngân hàng làm rất tốt dù lợi nhuận giảm sút. Thậm chí nhiều NHTM còn không chia cổ tức để tập trung vốn vào xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro. Đó là hai vấn đề được nhất trong thời gian qua. NHNN đứng vào đúng vị trí, vai trò của người dẫn dắt. NHTM nghiêm túc thực hiện, kỷ cương hơn. Điều đó thể hiện niềm tin của các NHTM vào các chính sách của NHNN được tăng lên. Đó là tiền đề để chúng ta triển khai trong thời gian tới.

 

Chiến đấu với “sóng thần” tài chính

 

Tuy nhiên, để kiềm chế được lạm phát, giảm lãi suất... nhìn lại hai năm rưỡi qua, đó là thời gian chúng ta đã phải đương đầu với nhiều áp lực, trải qua thời kỳ hết sức vất vả. NHNN cũng nhiều lần buộc phải quyết định đưa ra những giải pháp tình thế như quyết định 780, 7558… cho phép các NHTM miễn, giảm lãi vay, cơ cấu nợ… góp phần tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp. Các NHTM cũng đã đồng cam cộng khổ và dường như phải nhận cả những hy sinh về phía mình.

 

Mọi quyết định đều được cân nhắc, tính toán rất thận trọng. Chẳng hạn như khi quyết định giảm lãi suất tiền gửi xuống 7%. Phải nói để đưa xuống mức này, đây là cuộc đấu tranh gay go và hết sức phức tạp trong năm 2013. Xuống hay không xuống đều phải chú ý tới lạm phát mà điều này rất mong manh. Ví dụ trong tháng 9, chỉ số CPI tăng 8% mà lãi suất tiền gửi là 7% thì người dân biết đâu sẽ tìm tới kênh đầu tư khác thế ngay. Cho nên mục tiêu đặt ra chúng ta đã cố gắng tối đa lạm phát dưới 7% là thành công lớn, không chỉ về chính sách vĩ mô mà đó là điều hành chính sách tiền tệ. Vì thế năm 2014, về cơ bản sẽ giữ ổn định lãi suất như năm 2013, nếu có tín hiệu tích cực từ thị trường ở giá cả thấp hơn chúng tôi sẽ điều chỉnh phù hợp.

 

Chỉ nói riêng về thị trường vàng, gần hai năm “chiến đấu” với thị trường vàng, tôi hiểu động đến vàng là động đến nhiều vấn đề nhạy cảm. Tuy nhiên, đến nay chúng ta có thể nhìn nhau thoải mái hơn. Bởi giả sử đống vàng kia (vẫn tiếp tục cho vay và huy động vàng - PV) không tẩy ra khỏi hệ thống NHTM thì đến giờ chúng ta không vui được thế này đâu. Còn đến nay thì vàng lên, vàng xuống thế nào cũng không sao cả. Mọi rủi ro của vàng không làm ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống nữa. Ngoài ra, việc tách bạch được giữa thị trường vàng miếng và vàng trang sức vốn trước đây lẫn lộn cũng là một điều không dễ dàng. Nhiều doanh nghiệp bảo vay vốn kinh doanh vàng nữ trang nhưng lại dùng để kinh doanh vàng miếng. Như vậy là lợi dụng lấy dòng vốn NHTM kinh doanh vàng miếng núp dưới vàng trang sức. Vì có thời gian xuất khẩu vàng bốn số 9 nhưng lại dưới dạng vàng trang sức. Chẳng hạn như anh xuất khẩu hòn non bộ vàng nhưng lại được coi là vàng trang sức. Đó là những biến tướng xảy ra trong thời gian qua buộc phải chấm dứt.

 

Thị trường đã tự điều chỉnh

 

Trong năm 2013, về cơ bản chúng ta đã phối hợp chặt chẽ công cụ lãi suất và công cụ tỉ giá. Bằng công cụ tài chính NHNN có lúc đã bơm tiền ra, lúc hút tiền vào. Thậm chí trong một ngày, có lúc NHNN vừa bơm ra vừa hút vào để điều tiết. Từ đó dẫn đến thị trường ổn định trong thời gian qua. Như về vấn đề tỉ giá, năm 2013 NHNN đã điều chỉnh 1% tỉ giá, còn 1% nữa chúng ta cho phép thị trường tự điều chỉnh. Tuy nhiên, lúc thị trường điều chỉnh cao nhất cũng chỉ 0,5%-0,7% mà thôi. Cho đến giờ tỉ giá vẫn thấp hơn 21.100 đồng và ở mức này NHNN đã mua vào. Điều đó có nghĩa chính thị trường đang tự điều chỉnh, còn NHNN chỉ mới điều chỉnh một lần là 1%.

 

Trong năm 2014,NHNN tiếp tục áp dụng hạn mức tín dụng cho NHTM, góp phần đảm bảo tăng trưởng tín dụng lành mạnh. Bởi cơ thể nhiều NHTM chưa phải đã khỏe mạnh cho lắm nên việc kiểm soát này góp phần ổn định tài chính của các NHTM. Và với tư cách là người làm chuyên môn như nhiều người làm ngân hàng, tôi không khuyến khích cho vay dưới trần. Năm 2014 vẫn là năm khó khăn nên phải kiên quyết trích lập dự phòng rủi ro, cho vay đảm bảo chất lượng tín dụng. Gạo chưa nấu vẫn còn đó, trích lập dự phòng rủi ro thì tiền của mình còn đó nhưng chúng ta còn có NHTM lành mạnh hơn.

 

Theo Nguyễn Văn Bình,Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Yên Trang (ghi)/PLTPHCM

Năm 2014: Phải tạo ra thị trường mua bán nợ xấu thực sự

Năm qua (2013), chúng ta cũng đã sắp xếp lại các mắt xích trong hệ thống ngân hàng, để tránh kéo theo đổ vỡ dây chuyền. Có niềm tin vào thị trường và năng lực tài chính của NHTM. Đến nay, thay khoản NHTM đã ổn định, giả sử có tin đồn gì đó chúng ta tin tưởng rằng NHTM không chao đảo gì. Nhưng NHNN cũng đề nghị NHTM tiếp tục rà soát lại nợ xấu của mình để xử lý. Tuy nhiên, vấn đề trọng tâm năm 2014 là NHTM và doanh nghiệp phối hợp với VMAC chặt chẽ hơn. Vì bên cạnh tái cấu trúc khoản nợ, cho vay nợ, cho vay tái cấu vốn thì điều quan trọng với VMAC là tạo ra thị trường mua bán nợ xấu thực sự. Lúc đó nhà đầu tư trong nước, ngoài nước mới đến cái chợ nợ này để mua. Hay gọi là cái siêu thị nợ xấu với đủ các loại hàng hóa. Anh muốn mua gì có cái đó. Muốn mua khu công nghiệp có khu công nghiệp, muốn mua doanh nghiệp lĩnh vực nào có lĩnh vực đó… Đặc biệt khi vào VMAC, Nhà nước sẽ hỗ trợ về mặt tư pháp để các thủ tục hồ sơ hoàn tất nhanh chóng, có thể bán bất cứ lúc nào.

Thống đốc NGUYỄN VĂN BÌNH

TS LÊ XUÂN NGHĨA, thành viên Ban Cố vấn Chính phủ:

Tròn sứ mệnh trong việc chống vàng hóa

 

Năm 2013, NHNN đã hoàn thành sứ mệnh trong việc quản lý thị trường vàng, bao gồm ổn định được giá vàng, không còn các cơn sốt về giá vàng như năm 2012. Bên cạnh đó là chống vàng hóa triệt để, thể hiện ở việc đóng trạng thái vàng ở các NHTM, chấm dứt không còn huy động và cho vay vàng. Nghĩa là bước vào năm 2013, chúng ta đã loại bỏ được nhiều rủi ro của khủng hoảng. Cụ thể như thanh khoản của các NHTM được đảm bảo, lạm phát được kéo từ 18% xuống khoảng 7%. Duy trì được tỉ giá ổn định, lãi suất cũng giảm từ trên 20% xuống vùng 10%. Sứ mệnh của việc chống vàng hóa đã thành công. Hiện nay, NHNN đang làm vai trò tạm thời độc quyền để can thiệp thị trường nhưng vai trò đã hoàn thành. Đã ngăn chặn được tình trạng nhập lậu vàng, góp phần vào phục hồi ngoại tệ. Dự trữ ngoại tệ từ 7 tỉ USD năm 2008 đến nay lên 28 tỉ USD, tạo lập được cán cân thanh toán thặng dư và dự kiến năm nay trên 5 tỉ USD.

Song song với việc chống vàng hóa, NHNN sẽ làm tương tự như vậy với USD. Hiện có những giải pháp được đưa vào thực hiện như việc tăng dự trữ bắt buộc của tiền gửi ngoại tệ tại các NHTM, cho vay ngoại tệ cũng được siết chặt giảm lãi suất huy động với đồng USD… Trong năm 2013, NHNN liên tục mua ròng ngoại hối vào và dự báo đến khoảng năm 2017-2018 tình trạng đôla hóa sẽ không còn.

TS TRƯƠNG VĂN PHƯỚC, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia:

Không được ngủ quên trên chiến thắng tỉ giá

 

Có thể xem thị trường tiền tệ của chúng ta là một con ngựa bất kham. Còn nhớ khi xảy ra cuộc khủng hoảng giai đoạn 2008-2011, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để kéo nền kinh tế ra khỏi tình trạng lạm phát. Lạm phát có lúc tới mức 17%-18% và lãi suất lên trên 20%. Tuy nhiên, đến nay lạm phát đã giảm thấp, lãi suất và tỉ giá ổn định, đó là thành công lớn. Nghĩa là NHNN đã tháo những kíp nổ của tỉ giá sớm. Và trong năm 2013, kíp nổ từ vàng cũng được gỡ bỏ, các chính sách chống đô la hóa đã phát huy tác dụng, tỉ giá ổn định thời gian qua. Mặc dù vậy những rủi ro của thị trường ngoại hối và tỉ giá muôn đời còn đó và chúng ta không được ngủ quên trên chiến thắng.

 

TS TRẦN DU LỊCH, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM:

Nhiều ngân hàng đã thoát được nguy cơ sụp đổ

Hơn hai năm trước, nhiều ngân hàng đứng trước nguy cơ sụp đổ nhưng nay đã đạt được sự bền vững. Các biện pháp hành chính mà NHNN dùng để can thiệp thị trường trước đây bị phê phán thì nay gần như không cần phải dùng đến, việc điều hành dần hướng tới theo tính thị trường.

TS LÊ THẨM DƯƠNG, Trưởng khoa QTKD ĐH Ngân hàng TP.HCM:

Tỉ giá đã được kiểm soát

 

Kênh đầu tư tỉ giá năm 2014 cũng không có cơ hội như trước đây do ngoại hối được kiểm soát trong biên độ chủ động nên sẽ không có sóng nữa. Khi chúng ta đã ở thế chủ động, chắc chắn gửi tiền đồng sẽ còn tốt hơn, nhất là khi kinh tế Việt Nam và thế giới đều đã ổn định, các yếu tố tỉ giá, lãi suất đã được kiểm soát. Bởi vậy lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng là phù hợp, nhất là từ năm 2013, nền kinh tế bắt đầu tiến hành chống vàng hóa, đôla hóa.

NGA SƠN

 

 
 
Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *