Thời sự 07/05/2019 07:21

Khốn đốn vì những “cục nợ tàu 67”!

Đóng "tàu 67" là ước mơ cháy bỏng của rất nhiều ngư dân, với hi vọng công suất lớn, vỏ tàu thiết kế chắc chắn, có thể giúp ngư dân bám biển dài ngày, tăng nguồn thu nhập... Nhưng thực tế hiện nay “tàu 67” đang “chết yểu”, trở thành “cục nợ” của nhiều ngư dân.

Khốn đốn vì những “cục nợ tàu 67”! - 1

Do khai thác không hiệu quả, nhiều “tàu 67” phải nằm bờ.

“Cục nợ mang tên tàu 67”

Thực hiện Nghị định 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, ngư dân được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để đóng mới, cải tạo tàu lớn phục vụ vươn khơi bám biển (vì vậy ngư dân gọi là "tàu 67"). Thân tàu được làm bằng vỏ gỗ, sắt hoặc composite với công suất hàng trăm CV trở lên. Rõ ràng, Nghị định 67 là “cứu cánh” cho rất nhiều ngư dân cần muốn đóng tàu to, công suất lớn muốn vươn khơi bám biển nhưng đang ít vốn.

Theo chương trình này, tính đến nay, toàn tỉnh Nghệ An đóng mới 104 tàu cá công suất lớn để đánh bắt xa bờ. Cụ thể, thị xã Hoàng Mai đóng mới 41 tàu, huyện Quỳnh Lưu 52 tàu, Diễn Châu 4 tàu, Cửa Lò 4 tàu và Nghi Lộc 3 tàu.

Tuy nhiên, kể từ khi đưa tàu to, máy công suất lớn… vào vận hành khai thác, hiệu quả không như ngư dân mong muốn. Nhiều ngư dân cho biết có rất nhiều lý do như giá xăng dầu tăng, thời tiết thất thường, nguồn lợi hải sản cạn kiệt… nên năng suất đánh bắt không cao, hiệu quả thấp... dẫn đến nợ nần khó trả. Rất nhiều chuyến vươn khơi của ngư dân thu nhập thấp, thậm chí sau khi trừ tiền mua dầu, ga, đá lạnh, nhân công thì… lỗ nặng.

Khốn đốn vì những “cục nợ tàu 67”! - 2

"Tàu 67" bám biển ngày càng thưa thớt hơn vì hiệu quả kém.

Ông Ngô Trí Đông ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) là chủ tàu có công suất 820CV đóng mới theo Nghị định 67 để phục vụ dịch vụ hậu cần trên biển. Ông Đông đang còn nợ ngân hàng chừng 20 tỷ đồng vay nợ đóng tàu theo Nghị định 67. Tâm sự với chúng tôi, ông Đông chia sẻ: “Từ cuối năm 2018 đến nay, nguồn hải sản ít hơn mọi năm nên nhiều chuyến ra khơi hòa, có chuyến lỗ. Việc trả nợ vay đóng tàu rất khó khăn cho chúng tôi”.

Cùng cảnh ngộ như ông Đông, ông Nguyễn Do Thái ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) cũng đang “dở khóc dở cười” khi “tàu 67” của ông không hiệu quả. Được biết, ông Thái đang là bị ngân hàng xếp vào trường hợp cố tình chây ì không trả nợ. Ông Thái ngao ngán nói: “Tôi vay ngân hàng hơn 22 tỷ đồng để đóng hai chiếc tàu với mong muốn vươn khơi. Nhưng việc bám biển rất khó khăn nên mới trả được hơn 1,5 tỷ đồng. Tôi cũng rất muốn trả nợ đúng hạn nhưng do nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, nhiều lúc tàu ra khơi bị lỗ nên càng khó khăn. Nhiều hôm nhìn tàu nằm bờ mà xót nhưng đi biển cũng lỗ nên chưa biết làm sao được”.

Nhiều ngư dân ở huyện Quỳnh Lưu, Hoàng Mai… cũng có chung ý kiến khi được hỏi về hiệu quả đi biển và vì sao lại chậm trả nợ vay vốn đóng “tàu 67”. Một số ngư dân hiện nay rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” nên  buộc phải bán đất đai, vay nợ nơi khác… để trả nợ cho “tàu 67” khi kỳ hạn trả đến hẹn.

Khó thu hồi nợ

Khốn đốn vì những “cục nợ tàu 67”! - 3

Những chiếc tàu này giờ gắn liền với biệt danh "cục nợ"  khó đòi.

Tính đến thời điểm hiện tại, trong số 104 tàu được các ngân hàng tài trợ cho vay vốn có 81 tàu đã đến thời hạn trả nợ ngân hàng; trong đó có 37 chủ tàu vay vốn tại 7 chi nhánh ngân hàng không trả được nợ đến hạn, nợ xấu lên đến 156 tỷ đồng trong tổng số 774 tỷ đồng dư nợ cho vay theo Nghị định 67.

“Cục nợ tàu 67” có khả năng “phình to” khi nhiều ngư dân trả nợ chậm. Trước tình hình này, Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Nghệ An đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An có biện pháp để thu hồi nợ xấu. Trong đó nêu rõ, hiệu quả công tác phối hợp thu hồi nợ chưa cao; khó khăn trong việc áp dụng các chế tài xử lý đối với các trường hợp chủ tàu chây ì, không hợp tác trả nợ; thời gian xử lý bồi thường bảo hiểm đối với trường hợp tàu gặp sự cố trong phạm vi bảo hiểm kéo dài.

Đại diện ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Nghệ An cho hay: “Việc phối hợp triển khai thực hiện Nghị định 67 giữa các cấp, các ngành hiệu quả không cao; không đưa ra các biện pháp hỗ trợ ngành ngân hàng quản lý, kiểm soát nguồn thu từ các chuyến khai thác, đánh bắt của ngư dân mà chỉ dừng lại ở việc tổ chức buổi làm việc với ngư dân, cung cấp thông tin, tuyên truyền đôn đốc người dân trả nợ… Chưa có những chế tài đủ mạnh để xử lý những trường hợp cố tình phá bỏ hợp đồng, không trả nợ.

Một thực tế là, việc khởi kiện các trường hợp chây ì trả nợ “tàu 67” gặp không ít khó khăn do quá trình khởi kiện kéo dài, việc thi hành án, cũng như bán đấu giá… mất rất nhiều thời gian, công sức. Chưa kể, nếu tàu cá nếu nằm bờ quá lâu sẽ mất giá trị rất nhanh cũng gây ảnh hưởng lớn đến việc thu hồi nợ của các ngân hàng.

Trước tình hình “cục nợ tàu 67” đang rất khó thu hồi, ngày 11/4/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn số 2375 về việc thực hiện Nghị định 67/2014 giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thị xã ven biển chỉ đạo tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với các chủ tàu chây ì để phối hợp với các ngân hàng tìm giải pháp, đôn đốc ngư dân trả nợ theo đúng cam kết; đồng thời đưa ra các biện pháp xử lý đối với các trường hợp cố tình chây ì, không hợp tác. Trường hợp phát hiện các vụ việc có dấu hiệu lợi dụng chính sách của Nhà nước để trục lợi cá nhân, các hành vi vi phạm pháp luật, làm thiệt hại ngân sách Nhà nước, cần kịp thời tham mưu UBND tỉnh xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Nghệ An cũng giao UBND các huyện, thị xã ven biển chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động khai thác, sản lượng khai thác và tiêu thụ hải sản của ngư dân; kịp thời phối hợp, thông báo cho các ngân hàng các nguồn thu khác của chủ tàu như tiền hỗ trợ các chuyến đi biển, tiền hỗ trợ đóng mới tàu công suất trên 700CV, tiền hỗ trợ chi phí nhiên liệu…để các ngân hàng có phương án thu hồi nợ.

Khốn đốn vì những “cục nợ tàu 67”! - 4

Công văn số 2375 của UBND tỉnh Nghệ An về việc thực hiện Nghị định 67/2014.

Các địa phương phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn trong việc xác định, tham mưu UBND tỉnh các chủ tàu đủ điều kiện, năng lực, tạo điều kiện triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế chuyển đổi chủ tàu phủ, qua đó hỗ trợ cho các ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo trong trường hợp chủ tàu không đủ khả năng trả nợ hoặc cố ý chây ì không trả nợ.

Liên quan đến vấn đề này, một lãnh đạo Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết: “Cái khó nhất là vấn đề trả nợ còn ngư dân vẫn khai thác "tàu 67" bình thường tuy nhiên hiệu quả thì tùy thuộc vào từng thời điểm. Nguy cơ nhất vẫn là hiệu ứng của cả toàn quốc về việc thu hồi nợ không riêng gì ở Nghệ An. Về phía Sở đã có nhiều biện pháp như: Động viên, tuyên truyền ngư dân đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc để có biện pháp mạnh trong việc thu hồi nợ hơn”.

UBND tỉnh Nghệ An cũng đề nghị đẩy nhanh quá trình xét xử các trường hợp chủ tàu đã bị các ngân hàng thương mại khởi kiện và các vụ án dân sự liên quan đến chủ tàu vay vốn theo Nghị định 67 phát sinh về sau; cục Thi hành án dân sự tỉnh đẩy nhanh quá trình thi hành án đối với các vụ việc liên quan.

Nguyễn Tú

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *