Thời sự 09/01/2018 14:57

Lợi nhuận tăng đột biến, ngân hàng lãi "khủng"

Dữ liệu tổng kết năm 2017 mà một số ngân hàng thuộc top đầu vừa công bố cho thấy lợi nhuận tăng trưởng đột biến, cùng với đó, nguồn tiền nộp ngân sách cũng tăng vọt.

Lãi lớn, ngân hàng nộp ngân sách tăng vọt 

Dữ liệu cho thấy, lợi nhuận riêng lẻ trước thuế năm 2017 của Vietcombank vào khoảng 10.800 tỷ đồng (nếu tính hợp nhất vượt trên 11.000 tỷ đồng).

Năm 2016, Vietcombank nộp ngân sách tới 4.100 tỷ đồng (trong đó thuế thu nhập doanh nghiệp 1.700 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân 330 tỷ đồng và cổ tức 2.055 tỷ đồng). Năm 2017, dự kiến ngân hàng này sẽ tăng nộp lên khoảng 4.700 tỷ đồng (trong đó thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 2.100 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân 380 tỷ đồng và cổ tức đã nộp 2.220 tỷ đồng).

VietinBank dự kiến có thể tiếp tục giữ vị trí trong top 10 nộp thuế, với lợi nhuận trước thuế 2017 vào khoảng hơn 9.000 tỷ đồng.


Theo tính toán của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2017, lợi nhuận trước thuế của toàn hệ thống ngân hàng tăng khoảng 40% (ảnh minh họa).

Theo tính toán của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2017, lợi nhuận trước thuế của toàn hệ thống ngân hàng tăng khoảng 40% (ảnh minh họa).

Số liệu do BIDV vừa cung cấp cho thấy, năm 2017, lợi nhuận trước thuế toàn ngân hàng đạt 8.800 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu của đại hội đồng cổ đông đề ra.

Đạt được con số lãi lớn này là nhờ ngân hàng gia tăng nguồn thu dịch vụ, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm mở rộng và đa dạng hóa nguồn thu theo yêu cầu của Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng: Thu dịch vụ ròng đạt 4.290 tỷ đồng, tăng trưởng 14%; Thu nhập ròng từ kinh doanh vốn và tiền tệ lần đầu tiên đạt mốc 2.000 tỷ đồng, cao nhất trong 10 năm qua, tăng trưởng 36,7% so với năm 2016.

Theo đó, chênh lệch thu chi đạt kết quả tốt nhất từ trước đến nay là 24.032 tỷ đồng, tăng trưởng 44% so với 2016.

Tính đến 31/12/2017, tổng tài sản của BIDV vượt 1,17 triệu tỷ đồng, tăng 16,7% so với 2016, duy trì vị thế ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn nhất Việt Nam. Cũng trong năm qua, ngân hàng này nộp ngân sách Nhà nước hơn 5.000 tỷ đồng.

Ở khối ngân hàng TMCP tư nhân, HDBank đạt lợi nhuận trước thuế 2.420 tỷ đồng, cao hơn gấp hơn 2 lần con số của năm 2016 và là năm đạt kết quả kinh doanh tốt nhất từ trước tới nay. Số liệu dự kiến tại LienVietPostBank cũng cho thấy, lợi nhuận trước thuế 2017 ít nhất đạt 1.700 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2017, TPBank công bố lợi nhuận trên 1,205 nghìn tỷ đồng, đạt 155,6% kế hoạch đề ra của năm 2017. Các chỉ tiêu tài chính khác đều có kết quả khả quan như: Tổng tài sản của nhà băng cũng đạt trên 124 nghìn tỷ đồng so với trên 105,8 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng gần 18%. Tăng trưởng tín dụng đạt 71,295 nghìn tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch năm và tăng gần 22% so với năm 2016, tỷ lệ nợ xấu tại TPBank được kiểm soát ở 0,87%, nằm trong nhóm ngân hàng có chất lượng tín dụng tốt nhất trên thị trường...

Ngân hàng yếu kém cũng có lợi nhuận tốt

Theo tính toán của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2017, lợi nhuận trước thuế của toàn hệ thống ngân hàng tăng khoảng 40%.

Tại cuộc họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2018 diễn ra ngày 8/1, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: Năm 2017 đa số ngân hàng đều có lợi nhuận tốt, kể cả các ngân hàng yếu kém đang trong giai đoạn tái cơ cấu. Có ngân hàng năm 2016 lãi thấp, thậm chí lỗ nhưng năm 2017 đã có lãi cao. Đây là tín hiệu tốt, điều cơ bản để tạo sự ổn định hệ thống.

Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh mới nhất do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Dự báo, thống kê) tiến hành vào tháng 12/2017, thực trạng và môi trường kinh doanh của đa số các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục có chuyển biến tích cực.

56,3% TCTD nhận định tình hình kinh doanh tại thời điểm hiện tại của họ “tốt” (cao hơn so với tỷ lệ 52,2% cuối quý III/2017 và 54% của cùng kỳ năm 2016), trong đó 11,5% TCTD cho biết tình hình kinh doanh hiện tại “rất tốt”.

Đánh giá cho cả năm 2017, 85,5% TCTD nhận định tình hình kinh doanh cải thiện hơn so với năm 2016, trong đó 31,3% TCTD kỳ vọng “cải thiện nhiều”. Dự kiến trong năm 2018, 71,8% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh trong quý I/2018 cải thiện hơn so với quý IV/2017 và 88,6% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh của cả năm 2018 tiếp tục cải thiện hơn so với năm 2017, trong đó 29,2% TCTD kỳ vọng “cải thiện nhiều”.

Hầu hết các TCTD đánh giá các nhân tố nội tại của họ diễn biến ổn định, tích cực trong quý IV/2017 và dự kiến tiếp tục cải thiện trong cả năm 2018. Trong đó, yếu tố được cho là cải thiện tích cực nhất là “Chính sách và dịch vụ chăm sóc khách hàng của TCTD”.

Bình quân kỳ vọng về tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2017 của toàn hệ thống ước tính ở mức 15,86%, cao hơn so với mức bình quân kỳ vọng tại cùng kỳ năm trước (8,27%) và mức kỳ vọng 13,63% xác lập tại cuộc điều tra quý trước. Dự kiến trong năm 2018, 92,6% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2017 với mức tăng trưởng toàn hệ thống bình quân kỳ vọng đạt 19,33%, cao hơn nhiều so với mức bình quân kỳ vọng 13,4% của các TCTD tại cuộc điều tra cùng kỳ năm trước.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *