Thời sự 29/01/2014 06:54

Kiều hối năm 2014 dự báo tăng 20%

Năm 2013, mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng lượng kiều hối chuyển về nước vẫn khả quan, với doanh số đạt 11 tỷ USD. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là nước thu hút kiều hối lớn thứ 9 thế giới trong năm qua.

Riêng khu vực TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, năm 2013, lượng kiều hối chuyển về qua các ngân hàng trên địa bàn đạt 4,850 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2012.  

Trong đó, doanh số chi trả của một số công ty đạt mức khá cao như Công ty Kiều hối Đông Á (1,6 tỷ USD), Công ty Kiều hối Sacombank (1,7 tỷ USD). Cũng theo ông Minh, thị trường kiều hối tiềm năng nhất hiện nay vẫn là các thị trường truyền thống tại Bắc Mỹ, Australia. Doanh số kiều hối từ các thị trường này tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu và chiếm hơn 60% tổng doanh số kiều hối chuyển về Việt Nam trong những năm gần đây.

Bên cạnh đó, nguồn kiều hối được kỳ vọng tăng đáng kể tại các thị trường có số lượng lao động xuất khẩu Việt Nam lớn, như Đài Loan, Hàn Quốc.

Công ty Kiều hối Đông Á xác định, thị trường xuất khẩu lao động sẽ đóng góp nguồn kiều hối ngày càng lớn, nên đã thiết lập quan hệ hợp tác với hầu hết các đối tác chuyển tiền lớn tại các thị trường lớn, như Đông Á, Đông Nam Á, Tây Âu, Đông Âu, Trung Đông. Theo ông Trần Văn Trung, Tổng giám đốc Công ty Kiều hối Đông Á, doanh số chi trả kiều hối qua Công ty dự báo tăng khoảng 20% trong năm 2014.

Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Phạm Hữu Phú cho biết, với doanh số chi trả kiều hối đạt 1,7 tỷ USD trong năm qua, Công ty Kiều hối Sacombank đã đóng góp phần lợi nhuận đáng kể cho Ngân hàng. Vốn điều lệ của công ty này chỉ 15 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế lên đến 15 tỷ đồng. Do đó, kế hoạch đặt ra cho năm 2014 đối với Công ty Kiều hối Sacombank là tăng 20 - 25% so với năm trước.

Đánh giá triển vọng thu hút kiều hối trong năm nay, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, chính sách của Việt Nam trong vấn đề quản lý ngoại hối, tỷ giá đã đạt được kết quả khả quan, nền kinh tế có nhiều dấu hiệu khởi sắc, nên người dân, Việt kiều ở nước ngoài sẽ tin tưởng hơn, do đó lượng kiều hối sẽ tăng hơn so với bình quân hàng năm trước đây. “Nếu năm 2012, kiều hối tăng 15%, thì 2013 tăng 15 - 25% và kỳ vọng năm 2014 tăng 20%”, ông Minh dự báo.

Thực tế, thị trường bất động sản đóng băng đã phần nào ảnh hưởng đến dòng chảy kiều hối những năm qua. Vì bất động sản là lĩnh vực “hút” kiều hối nhiều nhất, với 4,7 tỷ USD, chiếm 52% tổng doanh số kiều hối năm 2011, nên khi thị trường đầu tư này có dấu hiệu ấm dần lên sẽ tác động tích cực đến “dòng chảy” kiều hối. Các chính sách kích cầu bất động sản đã và đang được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước quan tâm, đẩy mạnh và thị trường bất động sản đã ít nhiều được hỗ trợ từ việc giảm lãi suất của ngân hàng và gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đang dần đi vào thực tế.

Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, thị trường bất động sản khởi sắc sẽ là động lực để giải quyết vấn đề nợ xấu, đồng thời tác động tích cực đến nguồn kiều hối…

Theo Thùy Vinh

Báo đầu tư

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *