Thời sự 23/01/2020 09:17

Giá thịt trâu, bò tăng “chóng mặt” vẫn... tranh nhau mua!

Ngày 29 Tết, ghi nhận của PV Dân trí tại chợ đầu mối tỉnh Thanh Hóa và một loạt các cửa hàng thịt trâu bò tại tuyến đường Quốc lộ 45, giá thịt loại 1 đã chạm mốc 300.000 đồng/kg.

Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến thịt lợn khan hiếm trên thị trường, đã kéo theo nhiều mặt hàng khác đua nhau tăng giá, đặc biệt vào thời điểm cận Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Dạo quanh các chợ và các cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hầu hết các điểm kinh doanh đều nhộn nhịp người mua, kẻ bán, nổi bật là các loại thực phẩm, hàng hóa phục vụ ngày Tết.

Giá thịt trâu, bò tăng “chóng mặt” vẫn... tranh nhau mua! - 1

Gía thịt bò tăng cao ngất ngưởng những ngảy cận Tết Nguyên đán.

Giá thịt lợn không có nhiều biến động, chỉ tăng so với ngày thường khoảng hơn 20.0000đ/kg. Cụ thể, ba chỉ ở các cửa hàng kinh doanh tại chợ đầu mối Đông Hương (chợ lớn nhất ở tỉnh Thanh Hóa) khoảng từ 150.000 đồng/kg; thịt thăn 170.000 – 180.000 đồng/kg; thịt nạc 180.000 - 200.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá thịt trâu, bò lại đã tăng cao và nhanh chóng mặt. Ghi nhận tại chợ đầu mối tỉnh Thanh Hóa và một loạt các cửa hàng thịt trâu bò tại tuyến đường Quốc lộ 45, giá thịt loại 1 ngày 29 Tết đã chạm mốc 300.000 đồng/kg.

Giá thịt trâu, bò tăng “chóng mặt” vẫn... tranh nhau mua! - 2

Mỗi ngày, các chủ cơ sở mổ thịt bò, trâu này tiêu thụ khoảng 300kg thịt.

Theo đó, thịt thăn bò tăng từ 250.000 đồng/kg lên 280.000 – 300.000 đồng/kg; bò bắp hoa từ 250.000 đồng lên 300.000 đồng/kg; nạm sườn tăng từ 150.000 đồng lên 170.000 đồng/kg; thịt mông từ 240.000 đồng lên 280.000 đồng/kg. Cao hơn ngày thường khoảng 60-80.000 đồng). Mặc dù giá tăng cao, nhưng sức mua và nhu cầu mua thịt bò của người dân lại không hề giảm, mà tăng khoảng gấp 2 – 3 lần so với ngày thường.

Bà Lê Thị Hồng, chủ hộ kinh doanh thịt bò tại chợ đầu mối Thanh Hóa cho biết: “Khoảng 2-3 ngày trở lại đây, số lượng thịt bò được tôi bán ra khoảng 300 kg, trong khi ngày thường chỉ khoảng 100kg các loại. Có lẽ thịt lợn tăng giá nên nhiều người đã chọn thịt bò”.

 “Hôm 23 tháng Chạp, tôi mua hàng tại đây giá mới chỉ tăng từ 220.000 đồng/kg lên 240.000 đồng/kg (loại 1), giờ đã lên tới 300.000 đồng. Giờ không mua chẳng biết mua gì về ăn Tết, vì thịt lợn nay rất khan hiếm mà không biết có an toàn hay không”- ông Nguyễn Văn Hùng, TP Thanh Hóa- một người tiêu dùng chia sẻ.

Giá thịt trâu, bò tăng “chóng mặt” vẫn... tranh nhau mua! - 3

Thịt mổ đến đâu, người dân mua hết đến đó.

Tại 2 cửa hàng bán thịt trâu, bò ở thị trấn Nông Cống (huyện Nông Cống) và xã Quảng Yên (huyện Quảng Xương), mỗi ngày các cơ sở này giết mổ khoảng 3-5 con trâu, bò. Thế nhưng, do lượng người mua rất đông nên trâu, bò thịt ra đến đâu người dân đều đổ xô mua hết.

 Không chỉ bán thịt trâu, bò, tại những cơ sở này cũng bán các loại giò trâu, bò để phục vụ người dân. Giá cả các mặt hàng này cũng “leo thang” không kém. Cụ thể, giá giò ngày thường 240.000/kg nhưng đến nay, đã tăng lên 280.000 đồng/kg.

Ngoài các mặt hàng thịt bò, thịt lợn, thì thịt gà cũng tăng đáng kể. Ghi nhận tại một số chợ truyền thống như Điện Biên, Đông Thọ, Trường Thi, Tây Thành và một số huyện, thị xã khác thì giá thịt gà đều tăng ít nhất là 20.000 đồng/kg.

Giá thịt trâu, bò tăng “chóng mặt” vẫn... tranh nhau mua! - 4

Mặt hàng giò cũng tăng từ 240.000đ/kg lên 280.000đ/kg.

Cụ thể, gà mái ta có mức giá bán ra là 160.000 đồng/kg - 170.000 đồng/kg trong khi trước đó khoảng hơn một tuần, loại gà này chỉ có giá 120.000 đồng/kg; còn gà trống cũng đã chạm ngưỡng 180.000 - 200.000 đồng/kg.

Thịt gà công nghiệp cũng tăng lên 85.000 – 95.000 đồng/kg...; giá tôm, mực, cá khoai cũng đã “đội giá” hơn 20% so với trước.

Việc giá cả các mặt hàng thực phẩm có dấu hiệu “nóng” hơn trong những ngày giáp tết đang trở thành nỗi lo thường trực của không ít bà nội trợ, đặc biệt là những gia đình thu nhập thấp vì cùng lúc có nhiều thứ cần phải chi tiêu, mua sắm.

Bà Nguyễn Thị Lam, xã Thọ Vực (Triệu Sơn) bày tỏ: “Giờ giá cả các mặt hàng thực phẩm đều đắt đỏ trong khi thu nhập của mình vẫn thế nên bắt buộc phải thắt chặt chi tiêu, mua ít hơn năm ngoái. Bánh chưng thì sẽ chung với mấy nhà khác trong xóm để gói cho rẻ hơn”.

Bình Minh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *