Thời sự 25/01/2014 07:17

Kiều hối đang chảy vào sản xuất

Bà con Việt kiều ngày càng quan tâm tới đất nước, lượng người về quê ăn Tết “năm sau cao hơn năm trước”, dòng chảy kiều hối vượt con số chục tỷ USD. Điều đáng mừng có tới 70% lượng kiều hối tại TPHCM đã được đầu tư vào sản xuất kinh doanh trong năm 2013.

Nhiều kiều bào trí thức trẻ đổ về tìm cơ hội đầu tư Ảnh: Hữu Vinh

Trong năm 2013, dòng chảy kiều hối đã không đổ vào lĩnh vực bất động sản (BĐS). Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã thực hiện khảo sát 4.000 hộ nhận kiều hối năm 2011, kết quả cho thấy 52% lượng kiều hối được đầu tư vào lĩnh vực BĐS, các ưu tiên tiếp theo là gửi tiết kiệm và tiêu dùng. 

Trong đó, phân khúc được tập trung nhiều nhất là BĐS nghỉ dưỡng. Năm 2013, thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM cho thấy kiều hối trên địa bàn “chảy” vào BĐS 10 tháng cuối năm chỉ còn 21%. 

Trong khi đó, gần 70% kiều hối được đầu tư vào sản xuất kinh doanh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể. Báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô năm 2014 của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng nhận định kiều hối đang có sự dịch chuyển tích cực vào các hoạt động sản xuất kinh doanh thay vì đổ vào thị trường BĐS. Xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2014 khi dòng kiều hối tiếp tục tăng.

Trong cuộc gặp mặt bà con kiều bào, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) Nguyễn Thiện Nhân thông báo, lượng kiều hối do bà con kiều bào từ khắp nơi trên thế giới gửi về trong nước đạt 11 tỷ USD.

Lãnh đạo TPHCM cũng cho bà con biết, lượng kiều hối trong năm qua ở TPHCM cũng đã đạt 4,8 tỷ USD, chiếm gần 50% cả nước và ngày càng có nhiều nhà khoa học, chuyên gia Việt kiều trở về nước tham gia đầu tư, nghiên cứu khoa học, giảng dạy… 

Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, mặc dù kinh tế đang gặp khó khăn nhưng con số kiều hối mà Việt Nam đạt được mang đến dấu hiệu lạc quan và đã đưa Việt Nam trở thành nước thứ 9 trên thế giới tiếp nhận lượng kiều hối “khủng”.

Đặc điểm của dòng kiều hối năm 2013 là không chỉ tăng nhanh về số lượng mà còn mở rộng ở nhiều thị trường mới do sự đóng góp của lực lượng xuất khẩu lao động.

Bên cạnh những thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, Canada, Úc, dòng kiều hối chuyển về đang có sự đóng góp ngày càng đáng kể của các thị trường có lực lượng xuất khẩu lao động Việt Nam như Đài Loan, Nhật Bản. Hiện nay, kiều hối chuyển về Việt Nam qua kênh Western Union đã lên đến 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ông Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia tài chính, Việt kiều Mỹ) ước tính rằng, lượng kiều hối năm nay sẽ tiếp tục tăng, hy vọng đạt con số 12 tỷ USD. Nếu so với thu nhập của hơn 4 triệu người Việt trên toàn thế giới (ước đạt 80 tỷ USD trong năm 2013), lượng kiều hối này là đáng kể. 

Theo ông Hiếu, Chính phủ có thể đẩy mạnh hơn nữa đóng góp của Việt kiều, mà một trong những biện pháp là tạo điều kiện thông thoáng cho việc mua nhà, bất động sản trong nước. Ông Hiếu mong rằng, UBMTTQVN và Bộ Ngoại giao có kiến nghị với Chính phủ về chính sách đầu tư của Việt kiều.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng cho rằng, mặc dù trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn khó khăn, nhưng lượng kiều hối vẫn đạt được mức khả quan. Đặc biệt, lượng kiều hối không chỉ từ kiều bào, người lao động ở nước ngoài chuyển về cho người thân như trước kia nữa mà còn có cả tiền chuyển về với mục đích đầu tư.

Một yếu tố khác mang tính chất hỗ trợ là dịch vụ chuyển tiền kiều hối qua kênh chính thức rất phát triển với sự tham gia của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp với tính chất cạnh tranh rất cao.

Theo đánh giá của WB, kiều hối chuyển về Việt Nam chịu phí dịch vụ khá thấp, bằng 0,05% khoản tiền gửi và tối đa không quá 200 USD. Ngoài ra, chênh lệch lãi suất giữa VND và ngoại tệ ở Việt Nam cũng là yếu tố thu hút ngoại tệ gửi về.

Theo Hữu Vinh
Tiền Phong

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *