Thời sự 08/04/2014 12:58

Maritime Bank trình cổ đông kế hoạch nhận sáp nhập TCTD khác

FICA - Sau Sacombank, Maritime Bank sẽ trình cổ đông tại Đại hội thường niên năm 2014 thông qua việc nhận sáp nhập một tổ chức tín dụng khác.

Đây là nội dung được đề cập trong Tài liệu họp đại hội cổ đông thường niên năm 2014 của Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank - MSB) sẽ tiến hành vào sáng thứ Bẩy, 19/4.

Hội đồng quản trị MSB cũng trình cổ đông thông qua việc ủy quyền cho HĐQT chủ đồng phê duyệt, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các nội dung tại đề án sáp nhập, hợp đồng sáp nhập, điều lệ ngân hàng sau sáp nhập và phương án phát hành cổ phiếu ra công chúng để hoán đổi cổ phần và các tài liệu hồ sơ có liên quan khác theo yêu cầu của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền mà không cần lấy ý kiến của Đại hội đồng cổ đông.

Đồng thời, ủy quyền cho HĐQT MSB triển khai thực hiện tất cả các thủ tục cần thiết, ký các văn bản và xử lý tất cả các vấn đề phát sinh trong việc sáp nhập như sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động, đăng ký kinh doanh, đăng ký điều lệ, tăng vốn điều lệ...

Theo thông từ người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Văn Bình, dự kiến trong năm 2014 sẽ xử lý 6 - 7 ngân hàng. Tổng số ngân hàng bị giải thể, rút giấy phép lên khoảng từ 7 - 10 ngân hàng.

Trong số 9 tổ chức tín dụng đã tiến hành tái cấu trúc đợt một, Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB); 3 ngân hàng Sài Gòn, Đệ Nhất và Tín Nghĩa tiến hành hợp nhất thành và giữ tên là Ngân hàng TMCP Sài Gòn; Ngân hàng TMCP Phương Tây hợp nhất với Tổng Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí (PVFC) thành Ngân hàng TMCP Đại Chúng; Ngân hàng TMCP Đại Á sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TPHCM (HDBank); Ngân hàng TMCP Đại Tín tái cấu trúc và đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (Builbank) và Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) tự tái cấu trúc và đổi tên thành Ngân hàng TMCP Quốc Dân.

Ngân hàng cuối cùng trong số 9 tổ chức tín dụng tiến hành tái cấu trúc đợt 1 là Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GPBank) đang trong quá trình hoàn tất đàm phán để bán 100% cho ngân hàng nước ngoài.

Tại đại hội cổ đông cuối tháng 3/2013, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank) cũng đã thông qua thủ trương nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) và dự kiến hoàn tất trong năm 2014. Việc sáp nhập này được cho là do có sự tương đồng chủ sở hữu khi Phó Chủ tịch thường trực Sacombank người thân hiện là cổ đông lớn tại 2 ngân hàng.

Khác với Sacombank, MSB chưa nêu tên cũng như thời điểm cụ thể hoàn tất việc nhận sáp nhập.

Mục tiêu lợi nhuận 2014 giảm 34%

Năm 2013, MSB đạt 340 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 53% so với năm 2012. Thu nhập lãi thuần và mua bán chứng khoán đầu tư mang lại lợi nhuận chủ yếu cho MSB với lần lượt là 1.700 tỷ đồng và 678 tỷ đồng.

Tính tới cuối năm 2013, tổng tài sản của MSB đạt hơn 107 nghìn tỷ đồng, giảm 2,55% so với năm 2012 và bằng 93% kế hoạch năm sau điều chỉnh.

Huy động vốn, bao gồm cả bằng trái phiếu, đạt gần 68,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2012 nhưng bằng 90% kế hoạch.

Dư nợ tín dụng đạt hơn 45,9 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng đạt 8,2%. Tỷ lệ nợ xấu là 2,71%, tăng so với mức 2,65% của năm 2012.

Năm 2014, MSB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 265 tỷ đồng, giảm 34% so với năm 2013.

Tổng tài sản tới cuối năm 2014 tăng thêm 4,5% so với thực hiện 2013. Ngân hàng sẽ mở thêm 32 điểm giao dịch mới và tuyển thêm 734 lao động, nâng số lao động lên 4.270 người. Tính tới cuối năm 2013, số lượng nhân viên của Maritime Bank là 3.536 người, giảm 1.343 người so với cuối năm 2012.

Một số chỉ tiêu cho năm 2014 như vốn huy động tăng 22,4%, tăng trưởng tín dụng 12,6% và tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. MSB không đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ (hiện đạt 8.000 tỷ đồng) cũng như tiếp tục không chia cổ tức trong năm 2014.

Lam Thanh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *