Thời sự 27/03/2020 07:56

Gạo đầy kho, DN và các tỉnh đề xuất cho xuất khẩu trở lại

Đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam cùng Bộ NN&PTNT đều cho biết nguồn cung gạo trong nước vẫn dồi dào, đảm bảo an ninh lương thực và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Chiều 26/3, tại buổi họp với lãnh đạo Bộ Công Thương về việc kiểm tra, đánh giá nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo tại TP.HCM, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết hiệp hội và các doanh nghiệp, đại diện các địa phương sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL đều kiến nghị với Bộ Công Thương sớm báo cáo với Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại.

Gạo đầy kho, DN và các tỉnh đề xuất cho xuất khẩu trở lại - 1

Theo ông Nam, nguồn cung gạo trong nước và tại kho các doanh nghiệp khá dồi dào, đủ để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu.

Vụ đông xuân vừa qua nông dân thu hoạch trước một tháng, không bị ảnh hưởng hạn mặn, lại trúng mùa nên lượng gạo tồn kho cũng như lượng lúa trữ trong dân khá lớn, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu bình thường.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, việc ký mới hợp đồng cũng cần có những kiểm soát chặt chẽ hơn để vừa đảm bảo xuất khẩu được gạo nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực cung ứng cho người dân trong nước.

Gạo đầy kho, DN và các tỉnh đề xuất cho xuất khẩu trở lại - 2

Hiệp hội Lương thực Việt Nam và doanh nghiệp kiến nghị cho phép xuất khẩu gạo trở lại.

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu cho biết lượng gạo trong kho của doanh nghiệp này vẫn còn nhiều. Hiện doanh nghiệp xuất khẩu theo hợp đồng đã ký từ đầu năm.

Với việc mở cửa xuất khẩu trở lại, người nông dân sẽ có lợi vì bán được lúa giá cao. Hiện nay, vụ đông xuân tại ĐBSCL còn đang thu hoạch khoảng 20%-30% nữa nên xuất khẩu sẽ giữ được giá tốt cho bà con nông dân. "Hiện Thái Lan đang bán giá gạo với giá còn cao hơn Việt Nam mà các thị trường vẫn mua gạo rất tốt" - vị đại diện này chia sẻ.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cũng cho biết hạn mặn chỉ ảnh hưởng diện tích nhỏ, các vùng sản xuất lúa chủ yếu đều không bị ảnh hưởng. Hơn nữa, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT ứng phó với biến đổi khí hậu chống xâm nhập mặn, các địa phương sản xuất lúa gạo đã triển khai gieo sạ vụ đông xuân 2019-2020 sớm, vì vậy thu hoạch sớm trước 20 ngày đến một tháng nên trúng mùa, không bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn.

Cũng theo ông Tùng, đến tháng 4, các tỉnh ĐBSCL sẽ triển khai sản xuất vụ hè thu. Theo đó, năm nay Việt Nam đủ khả năng xuất khẩu 6,5-6,7 triệu tấn gạo các loại.

Bộ NN&PTNT căn cứ vào tình hình sản xuất thực tế, đánh giá tác động của hạn mặn đến sản xuất để ra con số nói trên. Vì vậy, các doanh nghiệp đề xuất cho phép xuất khẩu trở lại là hợp lý, lượng gạo vẫn đảm bảo cung ứng dồi dào cho thị trường trong nước.

Theo Quang Huy

Pháp luật TPHCM

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *