Thời sự 23/02/2020 08:04

Hàng không bán vé… 0 đồng; đường sắt nguy cơ dừng tàu vào tháng 3

Những diễn biến trong lĩnh vực giao thông trở thành tâm điểm chú ý tuần qua khi các “ông lớn” ngành hàng không lo khủng hoảng còn đường sắt quốc gia đối mặt nguy cơ ngừng chạy vào tháng 3 tới.

Hàng không Việt Nam đối diện với khó khăn rất lớn vì dịch corona

Hàng không bán vé… 0 đồng; đường sắt nguy cơ dừng tàu vào tháng 3 - 1

Tăng trưởng hàng không Việt Nam trong năm 2020 dự báo sẽ bị âm

Thị trường hàng không đang bị ảnh hưởng trầm trọng vì Covid-19. Để cứu vãn tình hình, trước mắt các hãng hàng không đua nhau giảm giá vé từ 50 - 100% trên các chặng bay trong nước và quốc tế. Cụ thể, Vietnam Airlines công bố bán vé 0 đồng - mức giá rẻ chưa từng có tiền lệ của hãng bay quốc gia, trong khi đó Vietjet cũng giảm 50% giá vé trên tất cả các chặng bay.

Ông Phạm Ngọc Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines - thừa nhận “hiện nay hãng đang đối mặt với khủng hoảng do đại dịch Covid - 19. Tình hình dịch bệnh ảnh hưởng tới tổng thể mạng bay của Vietnam Airlines Group suy giảm trầm trọng, khách quốc tế giảm 50%, nội địa trên dưới 50%, khu vực Đông Bắc Á có thể giảm tới 70-80%...”.

“Dự báo khủng hoảng sẽ lớn vào tháng 6/2020. Chúng tôi đề nghị lùi thời hạn nộp ngân sách trong thời gian dịch bệnh để hỗ trợ Vietnam Airlines trong việc cân đối dòng tiền. Nếu dịch bệnh kéo dài hơn thì sẽ mọi việc còn nghiêm trọng hơn nữa” - Chủ tịch Vietnam Airlines nhấn mạnh.

Còn ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch HĐTV ACV dự tính: “Tính đến hết năm 2020, tổng sản lượng vận chuyển hành khách thông qua toàn mạng cảng ước giảm hơn 35 triệu hành khách, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh ước đạt 1.700 tỷ đồng, giảm hơn 6.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm”.

Có hay không việc “cấm bay vô thời hạn” tới Hàn Quốc, Nhật Bản?

Trong ngày 20/2, trên một số trang mạng lan truyền thông tin Cục Hàng không ra quyết định cấm vô thời hạn các chuyến bay giữa Việt Nam - Hàn Quốc và Việt Nam - Nhật Bản.

Thông tin này gây hoang mang cho nhiều hành khách có lịch trình đi lại giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Nhật Bản, ảnh hưởng tới hoạt động khai thác hàng không chung.

Về việc này, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đó là thông tin hoàn toàn bịa đặt. Cục Hàng không đã đề nghị cơ quan công an điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm những đối tượng tung tin giả này.

“Hoàn toàn không có chuyện cơ quan này yêu cầu cấm vô thời hạn các chuyến bay đã cấp phép cho các hãng hàng không khai thác chuyến bay giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng như giữa Việt Nam và Nhật Bản từ 13h chiều 20/2/2020” - ông Đinh Việt Thắng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Cục Hàng không cũng thông tin đã mời cơ quan công an vào cuộc điều tra, làm rõ khởi phát của nguồn tin giả và việc lan truyền thông tin không đúng sự thật nói trên.

Lượng xe lên cửa khẩu tăng mạnh, lại ùn ứ hơn 750 xe nông sản

Hàng không bán vé… 0 đồng; đường sắt nguy cơ dừng tàu vào tháng 3 - 2

Hình minh hoạ.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, việc thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc từ ngày 15/02 tính đến 12h00 ngày 16/02 tiếp tục xảy ra ùn ứ.

Cụ thể, tại tỉnh Lạng Sơn: Ở Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đang tồn 376 xe nông sản, trái cây như thanh long, mít, ớt, nhãn (hơn ngày 15/02 là 84 xe).

Ở cửa khẩu Tân Thanh, do không phát sinh hoạt động xuất nhập khẩu nên chỉ còn tồn 1 xe thanh long. Tương tự ở cửa khẩu Cốc Nam, do không phát sinh hoạt động xuất nhập khẩu, còn tồn 10 xe nông sản, tạp hóa, da bò, mỹ phẩm.

Ở cửa khẩu Chi Ma còn tồn 4 xe (1 xe tải nhập khẩu thạch đen, 1 xe hồ tiêu, 2 xe quả sung khô). Ga Đồng Đăng: Đã nhập khẩu 19 toa bát đĩa sứ, còn tồn 22 toa thép tròn.

Báo cáo cũng cho biết, tại tỉnh Lào Cai, ở cửa khẩu Kim Thành II, đang tồn hơn 365 xe trái cây các loại, chủ yếu là thanh long.

Nguy cơ dừng chạy tàu đường sắt quốc gia trong tháng 3

Vấn đề nêu trên được đưa ra tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN), sáng ngày 20/2 tại Hà Nội.

Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) - cho biết: Theo định kỳ hàng năm thì trước 31/12 Bộ GTVT giao dự toán ngân sách bảo trì để tuần đường, gác chắn hoạt động bình thường, đảm bảo hoạt động đường sắt. Sau đó, VNR ký hợp đồng công ích với 20 công ty của VNR với tổng số 11.315 người lao động trong khối hạ tầng, đảm bảo tuần đường gác chắn trên 1.519 đường ngang và 3.059 km đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành dọc chiều dài đất nước. Tuy nhiên, đến hôm nay (20/2) VNR vẫn chưa nhận được dự toán.

“Trên 1 vạn con người chưa có tiền lương và nguy cơ phải dừng tàu là rất cao. Việc dừng tàu sẽ gây ảnh hưởng rất lớn, nhưng nếu cho chạy tàu thì trái luật, thậm chí tuần đường gác chắn nào bị tai nạn thì lãnh đạo đơn vị đó có thể bị khởi tố” - ông Minh nhấn mạnh và cho biết: “Với tư cách là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR tôi đã chỉ đạo cấp dưới làm và nếu sai thì tự chịu, không để anh em phải chịu, nhưng tôi ra văn bản chỉ đạo cũng sai vì không ai giao cho tôi, chạy tàu cũng sai mà không chạy tàu cũng sai, tình trạng này kéo dài gần 2 tháng nay rồi”.

Lãnh đạo VNR thông tin Bộ GTVT và bản thân VNR đã có nhiều văn bản trình Chính phủ, Thường vụ Quốc hội. Các công ty bảo trì đường sắt vốn chỉ 10-20 tỷ đồng và không thể vay được ngân hàng. Tổng Công ty thấy khó quá muốn cho các công ty trực thuộc vay tiền để duy trì nhưng cũng lo sau này kiểm tra, kiểm toán kết luận là sai vì VNR không có chức năng cho vay, vì vậy VNR không thể ký hợp đồng, không thể tạm ứng cho các công ty.

“Hơn 1 vạn tuần đường gác chắn không có lương, không thể duy trì hoạt động tuần đường gác chắn thì không còn cách nào khác là phải dừng tàu vào tháng 3 tới . Việc dừng tàu gây ảnh hưởng tới 3 vạn cán bộ, công nhân viên đường sắt và gián đoạn phục vụ hành khách đi lại, vận chuyển hàng hóa.” - Chủ tịch VNR khẳng định.

Tổng Công ty đường sắt sẽ rời “siêu ủy ban” trở về Bộ Giao thông

Hàng không bán vé… 0 đồng; đường sắt nguy cơ dừng tàu vào tháng 3 - 3

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam được xem xét chuyển từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trở về Bộ GTVT

Theo Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận được một số ý kiến của chuyên gia và Đại biểu Quốc hội đề nghị điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về trực thuộc Bộ GTVT quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động và vận hành của Tổng công ty.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá toàn diện những ưu điểm và nhược điểm của đề xuất này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án sắp xếp vào đầu tháng 3/2020.

Trước đó, vào năm 2018, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được chuyển giao quyền đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp từ Bộ GTVT về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sau khi chuyển giao về Ủy ban, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong quản lý, bảo trì hạ tầng đường sắt.

Dừng thí điểm công nghệ chạy xe Grab, FastGo từ ngày 1/4

Theo đó, các hình thức kinh doanh này sẽ chuyển sang áp dụng theo Nghị định 10/2020 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1/4 (thay thế Nghị định 86/2014).

Cụ thể, tất cả xe kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ được xác định là taxi. Những xe này có quyền lựa chọn gắn “mào” taxi trên nóc xe; hoặc phải dán chữ “XE TAXI” bằng vật liệu phản quang trên kính trước và kính sau xe.

Bộ GTVT đề nghị các Sở GTVT Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị thí điểm kinh doanh taxi công nghệ dừng hoạt động từ ngày 1/4

Các đơn vị cung cấp phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải đang thí điểm, các đơn vị đang liên kết phương tiện chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp theo Nghị định 10.

Mai Chi (tổng hợp)

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *