Thời sự 22/12/2014 15:03

Huyền Như lao vào cơn lốc “tín dụng đen” thế nào?

FICA - Sáng 22/12, Tòa tối cao tại TP HCM tiếp tục phiên tòa phúc thẩm với phần thẩm vấn để xem xét kháng cáo của các bị cáo, các đương sự trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng.

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm


Mở đầu phiên tòa, thẩm phán Phan Thanh Tùng thẩm vấn các bị cáo thuộc nhóm tội: “Cho vay lãi nặng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. 3 bị cáo thuộc nhóm tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” kháng cáo gồm: Lương Thị Việt Yên; Hồ Hải Sỹ, Lê Thị Ngọc Lợi. Các bị cáo đều thừa nhận đã thiếu trách nhiệm trong việc mở tài khoản cho khách hàng mà không có mặt của khách hàng để ký chữ ký mẫu.

Hậu quả của việc làm thiếu trách nhiệm này đã để cho bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như dùng chữ ký giả của khách hàng mở tài khoản sau đó dùng lệnh chi giả chuyển tiền và chiếm đoạt của khách hàng 50 tỷ đồng gây nên hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Sau phần trả lời thẩm vấn, các bị cáo xin xem xét vai trò, hành vi của trong vụ án để được giảm nhẹ hình phạt.

HĐXX tiếp tục chuyển sang xem xét kháng cáo của các bị cáo trong nhóm “Cho vay lãi nặng”. Đào Thị Tuyết Dung (SN 1969, trú tại TP HCM) - Cựu Giám đốc Công ty TNHH Dung Vân và bị cáo Nguyễn Thiên Lý (SN 1975, quê Quảng Bình). Bị cáo Nguyễn Thiên Lý, Đào Thị Tuyết Dung đã cho bị cáo Huyền Như vay một số tiền lớn để thu lãi cao và thu bất chính hàng trăm tỷ đồng.

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm
HĐXX thẩm vấn các bị cáo trong  nhóm “Cho vay lãi nặng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”

Đào Thị Tuyết Dung được gọi lên thẩm vấn trước, trước tòa, bị cáo Dung nêu nội dung trong bản án sơ thẩm xử 2 năm tù về tội “Cho vay lãi nặng”, thu lợi 174,7 tỷ đồng là không đúng với bị cáo. Bị cáo thu lợi bất chính không tới số đó và bị cáo không làm sổ sách nên không biết cụ thể.

HĐXX dẫn chứng, thông qua các bản sao kê từ năm 2009 đến 2011, tổng số tiền bị cáo Dung đã cho Huyền Như vay là 265,7 tỷ đồng, số nhận lại 440 tỷ đồng, con số chênh lệch 174,7 tỷ đồng.

HĐXX tiếp tục hỏi căn cứ vào đâu đòi Huyền Như trả nợ? Bị cáo có giấy nhận nợ của Huyền Như? Bị cáo Tuyết Dung trình bày cho Huyền Như vay không có sổ sách ghi chép nhưng có giấy ghi nhận nợ. Tuy nhiên, mỗi lần thanh toán xong với Huyền Như thì không còn lưu nữa.

Bị cáo có nhớ bản án sơ thẩm quy kết bị cáo về tội “Cho vay lãi nặng” không? Từ năm 2009 đến 2011, tổng số tiền bị cáo Dung đã cho Huyền Như vay là 265,7 tỷ đồng, số nhận lại 440,4 tỷ đồng, con số chênh lệch 174,7 tỷ đồng. Bị cáo có thừa nhận số liệu này không?

Bị cáo Dung trả lời là không lưu giấy tờ cho Huyền Như vay tiền nên không biết cụ thể, số liệu đó chỉ là do Huyền Như cung cấp.

Theo lời khai của bị cáo Dung, không theo dõi chi tiết khoản tiền đã vay và trả với bị cáo vậy số liệu bị cáo nói với cơ quan điều tra là lấy ở đâu? – HĐXX hỏi Huyền Như. “Số liệu này bị cáo tính toán được dựa vào các bản sao kê của các cá nhân giúp việc cho bị cáo và sao kê giữa bị cáo và chị Mỹ Dung. Tiền mặt theo sổ sách, chuyển khoản theo sao kê” – Huyền Như nói tại tòa.

Sau phần thẩm vấn Đào Thị Tuyết Dung, HĐXX tiếp tục gọi Nguyễn Thiên Lý lên trước vành móng ngựa. Tài liệu của cơ quan điều tra xác định, Lý đã chủ động gặp Huyền Như và đề nghị cho Như vay tiền với lãi suất 0,4%/ngày. Sau đó, số tiền vay càng nhiều hơn có món lên đến 40 tỷ đồng với lãi suất dao động từ 0,4%/ ngày đến 1,2%/ngày, đặc biệt, có những khoản, Huyền Như phải trả cho Lý từ 3% đến 3,7%/ngày.

Bị cáo Thiên Lý cúi đầu trong ngày đầu của phiên tòa phúc thẩm 
Bị cáo Thiên Lý cúi đầu trong ngày đầu của phiên tòa phúc thẩm 

Kết quả điều tra xác định, từ ngày 1/12/2009 đến 14/9/2011, Nguyễn Thiên Lý đã cho Như vay tổng số tiền trên 554 tỷ đồng và 340.000.000 USD. Lý đã nhận của Huyền Như tổng số tiền gốc và lãi hơn 1.296 tỷ đồng. Theo bản án sơ thẩm bị cáo Lý bị xử 2 năm tù tội “Cho vay lãi nặng”.

Trước HĐXX của phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Thiên Lý xin kháng cáo vì cho rằng bản chất vụ việc bị cáo chỉ là một nạn nhân, bị cáo cho rằng mức án 2 năm là quá nặng, bị cáo xin xem xét lại tội danh của bị cáo. Trong bản án sơ thẩm có quá nhiều tình tiết bị cáo đề nghị được xem xét lại.

“Khi khám nhà cơ quan điều tra có thu giữ được cuốn sổ tay ghi chép các khoản vay mượn với Huyền Như, tuy nhiên, cơ quan điều tra chỉ đưa vào những khoảng ứng với sao kê còn những khoản vay mượn khác không thấy đưa vào” - Thiên Lý bật khóc trước tòa.

HĐXX gọi Huyền Như lên thẩm vấn, Như cho biết, bắt đầu vay tiền của Thiên Lý từ năm 2008 đến khi bị bắt (tháng 9/2011), lãi suất do Lý đưa ra từ 0,4%/ngày (tính theo năm 144%, gấp 10 lần so với quy định của ngân hàng nhà nước quy định về lãi suất), có thời điểm cao nhất 3,7%/ngày.

Thiên Lý rời tòa vào trưa 22/12
Thiên Lý rời tòa vào trưa 22/12

Trước tòa, Huyền Như xác nhận, giữa Như và Lý vay mượn bằng hình thức nhận tiền mặt và chuyển khoản. Nếu vay trả tiền mặt, thời gian đầu Lý giao trực tiếp cho Như, sau đó Lý giao tiền cho người giúp việc của bị cáo Như là Đỗ Quốc Thái hoặc chị gái của Như là Huỳnh Thị Mỹ Hạnh nhận. Còn vay tiền bằng tài khoản thì Lý chủ yếu chuyển đến tài khoản của công ty Hoàng Khải.

Huyền Như được đưa ra khỏi tòa
Huyền Như được đưa ra khỏi tòa
Huyền Như hướng mắt nhìn những người thân trước khi bị áp giải đi
Huyền Như hướng mắt nhìn những người thân trước khi bị áp giải đi
Huyền Như hướng mắt nhìn những người thân trước khi bị áp giải đi
Những chiếc xe chở các bị cáo trong vụ đại án kinh tế liên quan đến "siêu lừa" Huyền Như rời khỏi sân tòa trưa 22/12

Tiếp tục trả lời HĐXX, bị cáo Lý khai từ ngày 7/4/2009 – 13/9/2011 bị cáo đã nhận qua tài khoản là 1.296 tỷ.

11h25 tòa nghỉ trưa.

Trung Kiên – Công Quang
Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *