Thời sự 27/10/2019 09:45

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông “nới” 20km, Món Huế "chết yểu", công ty nước bất ngờ xin lỗi

Tuần vừa qua là một tuần đầy ắp sự kiện: Từ các thông tin được bàn luận sôi nổi trên diễn đàn Quốc hội đến các vấn đề gây tranh cãi như quy hoạch kéo dài đường sắt Cát Linh - Hà Đông, các thông tin liên quan đến Viwasupco, Món Huế, Asanzo.

Thủ tướng: Kinh tế Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu thế giới

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông “nới” 20km, Món Huế chết yểu, công ty nước bất ngờ xin lỗi - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra (ảnh: Việt Hưng)

Tăng trưởng kinh tế đạt khá cao, năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện; kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn. Tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới.

Kết quả nói trên được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, sáng 21/10. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố, mở rộng.

Trong điều kiện thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế biến động mạnh, Việt Nam vẫn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 3%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Thị trường tài chính, tiền tệ và tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt và duy trì ổn định phù hợp; dự trữ ngoại hối đạt khoảng 73 tỷ USD; Hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng hạng từ BB- lên BB với triển vọng “tích cực”.

“Nới” đường sắt Cát Linh - Hà Đông thêm 20km

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông “nới” 20km, Món Huế chết yểu, công ty nước bất ngờ xin lỗi - 2

Quy hoạch chung các tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là người thay mặt Chính phủ ký báo cáo việc thực hiện chính sách phát triển giao thông vận tải đường sắt và việc sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho hệ thống giao thông đường sắt gửi tới Quốc hội.

Quy hoạch cũng đề ra nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng kéo dài các tuyến để kết nối với các đô thị vệ tinh đồng thời quy hoạch một số tuyến tàu điện một ray nhằm hỗ trợ và khai thác tốt hơn cho toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị.

Theo quy hoạch này, tuyến đường sắt số 2A ( Cát Linh – Hà Đông ) sẽ được kéo dài từ Hà Đông đến Xuân Mai, chiều dài khoảng 20 km, theo hướng Quốc lộ 6, bố trí depot tại Xuân Mai.

Chiều nay (22/10), trao đổi với PV Dân trí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Thể khẳng định: “Bộ GTVT không đề xuất làm đường sắt Cát Linh - Hà Đông kéo dài tới Xuân Mai, Bộ không họp bàn gì về dự án này, Bộ chỉ làm đường sắt quốc gia. Mạng lưới đường sắt đô thị với 8 tuyến là quy hoạch của Hà Nội, hiện tại chưa có chủ trương về dự án.”

Cũng theo người đứng đầu Bộ GTVT, Chính phủ muốn Bộ GTVT là đầu mối để tổng hợp về quy hoạch phát triển GTVT của các địa phương, báo cáo lên Quốc hội mới đây là báo cáo tổng hợp quy hoạch 10 năm của Hà Nội, không phải là quy hoạch hay đề xuất của Bộ GTVT. 

Để làm rõ thêm về thông tin này, PV Dân trí đã trao đổi thêm với ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ GTVT phụ trách lĩnh vực đường sắt. Ông Đông khẳng định: “Đó chỉ là quy hoạch trong tương lai xa, hiện chưa có cơ sở lập dự án Cát Linh - Hà Đông kéo dài tới Xuân Mai.”.

Nhà máy nước Sông Đà xin lỗi, miễn tiền nước 1 tháng cho người dùng

Thông cáo báo chí vừa phát đi của Công ty cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà ( Viwasupco ) khẳng định, doanh nghiệp này đã hoàn tất khắc phục sự cố tràn dầu thải vào nguồn nước sản xuất của Nhà máy nước Sông Đà để đủ điều kiện cung cấp nước sạch trở lại cho khách hàng.

Nhà cung cấp nước cho hàng triệu người dân khu vực phía Tây thành phố thừa nhận, chưa có kịch bản ứng phó phù hợp với tình huống khẩn cấp. “Do con người cố tình gây ra, dẫn đến lúng túng trong xử lý ban đầu, gây ra những đảo lộn trong sinh hoạt bình thường của người dân”, thông cáo nêu. 

“Chúng tôi mong muốn thông qua các cơ quan thông tấn báo chí gửi đến người dân, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố lời xin lỗi và mong được lượng thứ”, Viwasupco bày tỏ. 

Để đền bù tổn thất cho người tiêu dùng, Viwasupco cho biết sẽ cung cấp nước miễn phí trong kỳ xảy ra sự cố, tương đương với một tháng tiền nước. Được biết, ước tính con số này vào khoảng 50 tỷ đồng.

Bất ngờ "bãi bỏ" gần 21 tỷ đồng tiền truy thu và phạt thuế với công ty Asanzo

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông “nới” 20km, Món Huế chết yểu, công ty nước bất ngờ xin lỗi - 3

Công ty Asanzo bị truy thu và xử phạt hơn 47 tỷ đồng tiền thuế thay vì hơn 68 tỷ đồng như quyết định trước đó của cơ quan thuế

Ngày 26/10, đại diện Cục Thuế TPHCM cho biết, trước khi chuyển hồ sơ vi phạm về thuế của Công ty CP Tập đoàn Asanzo sang Cơ quan Cảnh sát điều tra thì đơn vị này có ban hành một văn bản “gõ nhầm” số tiền vi phạm của Asanzo là hơn 4.200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Cục Thuế TPHCM đã điều chỉnh số liệu nói trên và ra Quyết định 3731/QĐ-CT-TT-CHS về việc chuyển hồ sơ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Công ty Asanzo. Quyết định do ông Lê Duy Minh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM ký.

Cục Thuế TPHCM đồng thời chuyển hồ sơ vi phạm về thuế của Asanzo đến Tổng cục Hải quan – đơn vị “chủ lực” điều tra sai phạm của doanh nghiệp này.

Đáng chú ý, Cục Thuế TPHCM đã hủy một phần truy thu và phạt thuế đối với Asanzo từ mức hơn 68 tỷ đồng xuống còn hơn 47 tỷ đồng. Việc hủy bỏ một phần quyết định xử phạt nhằm đảm bảo một hành vi vi phạm không bị xử phạt 2 lần (vừa hành chính, vừa hình sự - PV).

Món Huế thua lỗ, đóng cửa hàng: Nhà đầu tư không biết, mất liên lạc với ông Huy Nhật

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông “nới” 20km, Món Huế chết yểu, công ty nước bất ngờ xin lỗi - 4

Nhóm nhà đầu tư cho biết ông Huy Nhật cung cấp số liệu cho thấy Món Huế vẫn tăng trưởng... Ảnh: N.Mạnh.

Một nhóm các nhà đầu tư lớn của Công ty Huy Việt Nam vừa thay mặt công ty tiến hành các thủ tục pháp lý khởi kiện ông Huy Nhật, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty tại Tòa án Nhân dân TP.HCM.

Các thành viên của nhóm bao gồm: ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital và Welkin Capital.

Kể từ năm 2013 đến nay, nhóm các nhà đầu tư nói trên đại diện cho một nhóm các quỹ đầu tư tư nhân quốc tế đã đầu tư vào Huy Việt Nam với tổng số vốn hơn 70 triệu USD.

Đại diện nhóm nhà đầu tư cho biết, việc khởi kiện này này nhắm tới ông Huy Nhật và các cộng sự, bao gồm bà Ngô Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Điều hành của Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế, liên quan đến cáo buộc vi phạm nghĩa vụ và trách nhiệm của người quản lý, các giao dịch bất thường và có thể có yếu tố lừa đảo; theo đó ông Huy Nhật đã chiếm dụng một lượng lớn tiền mặt và tài sản.

“Ông Huy Nhật đã cung cấp cho các nhà đầu tư các báo cáo tài chính cho thấy việc kinh doanh đang tăng trưởng và thu về lợi nhuận”, đại diện nhóm nhà đầu tư thông tin với phóng viên Dân trí.

Điều đáng nói, đại diện nhóm đầu tư này cũng khẳng định họ thất bại trong việc liên hệ với ông Huy Nhật và đội ngũ quản trị. Việc đóng cửa chuỗi nhà hàng Món Huế cũng không được thông báo hay được sự chấp thuận từ phía nhà đầu tư.

Mai Chi (tổng hợp)

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông “nới” 20km, Món Huế chết yểu, công ty nước bất ngờ xin lỗi - 5

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *