Thời sự 25/06/2019 16:16

FDI Trung Quốc đổ mạnh vào Việt Nam trong tháng 5

VCSC cho biết, FDI đã tăng mạnh sau khi nổ ra căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. 1,6 tỷ USD vốn FDI đã được giải ngân trong tháng 5, xấp xỉ tháng 4.

FDI vào Việt Nam tăng mạnh sau khi chiến tranh thương mại nổ ra

Cập nhật vĩ mô từ Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho hay, FDI đã tăng mạnh sau khi nổ ra căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. 1,6 tỷ USD vốn FDI đã được giải ngân trong tháng 5, xấp xỉ tháng 4.

Tính chung 5 tháng đầu năm, FDI giải ngân đạt 7,3 tỷ USD, tăng 7,5% YoY. Trong khi đó, FDI đăng ký trong 5 tháng đầu năm 2019 tăng mạnh 69,1% YoY lên 16,74 tỷ USD.

Đáng chú ý, Trung Quốc đứng đầu về FDI cam kết vào các dự án mới với 1,56 tỷ USD so với 281 triệu USD cùng kỳ năm ngoái. Hai dự án lớn nhất đều thuộc ngành sản xuất săm lốp bao gồm Radial Tyre ACTR (280 triệu USD) và Advance Tyre Vietnam (214 triệu USD).

Trong khi đó, về thương mại, Việt Nam ghi nhận thâm hụt thương mại 1,3 tỷ USD trong tháng 5. Trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 6,7% YoY lên 100,7 tỷ USD trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng 10,3% lên 101,3 tỷ USD, dẫn đến thâm hụt 550 triệu USD.

Với các yếu tố mang tính mùa vụ, VCSC dự báo cán cân thương mại sẽ cải thiện trong tháng 6 như mọi năm. Trong các năm qua, nhóm phân tích thường nhận thấy nhu cầu nhập khẩu tăng đột biến trong tháng 5 và giảm vào tháng 6.

Tiền đồng tiếp tục trượt giá do nhu cầu nhập khẩu cao và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Tỷ giá VND/USD tiếp tục tăng trong tháng 5 (tăng 0,5% trong tháng 5 và 1,04% so với đầu năm) do nhu cầu USD cao để thanh toán cho hàng nhập khẩu và căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, qua đó gây áp lực đối với đồng nhân dân tệ và ảnh hưởng đến tâm lý các đơn vị kinh doanh ngoại hối tại Việt Nam.

Tuy cán cân thương mại dự kiến sẽ cải thiện trong tháng 6 như những năm trước, VCSC cho rằng, các vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài có thể giữ cho tỷ giá dao động xung quanh mức hiện tại trong tháng 6.

Trong bối cảnh đó, CPI trung bình trong 5 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm qua. Trong tháng 5, CPI tăng 0,49% so với tháng 4/2019 và 2,88% so với tháng 05/2018 (trong tháng 05/2018 tăng 0,55% so với tháng 04/2018 và 3,86% so với tháng 05/2017), trong khi CPI tăng 1,5% so với tháng 12/2018 (so với 1,6% cùng kỳ năm ngoái).

CPI trung bình 5 tháng đầu năm tăng 2,71%, mức tăng chậm nhất cùng kỳ 3 năm qua. Trong tháng 05, giá xăng và điện trong nước tăng phần nào được bù đắp nhờ giá gạo và thịt heo giảm.

VCSC dự báo lạm phát sẽ giảm trong tháng 6 nhờ giá xăng giảm trong thời gian qua và tâm lý lo ngại của người tiêu dùng do dịch tả heo Châu Phi sẽ ảnh hưởng đến giá thịt heo.

Mai Chi

Chuyên mục: Đầu tư , Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *