Thời sự 16/02/2014 08:22

Lãi lớn nhờ trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng "bạo tay" hơn

“Nhu cầu của các ngân hàng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tiếp tục lớn, do đầu ra cho tín dụng truyền thống chưa có đột biến và biên lợi nhuận của TPDN vẫn khá tốt”, ông Phạm Xuân Anh, Giám đốc Khối Ngân hàng đầu tư, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đánh giá.

Trong vai trò tư vấn thu xếp vốn trái phiếu, ông quan sát thấy nhu cầu đầu tư TPDN hiện nay giảm đi hay tăng lên so với năm ngoái?

Hiện tại, tôi nhận được nhiều đặt hàng từ phía các nhà đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp, trong đó chủ yếu là các ngân hàng, tìm kiếm TPDN thích hợp để đầu tư. Lượng cầu này tăng khoảng 20% về giá trị so cùng thời điểm năm ngoái.

Tôi cho rằng, nhu cầu đầu tư TPDN sẽ duy trì ở quy mô lớn trong năm nay, bởi đầu ra tín dụng của các ngân hàng dự kiến chưa tăng đột biến, tình trạng thanh khoản của hệ thống ngân hàng tương đối dồi dào.

Các mức lãi suất thị trường đang ổn định và được duy trì ở nền khá thấp cũng là yếu tố hỗ trợ cho nhu cầu huy động vốn trái phiếu của các tổ chức phát hành. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thể phát hành với kỳ hạn dài hơn (lên đến 5, 7 năm), quy mô lớn hơn. Ngược lại, các nhà đầu tư trái phiếu cũng có niềm tin lớn hơn vào sự ổn định của thị trường, yên tâm đầu tư với khối lượng lớn và kỳ hạn dài.

Theo ông, vì sao nhu cầu đầu tư TPDN vẫn lớn, trong khi lãi suất TPDN đã giảm mạnh và các ngân hàng đang phải thắt chặt quản trị rủi ro?

Mặc dù lãi suất TPDN đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái và các ngân hàng tiếp tục thắt chặt quản trị rủi ro, nhưng thực tế, các ngân hàng vẫn tìm đến TPDN bởi các lý do: đây là loại tài sản không tốn nhiều chi phí giám sát như kênh tín dụng truyền thống; lãi suất TPDN vẫn cao hơn lãi suất tín dụng truyền thống khoảng 3 - 3,5%/năm (tính trên giá vốn trung và dài hạn). Ngoài ra, ngân hàng khi tham gia đầu tư TPDN sẽ được hưởng những giá trị gia tăng nhất định, ví dụ doanh nghiệp đó mở tài khoản tiền gửi thu về từ hoạt động kinh doanh, đầu tư dự án tại ngân hàng để ngân hàng kiểm soát dòng tiền trả nợ, qua đó ngân hàng có thể cung ứng nhiều dịch vụ giá trị gia tăng phi tín dụng khác cho doanh nghiệp là tổ chức phát hành trái phiếu.

Khi chọn doanh nghiệp để đầu tư trái phiếu, các ngân hàng vẫn sẽ chọn những trái phiếu có tài sản đảm bảo tốt, doanh nghiệp có dòng tiền vững để trả nợ.

Liệu nguồn cung TPDN có tăng lên tương ứng trong năm nay hay không?

Thị trường đang đón chờ một số đợt phát hành TPDN có quy mô hàng ngàn tỷ đồng mỗi thương vụ. Tôi cho rằng, cuối quý I, đầu quý II sẽ có nhiều đợt phát hành trái phiếu được thực hiện.

Tôi đánh giá, năm 2014 sẽ là năm đánh dấu những bước hồi phục của nền kinh tế, trong đó nhu cầu đầu tư tái sản xuất - kinh doanh sẽ tăng trở lại, kéo theo nhu cầu vốn trong khối doanh nghiệp tăng lên. Trong quá trình hồi phục đó, TPDN được xem như một phương tiện huy động vốn hữu dụng bên cạnh các công cụ vay qua kênh tín dụng truyền thống.

Cụ thể, đối với TPDN, doanh nghiệp chỉ phải trả lãi hàng kỳ và đến cuối kỳ mới phải trả phần gốc của khoản nợ (trong khi đó, với tín dụng truyền thống, doanh nghiệp phải trả cả lãi và một phần gốc khoản nợ hàng kỳ). Đặc tính này giúp nhiều doanh nghiệp đang ở giai đoạn đầu của quá trình đầu tư, dòng tiền thu về chưa có, sẽ ưu tiên công cụ huy động vốn trái phiếu.

Ông ước tính doanh thu tư vấn thu xếp vốn trái phiếu của BSC sẽ tăng trưởng bao nhiêu trong năm nay?

Tôi kỳ vọng, trong 6 tháng đầu năm, hoạt động tư vấn thu xếp vốn trái phiếu của BSC sẽ có những thuận lợi nhất định. Riêng mảng thu xếp vốn trái phiếu, doanh thu trong năm 2014 có thể đạt mức tăng trưởng lên đến 50% so với năm 2013.

Thống kê mới nhất công bố ngày 10/1/2014 của Vụ Tài chính Ngân hàng - Bộ Tài chính cho biết, 34.412 tỷ đồng TPDN đã được phát hành trong năm 2013. Khối lượng này trong năm 2012 là 28.707 tỷ đồng, trong năm 2011 là 25.000 tỷ đồng, trong năm 2010 là 30.000 tỷ đồng.Tính theo dư nợ trên GDP, tỷ lệ dư nợ TPDN/GDP của năm 2013 đạt 2,65%, cao hơn so với tỷ lệ 1,95% của năm 2012, nhưng thấp hơn so với tỷ lệ 3,31% của năm 2011 và 5,55% của năm 2010. Các cơ quan quản lý đang xây dựng cơ sở dữ liệu phát hành TPDN trên cơ sở Thông tư 211/2012/TT-BTC và Nghị định 90/2011/NĐ-CP để củng cố việc công bố thông tin trên thị trường sơ cấp.

Theo Hải Linh 
ĐTCK
Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *