Thời sự 29/03/2014 09:52

Mừng lo với Thông tư 09

Sau rất nhiều tranh cãi, Thông tư 09/2014/TT-NHNN về việc lui thời hạn cơ cấu nợ, phân loại nợ cho các ngân hàng đến 31/3/2015 đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành và sẽ thay thế Thông tư 02. Vậy Thông tư này có ý nghĩa như thế nào đối với nền kinh tế?

Điểm mấu chốt của Thông tư 09 là việc cho phép các ngân hàng và tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với điều kiện chặt chẽ hơn. Đồng thời, Thông tư 09 cũng yêu cầu các ngân hàng, tổ chức tín dụng phải ban hành quy định nội bộ về kiểm soát, giám sát việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; kiểm soát nội dung, lý do cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với từng khoản nợ.

 

Với những quy định như trên, Thông tư 09 đã được các nhà băng và nhiều doanh nghiệp đón nhận một cách hào hứng.

 

Cán bộ tín dụng của một ngân hàng TMCP lớn ở Hà Nội khi phân tích câu chuyện này cho biết: Nếu Thông tư 02 được áp dụng, khách hàng có một khoản vay bị xếp vào nhóm có tỷ lệ rủi ro cao thì toàn bộ những khoản vay còn lại (có thể ở cùng một ngân hàng hoặc không cùng ngân hàng) cũng sẽ bị xếp vào nhóm nợ tương tự, dù những khoản vay này không xấu.

 

Chưa thể minh bạch được nợ xấu

 

Nếu buộc phải tiến hành phân loại nợ, chắc chắn hầu hết các doanh nghiệp sẽ bị “rớt” xếp hạng tín dụng nội bộ và điều này đồng nghĩa, sẽ có nhiều khoản vay bị đẩy vào “nhóm nợ xấu”. Và như vậy, nợ xấu của ngân hàng chắc chắn sẽ tăng. Xếp hạng tín dụng nội bộ mà giảm thì việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp sẽ càng trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, nếu bảng xếp hạng tín dụng của các nhóm khách hàng của ngân hàng xấu đi, nhóm nợ xấu gia tăng thì các khoản trích lập dự phòng rủi ro của tổ chức tín dụng cũng buộc phải tăng. Điều này sẽ dẫn tới việc lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm vì phải chia sẻ vào quỹ trích lập dự phòng rủi ro”.

 

Có thể hình dung câu chuyện như sau: Giả sử một doanh nghiệp có 3 khoản vay ở các ngân hàng khác nhau. Nếu một khoản vay ở ngân hàng A bị xếp vào diện nợ xấu, có tính rủi ro cao thì các khoản vay còn lại của doanh nghiệp ở ngân hàng B, C cũng buộc phải xếp vào nhóm nợ tương tự. Điều này vô hình trung sẽ khiến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp rất khó khăn. Ngoài ra, theo quy định, nếu bị xếp vào nợ xấu thì bản thân các ngân hàng B, C cũng phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro cho khoản vay mà doanh nghiệp này thực hiện dù khoản vay này có thể không xấu. Như vậy, kết quả kinh doanh của bản thân ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.

 

Tuy nhiên, với Thông tư 09, vấn đề này đã được giải quyết, các nhà băng vẫn sẽ phân loại các khoản nợ nhưng là đối với từng khoản vay. Tức là khoản vay ở ngân hàng A xấu, rủi ro cao sẽ không đồng nghĩa với khoản vay ở các ngân hàng B, C cũng xấu, cũng rủi ro cao. Như vậy, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp sẽ được mở rộng hơn, ngân hàng B,C sẽ không phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro và tất nhiên, kết quả kinh doanh vì thế cũng sẽ đẹp hơn.

 

Dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Vũ Kỳ Anh - Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng TNP cho rằng, Thông tư 09 là tín hiệu tốt lành với cộng đồng doanh nghiệp. Tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp đã được cải thiện sau loạt chính sách hỗ trợ của Chính phủ, nhưng mới chỉ là đang trên đà phục hồi. Đặc biệt, sau hơn 2 năm vật lộn với khó khăn, “sức khỏe” của doanh nghiệp đã bị tổn thương khá nhiều. Vậy nên, giờ nếu áp dụng các tiêu chuẩn phân loại nợ mới theo tinh thần Thông tư 02, chắc chắn, nhiều doanh nghiệp sẽ bị khoanh vùng, không đủ điều kiện vay vốn và sẽ bị liệt vào các nhóm nợ xấu hơn. Điều này đồng nghĩa với khả năng tiếp cận các nguồn vốn mới là rất khó khăn, thậm chí là không thể.

 

Nói như vậy để thấy rằng, Thông tư 09 hiện đang rất được các ngân hàng và DN quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng sẽ là đòn bẩy khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế.

 

Nhìn nhận sự ra đời của Thông tư 09, trả lời báo chí, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây là một quyết định hợp lý của Ngân hàng Nhà nước và sẽ là cơ hội cho các ngân hàng giải quyết nợ xấu theo một lộ trình. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, để đạt được mục đích minh bạch nợ xấu theo tinh thần của Thông tư 02 thì cần phải rút ngắn lộ trình của Thông tư 09.

 

Từ một góc nhìn khác, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright đã ví von sự ra đời của Thông tư 09 là cách làm “gọt chân cho vừa giày” và điều này sẽ gây ra tâm lý ỷ lại ở các ngân hàng thương mại.

 

Qua đó để thấy rằng, sự ra đời của Thông tư 09 trong ngắn hạn sẽ mang lại những hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu xét trong dài hạn thì đây là vấn đề rất đáng lo, đặc biệt trong bối cảnh nợ xấu vẫn đang là lực cản đối với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, thậm chí cả nền kinh tế đang phục hồi. TS Nguyễn Minh Phong trong một cuộc trao đổi với phóng viên Năng lượng Mới đã nhấn mạnh rằng: Nợ xấu vẫn đang là “nút thắt” của nền kinh tế, buộc phải giải quyết, xóa bỏ. Nhưng để làm được điều này chúng ta phải minh bạch nợ xấu. Nợ xấu cũng giống như một con bệnh, nếu không bắt trúng tâm bệnh thì làm sao có thể kê đơn, bốc thuốc cho khỏi được!

 

Đó chính là những điều mừng và lo mà nền kinh tế đang đặt ra với Thông tư 09!

 

Theo Thanh Ngọc
Petrotimes

 

 

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *