Thời sự 15/12/2019 14:32

Giới chuyên gia: Miền núi Bắc Bộ giàu tài nguyên sao vẫn mãi nghèo?

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, miền núi và trung du Bắc Bộ chiếm 1/3 diện tích cả nước và có 16 tỉnh thành phố, có nhiều tài nguyên nhưng nhiều năm qua kinh tế khó khăn, thu nhập người dân vẫn nghèo.

Ông Cung cho rằng, hiện nay xét về mặt bằng cuộc sống, miền núi và trung du Bắc Bộ vẫn là vùng có thể nói là nghèo nhất trong cả nước. Trong nghèo nhất ở đây có sự phân hoá, chênh lệch rất lớn giữa các tỉnh.

Tại Hội thảo phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, được Ban Kinh tế trung ương, phối hợp với tỉnh Thái Nguyên tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia kinh tế, lãnh đạo cơ quan bộ, ngành trung ương cùng chỉ rõ những mặt hạn chế, cơ hội phát triển của các địa phương phía Bắc, nơi giàu có về tài nguyên song chưa có chính sách phát triển hợp lý, đúng đắn nên vẫn mãi nghèo.

Hụt hơi so với cả nước

Ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương: Thu nhập bình quân của Vùng kinh tế Tây Bắc, trung du miền núi phía Bắc đang ở mức thấp nhất cả nước, và khoảng cách về thu nhập so với cả nước đang có xu hướng doãng ra. Trong khi đó, sự phân phối thu nhập lại thể hiện tính bất bình đẳng cao nhất trong các vùng trong cả nước. 

Giới chuyên gia: Miền núi Bắc Bộ giàu tài nguyên sao vẫn mãi nghèo? - 1

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế trung ương

Theo Trưởng Ban Kinh tế trung ương, Trung du và miền núi Bắc Bộ hiện có rất nhiều tiềm năng, lợi thế về tự nhiên chưa được khai thác hết, trong đó có tài nguyên nước, đa dạng sinh học và đặc biệt là du lịch vẫn chưa được nhấn mạnh trong chiến lược phát triển của địa phương, liên vùng.

Ông Bình thừa nhận: Tăng trưởng kinh tế của các địa phương trong vùng chưa bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế của phần lớn các địa phương chậm; cơ cấu kinh tế vùng chỉ là phép cộng cơ học của các địa phương, chưa mang dấu ấn vùng.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho rằng: Muốn phát huy lợi thế của các địa phương miền núi Bắc Bộ không chỉ làm những con đường mà phải thay đổi tư duy phát triển của các địa phương.

“Trung ương cũng cần quyết định cho các địa phương được tự chủ ngân sách, vạch kế hoạch phát triển sao cho khai thác lợi thế về du lịch sinh thái, thực phẩm xanh, sạch và đặc biệt là khai thác, chế biến chuyên sâu tài nguyên…”, ông Thiên nói.

Theo các chuyên gia tại Hội thảo, các địa phương phía Bắc nhiều nơi có khí hậu và có hệ thống đa dạng sinh vật phù hợp để phát triển cây dược liệu, hình thành các vùng chuyên canh cây dược liệu kết hợp với bảo vệ rừng; nuôi cây con như ong mật bạc hà, kết hợp phát triển sâm, cây thuốc quý hiếm của bà con dân tộc…

Theo Tiến sĩ Thiên, đặc điểm của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ là địa hình phân tán rất khó khăn. Trong khi đó, cách tiếp cận phát triển vẫn chưa thật sự rõ ràng. 

Giới chuyên gia: Miền núi Bắc Bộ giàu tài nguyên sao vẫn mãi nghèo? - 2

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng, Viện Kinh tế Việt Nam

Theo ông Thiên, gần đây vùng này có sự thay đổi đáng ghi nhận khi được đầu tư giao thông mạnh mẽ và có những địa phương phát triển vùng chuyên canh nông sản lớn. Ví như Lào Cai đã thành một điểm du lịch thay vì chỉ đào quặng lên bán như trước. Sơn La đã trở thành một vựa trái cây lớn của miền Bắc, nhiều nông trường chăn nuôi lớn, nhiều loại hoa đặc sản như địa lan đã được xay dựng hẳn vùng chuyên canh.

Cần nhìn vào thế mạnh địa phương, xây đô thị bản sắc vùng cao

 Vị chuyên gia nhấn mạnh, vùng kinh tế trung du miền núi phía Bắc không thể phát triển kinh tế theo logic truyền thống: khai thác mỏ, quặng, tài nguyên có sẵn mà phải phát triển theo logic mới, tăng trưởng dài hạn, bền vững hơn.

Ông này khẳng định, kinh tế phải đi liền với hạ tầng đô thị, quy hoạch đô thị phải tổng thể trong quá trình phát triển không nên để hiện tượng các đô thị phía Bắc y chang các đô thị vùng xuôi, cần phải có bản sắc, thậm chí phải xây dựng nét riêng biệt của địa phương.

Giới chuyên gia: Miền núi Bắc Bộ giàu tài nguyên sao vẫn mãi nghèo? - 3

Ông Nguyễn Đình Cung, Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện CIEM

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho hay: Trung du miền núi phía Bắc là vùng rất rộng lớn từ Đông sang Tây và đến 16 tỉnh thành chiếm khoảng 1/3 diện tích, mười mấy % dân số cả nước mà mỗi tỉnh như thế rất khác nhau, lợi thế cạnh tranh không giống nhau, kết nối giữa các tỉnh hết sức khó khăn. Tuy nhiên, miền núi và trung du Bắc Bộ vẫn là vùng có thể nói là nghèo nhất trong cả nước.

Theo vị chuyên gia này, nông nghiệp bản địa là một lợi thế nhưng phải phát triển hàng hóa chất lượng cao và phải đưa sản phẩm ra khỏi địa phương, đi khắp cả nước và xuất khẩu. 

Theo ông Cung, xuất khẩu sang Trung Quốc là một lợi thế nhưng cần nâng cao giá trị chế biến và tìm hiểu thị trường nước bạn. Cần xuất khẩu chính ngạch mới phát triển được nếu không bữa được bữa mất, không duy trì được lợi thế mà hay bị đối tác “chơi xấu”.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *