Thời sự 16/04/2020 16:59

Kiến nghị áp dụng mức giá 0 đồng với các dịch vụ hàng không

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng với các dịch vụ chuyên ngành hàng từ 1/3 - 31/12/2020, để gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vì dịch Covid-19.

Theo Bộ GTVT, trên cơ sở các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp hàng không thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, tại văn bản số 3329, Bộ GTVT đã kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 23/1 - 31/12/2020 hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch, tùy thời điểm muộn hơn.

Trường hợp cân đối ngân sách gặp khó khăn, thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, đồng thời cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách.

Bộ GTVT cũng đề xuất áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, bay đến đối với các chuyến bay nội địa. Thời gian áp dụng dự kiến từ 1/3/2020 đến hết ngày 31/8/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh;

Cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá trong thời gian từ 1/3/2020 đến hết ngày 31/12/2020 và có thể điều chỉnh tùy thuộc theo diễn biến của dịch bệnh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khác. 

Kiến nghị áp dụng mức giá 0 đồng với các dịch vụ hàng không - 1

Bộ GTVT kiến nghị áp dụng mức giá 0 đồng với các dịch vụ hàng không

Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng giảm, tạm hoãn nộp các loại thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế nhà thầu nước ngoài cho toàn bộ các nghĩa vụ phát sinh từ ngày 23/1 - 31/12/2020 hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch, tùy thời điểm muộn hơn;

Bên cạnh đó, Bộ này cũng kiến nghị Thủ tướng giao Ngân hàng nhà nước xem xét hỗ trợ khoanh nợ gốc, cơ cấu dứt điểm các khoản nợ, kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tính dụng, không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả trong thời gian dịch, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ, tiếp tục cho các doanh nghiệp vay vốn lưu động.

Hiện nay, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã miễn, giảm giá nhiều dịch vụ hàng không cho tất cả các hãng hàng không đang sử dụng dịch vụ tại các Cảng hàng không của ACV.

Theo đó, có 7 loại dịch vụ thuộc thẩm quyền được ACV miễn, giảm giá là: Dịch vụ dẫn tàu bay 50%; dịch vụ thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy thủ tục hành khách, thuê cầu dẫn khách, phục vụ mặt đất giảm 10%; dịch vụ thuê văn phòng đại diện hang - đối với các hãng hàng không dừng bay sẽ giảm 100%, còn các hãng vẫn duy trì bay sẽ giảm 30%. Các dịch vụ trên được miễn, giảm giá từ 1/3/2020 đến hết tháng 8/2020.

Báo cáo chưa đầy đủ tính tới thời điểm hiện nay, thiệt hại của việc dừng khai thác nhiều đường bay được các hãng hàng không Việt Nam tính toán sơ bộ lên tới hơn 30.000 tỷ đồng.

Trao đổi với PV Dân trí trước đó, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết: Các “kịch bản” ứng phó với Covid-19 được xây dựng giờ đều bị “phá sản”, đến nay không thể đưa ra đánh giá đầy đủ về tình hình, bởi chưa ai dám khẳng định khi nào thì dịch Covid-19 kết thúc.

“Không đánh giá được tăng trưởng, sản lượng khai thác hàng không trong năm nay cũng không thể dự báo được nữa. Bây giờ, việc tính toán không phải là thiệt hại bao nhiêu mà là cứu vãn được bao nhiêu. Thậm chí, chúng tôi còn lo lắng có thể có hãng không trụ được dẫn tới phá sản” - ông Thắng nói.

Cục trưởng Cục Hàng không cũng thông tin hơn 200 máy bay tại Việt Nam không thể khai thác và phải nằm la liệt ở các đường lăn, sân đỗ của các cảng hàng không. Trong khi đó, các hãng hàng không dù không sử dụng máy bay những vẫn phải trả tiền thuê và đóng nhiều loại thuế, phí.

Châu Như Quỳnh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *