Thời sự 31/07/2018 14:27

Khai thác khoáng sản ở địa phương: Sờ đâu sai đấy

Kết quả kiểm tra tại 54 tỉnh thành mới đây cho thấy, có tới hơn 2.000 lỗi vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, với tổng số tiền nộp phạt lên tới hơn 64 tỷ đồng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay 54 tỉnh thành trong cả nước đã thực hiện 957 cuộc thanh kiểm tra với 957 tổ chức, cá nhân tại một số địa phương trong đó có Thanh Hóa, Thái Nguyên, Thái Bình, Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Nội… Kết quả đã phát hiện 2.069 hành vi vi phạm và đã phạt tiền 64,184 tỷ đồng.

 

Một số tỉnh thành, địa phương có số tiền bị xử phạt lớn như Hà Nội bị phạt hơn 8,541 tỷ đồng, TP HCM là 7,68 tỷ đồng, Bà Rịa Vũng Tàu gần 6 tỷ đồng; Đồng Nai gần 5,5 tỷ đồng. Các tình thành khác như Hải Phòng, Bắc Giang, Bên Tre, Nghệ An, Hà Giang, Quảng Ninh, có tổng số tiền xử phạt trung bình 2-2,5 tỷ đồng. Cùng với đó, các đơn vị chức năng cũng tiến hành truy thu, bán đấu giá phương tiện khoáng sản bị bắt giữ với số tiền vào khoảng 965 triệu đồng. 

Các sai phạm phổ biến như chưa lập, phê duyệt và nộp thiết kế mỏ; khai thác ngoài diện tích được cấp phép; khai thác không đúng thiết kế được phê duyệt; vượt công suất; số liệu trong thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản không thống nhất; chưa thực hiện đầy đủ một số nội dung của Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, tại các địa phương nằm trong diện kiểm tra, các sai phạm còn gặp ở những lỗi cơ bản như quan trắc giám sát môi trường định kỳ chưa đúng tần suất; chưa có giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường; chưa thực hiện việc lưu giữ, hợp đồng vận chuyển chất thải nguy hại theo quy định; chưa ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường; chưa có hợp đồng thuê đất để khai thác khoáng sản. 

Liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, quá trình thanh tra, các đơn vị chức năng đã phát hiện 65 tổ chức, cá nhân vi phạm các vấn đề liên quan đến môi trường và bị xử phạt tổng số tiền là hơn 5,5 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực thi hành 6 năm nhưng đến nay có nhiều quy định, chính sách dù đã được sửa đổi, bổ sung song cũng không còn phù hợp. Một số quy định mới của Luật như đấu giá quyền khai thác khoáng sản; quy định về nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cần được đánh giá lại tác động sau quá trình thực hiện để giải quyết những tồn tại, bất cập, hạn chế.

Công tác bảo vệ môi trường, giám sát thi công, thanh kiểm tra tại nhiều địa phương vẫn chưa được quan tâm, chất lượng chưa cao, thậm chí còn chồng chéo vai trò giám sát, quản lý giữa một số bộ ngành. Bên cạnh đó, việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm về khoáng sản tại một số địa phương chưa được cương quyết, đủ mạnh để đảm bảo tính răn đe. Do đó, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên nhiều địa phương, đặc biệt là cát và sỏi vẫn chưa chấm dứt, nhất kà địa giới hành chính trên sông giữa các địa phương.

Chỉ tính riêng trong năm 2017, các cơ quan chức năng phát hiện vẫn còn trên 20 tỉnh thành phố có hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông trái phép. Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực này vẫn còn khó khăn và diễn biến ngày càng phức tạp.

Tính đến hết tháng 12/2017, cả nước có 2.889 tổ chức, cá nhân đang thăm dò, khai thác khoáng sản theo 4.214 giấy phép do các cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh thành cấp phép. Trong đó, Bộ TN&MT cấp phép theo thẩm quyền là 560 giấy (60 giấy phép thăm dò và 510 giấy phép khai thác khoáng sản). 3.644 giấy phép còn lại do các UBND tỉnh thành trong cả nước cấp.

Thông tin từ Tổng cục Thuế cũng cho biết, tính đến hết tháng 1/2017, tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nộp ngân sách Nhà nước là 4.287 tỷ đồng. Trong đó thu từ giấy phép thuộc thẩm quyền Bộ TN&MT là 2.780 tỷ đồng, theo thẩm quyền của UBND các tỉnh là 1.570 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2018, khoản thu này vào khoảng 3.130 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2017, cả nước có 579 tổ chức cá nhân tạm dừng triển khai dự án với lý do khó khăn về tài chính, giá bán khoáng sản trên thị trường liên tục giảm, không tiêu thụ được sản phẩm hoặc khó khăn khi bồi thường, giải phóng mặt bằng… Trong số đó, Nghệ An có 53 đơn vị dừng hoạt động khai thác, Thái Nguyên 45 đơn vị, Bình Thuận 38 đơn vị, Yên Bái 30, Quảng Ngãi 28. Hà Tĩnh 25, Ninh Bình 20, Thanh Hóa 15… Còn lại là thuộc các tỉnh thành, địa phương khác như Phú Thọ, Quảng Nam, Bắc Giang, Hải Dương, Ninh Thuận, Hà Nội, Quảng Ninh, Lài Cai, Lâm Đồng…

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *